khi đường Bà Triệu và cầu Vỹ Dạ mở rộng, diện tích chợ Cống bị thu hẹp không đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân
Nằm ngay giao lộ Bà Triệu và Nguyễn Lộ Trạch (TP. Huế), chợ Cống hình thành trước năm 1935 và được phường Xuân Phú đầu tư nâng cấp xây dựng năm 2002. Hiện nay, chợ có 174 điểm kinh doanh chính, 51 điểm kinh doanh bạ cố định và trên 100 điểm kinh doanh bạ không kiên cố.
Tuy nằm trên diện tích gần 1.700m2, là nơi có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua, phục vụ giao thương cho bà con một số phường xung quanh cũng như người dân ở các vùng lận cận của huyện Phú Vang, TX. Hương Thủy.
Nhu cầu mua bán ngày càng tăng, từ một chợ có phạm vi nhỏ đã trở nên sầm uất, với nhiều lô hàng mọc lên cả trong và bên ngoài chợ, dọc đường Nguyễn Lộ Trạch và Bà Triệu.
Chị Lê Minh Thủy, ở đường Nguyễn Lộ Trạch chia sẻ: đoạn đường Nguyễn Lộ Trạch ngang qua chợ Cống gần như trở thành nơi phục vụ mua bán chứ không còn là đường đi lại. Nhiều người giờ phải đi đường vòng sang các tuyến đường bàn cờ khác để tránh cảnh ùn tắc, kẹt xe đoạn qua chợ.
Cũng vì hoạt động mua bán ngày càng đông đúc trong phạm vi chật hẹp, nên luôn diễn ra cảnh lộn xộn, nhếch nhác dọc tuyến đường Nguyễn Lộ Trạch.
Bên trong chợ, mặc dù tình hình an ninh trật tự được Ban quản lý chợ (BQL) đảm bảo tốt thông qua đội ngũ bảo vệ chợ và hệ thống các “mắt” camera giám sát; tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh môi trường trong và quanh khuôn viên chợ còn khó khăn.
Ông Trương Đình Vỹ, Trưởng BQL chợ Cống cho biết, sau khi TP. Huế có chủ trương di dời chợ Cống, BQL nghiêm túc chấp hành và thường xuyên vận động tiểu thương. Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức họp lấy ý kiến tiểu thương về việc di dời chợ do thành phố chủ trì, đa số chưa tán thành.
Lý do một số tiểu thương nêu là vị trí mới rất thấp, thường xuyên bị ngập nước khi xảy ra mưa lụt lớn, còn vị trí chợ Cống hiện tại chưa bao giờ bị ngập nước. Đây là điểm chính cung cấp lương thực và các nguồn thực phẩm, nhất là phục vụ người dân lúc hoạn nạn và bão lụt.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, bán hàng nước tại chợ gần 17 năm bày tỏ lo lắng trước thông tin chợ sẽ di dời. Theo chị Hiền, sẽ rất khó vì ảnh hưởng đến cả nghìn người. Đã có nhiều chợ trên địa bàn TP. Huế sau khi xây mới nhưng không có tiểu thương vào chợ vì không có khách mua. Nếu chợ di dời, chị dự định sẽ thuê kiôt dọc nhà dân ở đường Nguyễn Lộ Trạch để kinh doanh.
Một số khác có ý kiến, chợ di dời về vị trí mới ít người qua lại, khó buôn bán, hệ thống đường sá chưa thông thương. Các khu chung cư lân cận đã có các quầy hàng, siêu thị mini, mua bán phân tán.
Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế thông tin, phạm vi thực hiện dự án mở rộng đường Bà Triệu và mở rộng cầu Vỹ Dạ có liên quan đến khu đất của chợ Cống, nên diện tích chợ bị thu hẹp, không đảm bảo hoạt động chợ. Chủ trương di dời chợ Cống là cần thiết và phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, phòng đang phối hợp với BQL chợ lấy ý kiến tiểu thương, đồng thời lập phương án, lên kế hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng chợ. Kế hoạch, chợ Cống sẽ được di chuyển đến khu A- Khu đô thị mới An Vân Dương. Diện tích khu đất dự kiến bố trí xây chợ khoảng 9.760m².
Bài, ảnh: Hoài Thương