Từ mỗi “tế bào”...
“Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, phát triển được”. Đó là câu nói quen thuộc để khẳng định vai trò gia đình và tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc. Với gia đình anh Nguyễn Công Hoàn và chị Lê Thị Nhâm ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, câu nói ấy càng thêm giá trị. Dù bận rộn với công việc dạy học ở trường nhưng khi về nhà, mỗi người một việc, từ nấu ăn đến dọn dẹp nhà cửa, tất cả đều chăm chút cho tổ ấm của mình. Vì thế, ai cũng có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc. Anh Hoàn chia sẻ: “Có muôn nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về, đó chính là nhà. Vì thế, mình xác định đây thực sự là nơi phải có nhiều niềm vui và tiếng cười, là nơi để mỗi thành viên gia đình được “làm mới” sau một ngày vất vả”.
Tổ ấm hạnh phúc của anh Hoàn - chị Nhâm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Cuộc sống với nhiều áp lực, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, nhưng chưa bao giờ khiến gia đình anh xung đột, mà đôi khi đó là gia vị để sau đó hiểu nhau hơn. Hạnh phúc gia đình vì thế được bồi đắp, xây dựng để thêm ấm áp, bền vững mỗi ngày. Gia đình anh Hoàn cũng là điển hình trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Đồng Phú. ““Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, câu ca dao từ ngàn xưa thật ý nghĩa: cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng chỉ cần vợ chồng chung sức, đồng lòng thì mọi chuyện cũng sẽ qua. Gia đình tôi lấy đó là phương châm để xây dựng cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn” - chị Nhâm chia sẻ.
Với nhiều người, hạnh phúc là sự cho đi, lan tỏa yêu thương đến với mọi người. Trong ảnh: Một nhóm thiện nguyện nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước
Xem hạnh phúc như một mầm cây, mỗi người chung tay chăm sóc để cây tỏa bóng mát, mang yêu thương đến mọi người. Trong ảnh: Giáo viên, phụ huynh cùng học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập tham gia trải nghiệm không gian văn hóa tết
Thông điệp “Cân bằng, hài hòa chính là chìa khóa để mang đến hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội” được hiểu với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Với gia đình anh Trần Văn Toản và chị Lê Thị Hoa, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài dù sinh một bề con gái thế nhưng chưa bao giờ anh chị cảm thấy áp lực vì điều đó. Ngược lại, gia đình anh chị luôn vui vẻ, hạnh phúc, tất cả tình yêu anh dành cho 3 người “xinh gái” nhất nhà. Anh Toản cho biết: “Gia đình “có nếp, có tẻ” thì hoàn hảo. Nhưng nếu không được như thế thì cũng bình thường, đừng áp đặt phải thế này, thế kia. Vấn đề làm sao vợ chồng phải nuôi dạy con thật tốt, như thế chính là hạnh phúc”.
...đến hạnh phúc cho mọi người
Bên cạnh vun đắp hạnh phúc gia đình, rất nhiều người đã chọn mang niềm vui, niềm hạnh phúc san sẻ đến người khác. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hương ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long - người bị khuyết tật từ nhỏ là một minh chứng. Vượt qua khó khăn, mặc cảm cùng sự chia sẻ, động viên từ chồng và các con, chị mạnh dạn đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long với mong muốn được san sẻ yêu thương, hạnh phúc đến mọi người. Đến nay, CLB đã trở thành mái nhà chung ấm áp cho những người không may bị khuyết tật trên địa bàn. Sự động viên tinh thần đã giúp họ tự tin, hòa mình vào cuộc sống hiện đại mà không còn mặc cảm như trước. “Tôi thành lập CLB không gì ngoài mục đích truyền năng lượng tích cực đến các thành viên. Nhắc nhở các thành viên phải luôn ghi nhớ “tàn tật nhưng không tàn phế”, mình phải làm ra điều có ích cho xã hội, lúc đó người ta mới trân trọng mình” - chị Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm CLB gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long chia sẻ.
Chị Văn Châu Thảo (áo dài màu hồng) và chị Nguyễn Thị Hương (áo dài màu cam) - thành viên CLB gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long - được Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng vinh danh
Những sân chơi bổ ích đã được tổ chức và giúp các thành viên trong CLB gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long vơi bớt mặc cảm và hòa nhập tốt trong cuộc sống
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, CLB gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long đã trở thành sân chơi bổ ích cho người khuyết tật. Chưa nói đến những hỗ trợ về vật chất, nhưng sự tiếp sức về tinh thần đã giúp các thành viên vượt qua mặc cảm, vươn lên đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ông Phạm Văn Phúc ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, thành viên CLB cho hay: “Cô Hương thành lập CLB này rất ý nghĩa, thiết thực. Chúng tôi được vui chơi, chia sẻ, quên đi những khiếm khuyết của cơ thể. Cô còn vận động quà nhân các ngày lễ để tặng thành viên CLB”.
“Dưới góc độ tâm lý học, hạnh phúc chính là trạng thái cảm xúc tích cực của con người đạt được một nhu cầu nào đó trong cuộc sống. Hạnh phúc diễn ra ngay trong cuộc sống mỗi người, do chúng ta cảm nhận hằng ngày. Mọi xã hội, mọi quốc gia đều cố gắng làm sao để thành viên, mỗi công dân của mình được hạnh phúc sống và làm việc. Hạnh phúc đem lại niềm vui, sự phấn khởi, tự tin, sáng tạo, giúp bản thân có thể bình tĩnh đối phó với mọi tình huống. Hạnh phúc cũng là liều thuốc cho sức khỏe, giúp chữa lành những vết thương; tạo động lực để cố gắng trong cuộc sống cũng như lan tỏa yêu thương đến mọi người...”.
Chuyên gia tâm lý VŨ THỊ LAN ANHTrong cuộc sống, mỗi người sẽ có cách hiểu và hành động khác nhau về hạnh phúc. Không có một khái niệm chung cho hạnh phúc, nhưng nhiều người đều xác định rằng, hạnh phúc vốn không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi chỉ là những điều dung dị, nhỏ bé và tồn tại xung quanh ta. Xem hạnh phúc như một mầm cây xanh, mỗi người sẽ dành một ít thời gian, mỗi ngày cùng tưới nước, chăm sóc để cây tỏa bóng mát, mang hạnh phúc không chỉ cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người.