Câu hỏi thường gặp
Khi nào một người cần được chữa lành?
Về mặt tâm lý học, tất cả mọi người đều có thể cần được chữa lành ở một thời điểm nào đó trong đời bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ phải trải qua những thử thách và những cảm xúc khó khăn cần được xử lý. Điển hình là khi chúng ta vừa trải qua các sự kiện, biến cố gây ảnh hưởng cảm xúc lớn như: Ly hôn, mất người thân, thất nghiệp, chia tay người yêu hoặc người thân, sức khỏe nguy kịch, bị lạm dụng (tình dục, cảm xúc hoặc thể chất) hoặc bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống mà có thể gây ra sang chấn, căng thẳng đáng kể cho chúng ta.
Chữa lành thật sự là gì hay chỉ là trào lưu?
Về mặt y khoa nói chung và tâm lý học nói riêng, chữa lành là một quá trình mà bất kỳ cá nhân có tổn thương nào về thể chất và tâm lý cũng có nhu cầu được tiếp cận để hỗ trợ khôi phục tổn thương. Quá trình này cần nhiều thời gian, kiến thức để diễn ra đúng hướng, đúng cách và có hiệu quả chứ không đơn thuần chỉ sau 1 vài lần đi du lịch, đi leo núi,… Tuy nhiên, cụm từ này dường như đang dần trở thành cụm từ bị lạm dụng với ý nghĩa không tốt, thường mang tính giễu cợt, hài hước, gây ra sự xáo trộn và bóp méo bản chất thật của nó. Về lâu về dài có thể sẽ gây ra một số khó khăn và phân biệt, kì thị, khiến cho một số cá nhân thật sự cần được chữa lành cảm thấy e dè, ngại ngùng khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trị liệu tâm lý. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của người có nhu cầu chữa trị.
Trào lưu chữa lành được biết đến với các hình thức và phát ngôn như:
- Đi du lịch để chữa lành
- Đi trekking để chữa lành tâm hồn
- Đi gội đầu và massage thư giãn để chữa lành.
Kết luận
Tóm lại, chữa lành (healing) là một thuật ngữ được dùng để đề cập đến việc hàn gắn và phục hồi vết thương cả thể chất và tinh thần thông qua nhiều phương pháp đa dạng. Tất cả mọi người đều có nhu cầu được chữa lành ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời để nâng cao chất lượng cuộc sống. Thuật ngữ này mang ý nghĩa rất tích cực nhưng thời gian gần đây lại được sử dụng nhiều với mục đích không chính xác và có phần tiêu cực. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được về khái niệm chữa lành thật sự là gì và các hình thức của chữa lành.