Bạch công tử tên thật Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895 - 1950), là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng (gốc Bình Định) và bà Đào Thị Linh (làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nay thuộc phường 3, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1906, cùng Ban nhạc Tống Triều sang Pháp tham dự hội chợ, Đốc phủ Sủng ngưỡng mộ sự hiện đại của châu Âu, nên năm 1909 ông đưa con trai Tư Phước sang Pháp du học. Thế nhưng, con chỉ học cách ăn chơi theo người phương Tây, để rồi lưu lại hậu thế một Bạch công tử phóng khoáng, hào hoa và những giai thoại một thời.
ĐÔI VỢ CHỒNG CÓ CÔNG VỚI NỀN NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG
Có một điều không nhiều người biết về Bạch công tử, là ông không chỉ mê cải lương, mà còn đã theo học ngành Sân khấu. Năm 1926, Bạch công tử cùng ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (cha Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Kim Cương) lập ra Gánh hát Phước Cương, tồn tại được 1 năm thì rã gánh.
Bạch công tử Lê Công Phước và NSND Phùng Há - đôi vợ chồng có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật cải lương.NSND Phùng Há được coi là “cây đại thụ” của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam. Bà đến với cải lương từ rất sớm (năm 13 tuổi). Dù không phải là “con nhà nòi”, nhưng ngay từ lần đầu đứng trên sân khấu, bà đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả vì diễn quá hay, hát quá ngọt. Ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, bà là cô đào được nhiều đàn ông giàu có săn đón, trong số đó có thiếu gia ăn chơi nức tiếng lục tỉnh là Bạch công tử.
Chuyện kể rằng, trong một đêm diễn năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà ra cửa sau để ra về thì bất ngờ gặp Bạch công tử đứng đợi tự bao giờ. Người đàn ông ấy bắt tay cô đào xinh đẹp và làm quen.
Kể từ cái bắt tay ấy, Bạch công tử luôn xuất hiện ở hàng ghế đầu tiên trong các đêm diễn để được ngắm cô đào xinh đẹp, hát hay. Trước sự săn đón nhiệt tình của người đàn ông ấy, họ bén duyên, yêu thương nồng cháy và nên duyên vợ chồng.
Sau khi kết hôn với bà Phùng Há, Bạch công tử thành lập Gánh hát Huỳnh Kỳ, giao cho vợ làm bầu. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ, quy tụ nhiều đào kép lừng danh lúc bấy giờ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Nữ… Bạch công tử còn cho xây dựng rạp hát lớn nhất trong vùng, cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn thường xuyên.
Năm 2016, UBND tỉnh Tiền Giang có Quyết định xếp hạng Nhà Bạch công tử là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các cơ quan chức năng đã sưu tầm và phục dựng lại các đồ vật trang trí trong nhà (bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ…; phục dựng lại các tiểu cảnh, trồng thêm cây xanh ở hai bên và phía trước nhà…) để phục vụ khách tham quan du lịch Tiền Giang. Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà Bạch công tử vẫn nguyên nét đẹp xưa và được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại TP. Mỹ Tho, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.Với nguồn tiền bạc dồi dào của Bạch công tử và tài năng của bà Phùng Há đã giúp Gánh hát Huỳnh Kỳ trở thành cái tên nức tiếng lúc đó.
Theo các tài liệu ghi lại, trong khi các gánh hát khác di chuyển bằng ghe chèo, thì Bạch công tử đã trang bị cho gánh hát Huỳnh Kỳ một lúc 3 chiếc ghe máy đồ sộ.
Mỗi lần di chuyển, đoàn ghe của Gánh hát Huỳnh Kỳ không khác một đoàn du thuyền trên sông. Chiếc đầu tiên có lầu, phía trước ghe có cột cờ, trên đó có lá cờ vàng biểu tượng cho 2 chữ Huỳnh Kỳ. Bạch công tử và vợ đi trên ghe này. Ghe kế tiếp dành cho đào kép, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn.
Chiếc thứ ba chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay chào xã giao với chính quyền địa phương. Với thực lực hùng hậu không gánh hát nào bì kịp, Huỳnh Kỳ đi lưu diễn khắp nơi, ghe của khách neo chật cả bến.
Rất nhiều đêm diễn, Bạch công tử gom hết tiền bán vé tặng Tổng cục Thể thao Chợ Lớn, giúp Cerlce S.A Sài Gòn xây dựng sân tennis, giúp Hội Thể thao tỉnh Sóc Trăng có kinh phí tham gia thi đấu, giúp Hội Tương tế Gò Công và gây quỹ cho Trường Đông Pháp thương học của Tô Ngọc Thăng…
Về sau, mỗi lần vé bán không hết, thiếu tiền chi, Bạch công tử đều “bù lỗ” kinh phí, hết tiền túi về cắt ruộng, vườn bán. Sự rộng rãi của bầu Phước làm nhiều người mến mộ vì được ông giúp. Thời hoàng kim của Gánh hát Huỳnh Kỳ, Bạch công tử từng đưa gánh hát ra tận Hà Nội, Hải Phòng… biểu diễn.
Các bậc tiền bối cải lương cho rằng, ông là người đầu tiên mang cải lương ra đất Bắc và được nhân dân yêu thích. Nhiều vở cải lương của Huỳnh Kỳ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả thời ấy: Giọt máu chung tình, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Người đàn bà không tên… Mang tiếng ăn chơi, nhưng ít ra trong giai đoạn này, ở lĩnh vực nghệ thuật, Bạch công tử đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của cải lương thời kỳ phôi thai.
GEORGE PHƯỚC VÀ NHỮNG GIAI THOẠI ĐỂ ĐỜI
Thời bấy giờ, có một người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp tên Trần Ngọc Trà, là con thứ ba trong gia đình, người ta gọi là cô Ba Trà. Vẻ đẹp của cô Ba Trà nức tiếng xa gần, dù chưa từng có cuộc thi hoa hậu Đông Dương nào diễn ra nhưng mọi người vẫn phong hiệu cho cô là “Hoa hậu Đông Dương”.
Vẻ đẹp mặn mà cuốn hút của cô Ba khiến không chỉ các công tử, mà các ông phủ, ông huyện, thầy thông, thầy lý… đều mê đắm; và cô Ba cũng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Hắc công tử, Bạch công tử.
Trong số những lần “thách đấu” giữa hai công tử này, có cuộc thi đốt tiền nấu chín một ký đậu (có giai thoại kể là nấu trứng), địa điểm tổ chức tại nhà Hắc công tử, cô Ba Trà làm trọng tài. Kết quả sau gần 1 giờ đốt tiền, nồi đậu của Bạch công tử đã sôi trước.
Hắc công tử thua vố này, bèn nói: “Chú em nhỏ tuổi nên háo thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”. Lần thách đấu này đã được lan truyền rộng rãi, được xem là “ngông” nhất của hai vị công tử.
Giai thoại việc đốt tiền của Hắc công tử và Bạch công tử có rất nhiều biến thể, tuy nhiên người nhà của Hắc công tử là ông Trần Trinh Đức (con thứ tư của Hắc công tử), bà Hồ Ngọc Sương (người làm trong nhà Hắc công tử) và NSND Phùng Há (vợ của Bạch công tử) đã phủ nhận giai thoại trên, nói rằng đó là chuyện thêu dệt.
Khoảng năm 1930, hầu hết gánh hát cải lương ở Việt Nam rơi vào khó khăn. Gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử cũng không ngoại lệ. Đến năm 1935, Bạch công tử cho phục hồi Gánh hát Huỳnh Kỳ, nhưng không còn gây tiếng vang nữa. Một thời gian ngắn sau gánh hát này tan rã; và mối tình trai tài gái sắc Bạch công tử và vợ cũng kết thúc cuộc hôn nhân 7 năm.
Bên cạnh biệt danh Bạch công tử, thời ấy, người ta còn gọi ông là “Công tử Uy” (oui, tiếng Pháp có nghĩa là đồng ý). Bạn bè đến nhà chơi, thấy bộ salon đẹp nên ngỏ ý xin. Bạch công tử lập tức nói: “Uy, toa cứ lấy về xài đi!”. Rồi bất cứ thứ gì trong nhà, thậm chí đang mang trên người mà bạn bè xin ông cũng trả lời ngay “Uy”.
Cũng vì xem trọng bạn bè, ăn chơi xả láng, phóng khoáng nên chẳng mấy chốc tài sản của Bạch công tử “đội nón ra đi” hết. Những năm cuối đời Bạch công tử phải sống cô đơn, tàn tạ trong một căn nhà trọ.
Dẫu vậy, vốn tính tự trọng, ông nhất định không nhờ vả bất cứ ai, ngay cả họ hàng thân thích. Cuối cùng, ông từ giã cõi đời trong vòng tay của một người em nuôi tên Nguyễn Hoàng Phi (là tài xế riêng của ông lúc trước) vào năm 1950 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
HÀ ANH (tổng hợp)