100 GBP mang ra nước ngoài sẽ đổi được gần 121 USD vào đầu năm nay, nhưng hiện tại 1 GBP đổi được hơn 125 USD. Đó không phải là thành tích tệ khi "đồng bạc xanh" tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong năm nay.
Sức mạnh của GBP không chỉ có lợi cho ngành du lịch, nó còn giúp giảm bớt lạm phát của nước này bằng cách giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ mua từ nước ngoài.
Nền kinh tế tương đối kiên cường của Anh đã giúp ích rất nhiều cho đà đi lên của GBP, đặc biệt khi so sánh với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nơi Đức đang sa lầy vào một chu kỳ suy thoái và trì trệ không thấy điểm dừng.
Trong nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất chỉ có GBP và franc Thụy Sỹ là có diễn biến tích cực trong năm nay.
Sau khi Anh và EU đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm điều chỉnh thương mại ở Bắc Ireland, GBP đã tăng lên mức cao 1,20 USD/GBP.
Bên cạnh đó, lãi suất cao hơn thúc đẩy tiền tệ tăng giá bằng cách kéo thêm tiền mặt nước ngoài vào trong nước, thu hút các nhà đầu tư bởi lợi nhuận cao hơn.
Trong năm 2023, Ngân hàng trung uơng Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều đã tăng lãi suất ở mức cao hơn dự đoán của thị trường tài chính. BoE đã vượt qua kỳ vọng về lãi suất nhiều hơn các ngân hàng trung ương khác và hiện được dự đoán sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Phía ngược lại, đồng Yen Nhật Bản và Krone của Na Uy là những đồng tiền chứng kiến mức giảm mạnh nhất. Cả 2 đồng tiền đều mất khoảng 10% giá trị so với đồng USD trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ lãi suất ở mức âm trong nhiều năm qua, trong khi Chính phủ Na Uy đẩy mạnh bán Krone để mua ngoại tệ và giá năng lượng giảm kể từ mùa Đông năm ngoái đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này./.