Khái niệm nghiệp vụ được sử dụng nhiều trong các thông tin tuyển dụng, nhưng không phải ai cũng hiểu nghiệp vụ là gì. Mỗi ngành nghề sẽ có mô tả công việc cũng như những yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn khác nhau mà ứng viên cần nắm rõ trước khi apply. Trong bài viết dưới đây, Blog TopCv sẽ cùng bạn tìm hiểu về khái niệm nghiệp vụ cũng như một số nghiệp vụ cơ bản của một số ngành nghề.
Nghiệp vụ là gì?
Nghiệp vụ là một hệ thống bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng công việc nhất định để hoàn thành tốt các công việc được giao trong một lĩnh vực cụ thể. Nghiệp vụ thể hiện trình độ chuyên môn, tính chất công việc, các kỹ năng cơ bản của người thực hiện công việc được giao và mức độ hoàn thành công việc.
Nghiệp vụ chuyên môn là căn cứ chính xác nhất để đánh giá khả năng đáp ứng công việc của người lao động. Bởi lẽ nghiệp vụ không chỉ là bằng cấp, học vấn mà nó còn phản ánh những kỹ năng và mức độ thành thục, am hiểu công việc của một người. Nhân sự càng nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn thì càng đáp ứng tốt yêu cầu công việc và có khả năng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.
Nghiệp vụ cơ bản đối với một số ngành nghề
Nghiệp vụ ngân hàng
- Nghiệp vụ mở tài khoản và nhận tiền gửi: Thu hút khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính,… mở tài khoản, làm thẻ, gửi tiền tiết kiệm, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng với nhiều loại kỳ hạn (không kỳ hạn, 3-6-12-24,..) và mức lãi suất khác nhau
- Nghiệp vụ tín dụng ngân hàng: Nghiệp vụ tín dụng là nguồn thu nhập chính của ngân hàng, bao gồm vay thế chấp, vay mua tài sản cố định, các gói vay kinh doanh (với khách hàng doanh nghiệp), thẻ tín dụng,… Ngân hàng cần điều tiết nguồn vốn cho những khoản vay tín dụng hợp lý nhằm mang lại lợi nhuận cao và hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.
- Nghiệp vụ đầu tư: Môi giới, mua bán trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh (mua/ bán quyền chọn, hợp đồng tương lai), tư vấn mua bán sáp nhập (M&A) (chủ yếu tại các ngân hàng đầu tư)
- Nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại: Bao gồm mua bán ngoại tệ, tài trợ xuất nhập khẩu thương mại, các hoạt động thanh toán quốc tế,…
- Một số nghiệp vụ khác: ủy thác, mua bán hộ, quản lý đầu tư, nghiệp vụ ngân hàng bán buôn (cho vay sử dụng đòn bẩy tài chính, cho vay đồng tài trợ và tài trợ dự án,…), Private Equity, Prime Brokerage,…
Nghiệp vụ kế toán
Những nghiệp vụ kế toán nội bộ mà một kế toán viên cần trang bị ao gồm:
- Nghiệp vụ kế toán thuế: Bao gồm các hoạt động như ghi nhận các khoản thuế trong ngày, làm báo cáo quyết toán thuế định kỳ, nộp thuế và nhận hoàn thuế đầu năm, cuối năm
- Nghiệp vụ kế toán mua hàng, kế toán bán hàng, kế toán công nợ
- Nghiệp vụ kế toán kho
- Nghiệp vụ kế toán tiền lương và những khoản tiền trích theo lương
- Hạch toán nghiệp vụ kế toán cuối kỳ và kế toán tổng hợp
>>> Tham khảo: Tuyển tập 10 câu hỏi phỏng vấn nghiệp vụ kế toán thường gặp nhất
Nghiệp vụ lễ tân khách sạn
- Đón tiếp khách lưu trú
- Thực hiện thủ tục check in, check out, thanh toán cho khách
- Tư vấn, giới thiệu dịch vụ phòng và giải đáp các thắc mắc cho khách lưu trú
- Tiếp nhận các cuộc gọi đặt phòng và giải quyết booking
- Tiếp nhận yêu cầu của khách lưu trú và chuyển giao cho các bộ phận liên quan khác
- Giải quyết, xử lý các tình huống claim của khách lưu trú
>>> Tham khảo: 5 kỹ năng cần có đối với nhân viên lễ tân khách sạn
Nghiệp vụ buồng phòng
- Khi khách chưa tới: check lại tình trạng phòng, kiểm tra thông tin khách từ bộ phận lễ tân khách sạn như số người, lưu ý,…
- Chuẩn bị và sử dụng các trang thiết bị và xe đẩy gồm máy hút bụi, màn cửa,… để dọn phòng cho khách trong ca làm việc
- Dọn giường cho khách, sắp xếp chăn gối, trải drap giường đúng kỹ thuật, sắp xếp các vật dụng gọn gàng, dọn sàn, phòng tắm, phòng vệ sinh,…
- Xử lý các tình huống: khách treo biển “Xin đừng làm phiền” quá thời gian quy định, khách muốn đổi phòng, khách phàn nàn dịch vụ phòng
- Phối hợp với lễ tân tiến hành kiểm tra phòng trước khi khách trả phòng nhằm xác định tình trạng phòng và những dịch vụ khách đã sử dụng
Nghiệp vụ sư phạm
Nghiệp vụ sư phạm bao gồm các hoạt động: thiết kế giáo án, thiết kế bài giảng, điều hành lớp học và hoạt động giảng dạy, điều phối học viên, kỹ năng giảng bài, đặt câu hỏi, thiết kế bài kiểm tra, làm điểm,….
Nghiệp vụ sư phạm là chương trình đào tạo dành cho những đối tượng có nhu cầu và mong muốn trở thành giáo viên/ giảng viên, có kiến thức chuyên môn nhưng không tốt nghiệp từ ngành sư phạm. Thông qua lớp nghiệp vụ sư phạm, bạn sẽ được học và rèn luyện những kỹ năng sư phạm kể trên để có đủ năng lực đứng lớp. Sau khi thi đỗ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bạn sẽ chính thức đủ điều kiện giảng dạy kiến thức tại các cấp học chính quy.
>>> Tham khảo: Trở thành giáo viên giỏi dù không có bằng Sư phạm?
Làm sao để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn?
Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, người lao động cần liên tục trau dồi ngay từ công việc, luôn cố gắng hết sức tối ưu hiệu quả công việc, nâng cao tay nghề, sau đó là tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức và kỹ năng mới trong lĩnh vực. Ngoài ra, với những chuyên ngành gần, ngành có liên quan trong lĩnh vực cũng nên tìm hiểu và cập nhật những tri thức để có thể phối hợp với team tốt hơn cũng như mở rộng giới hạn hiểu biết của bản thân.
Ngoài ra, có thể chọn một số các khóa học chuyên môn hoặc lớp nghiệp vụ, tham gia workshop công việc, các nhóm trao đổi, chia sẻ kiến thức,… để được chia sẻ thêm kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng tay nghề cũng như có được chứng chỉ (certificate) và mở rộng mối quan hệ, kết nối với cộng đồng trong lĩnh vực nghề nghiệp.
>>> Tham khảo: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là gì? 3 cách giúp nhân viên nâng cao nghiệp vụ
Mong rằng qua bài viết Nghiệp vụ là gì? Nghiệp vụ cơ bản trong một số ngành nghề bạn đã có thêm kiến thức chung về một số nghiệp vụ cơ bản. Nếu bạn muốn tìm kiếm việc làm thì hãy truy cập TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ những vị trí hấp dẫn nhất nhé!