Bướu máu ở trẻ em là một loại tổn thương của các mạch máu còn được gọi là u máu, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi và có thể giảm dần khi trẻ phát triển lớn hơn. Cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh cũng như các biện pháp can thiệp đúng đắn để tránh ảnh hưởng đến tính “thẩm mỹ” của trẻ.
Tổng quan về bướu máu ở trẻ em
Bướu máu ở trẻ em là một biểu hiện của sự tăng sinh bất thường của các tế bào lót bên trong các mạch máu, gọi là tế bào nội mô. Khi sự tăng sinh này diễn ra nhanh chóng và không đúng quy luật, từ đó tạo ra sự hình thành của bướu máu. Bướu máu thường xuất hiện tại vị trí đầu, mặt, và cổ, và chúng có thể phát triển mạnh mẽ ở trẻ em dưới 1 tuổi.
Tuy nhiên, khi trẻ vượt qua độ tuổi này, các bướu máu thường ngừng phát triển và bước vào giai đoạn thoái triển. Mặc dù một số trường hợp bướu máu có thể tự giảm đi khi trẻ lớn lên (đặc biệt sau 10 tuổi), nhưng cũng có những trường hợp bướu máu vẫn tồn tại. Do đó bạn nên áp dụng cách trị bướu máu tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp trẻ cải thiện tình hình bệnh.
Hầu hết các trường hợp bướu máu ở trẻ em thường xuất hiện ở lớp biểu bì ngoài da hoặc trong mô mỡ nằm dưới da, thường tập trung ở vùng đầu, mặt, và cổ. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm hoi của bướu máu ở trẻ em có thể xuất hiện trong các nội tạng như: Gan, phổi, ruột, và thậm chí cả trong não.
Cha mẹ không nên quá lo lắng, chỉ một số bướu máu xuất hiện ở nội tạng hoặc các vị trí nguy hiểm như: Mắt, mũi, họng,… có thể gây che lấp đường thở, tác động đến mắt và hệ thần kinh trung ương nếu không được điều trị có thể đe dọa sức khỏe của trẻ.
Cần làm gì khi phát hiện vết bớt đỏ trên da trẻ?
- Kiểm tra đặc điểm vết bớt: Hãy quan sát vết bớt để xem nó phẳng hay lồi hơn bề mặt da. Nếu vết bớt lồi, lồi nổi lên hoặc có bất kỳ biểu hiện nào không bình thường, bạn nên đưa trẻ đi khám sức khỏe ngay cả khi trẻ mới chỉ trên 1 tháng tuổi.
- Kiểm tra tính chất của vết bớt: Sờ vết bớt để xem nó có nóng quá mức, có mạch đập bên dưới, hoặc có cảm giác lổn nhổn, sần sùi không. Hãy lưu ý rằng tay bạn cần phải luôn sạch để tránh làm nhiễm trùng da của trẻ và gây loét vết bớt.
- Khám kết hợp siêu âm: Nếu trẻ có hơn 3 vị trí trên cơ thể bị bướu máu, nên thảo luận với bác sĩ để xin siêu âm kiểm tra sâu hơn trong gan và nội tạng xem có bướu máu kèm theo không.
- Chú ý đến các biểu hiện khác: Hãy theo dõi sự phát triển của trẻ và lưu ý đến các biểu hiện khác có thể liên quan đến bướu máu.
Lưu ý rằng cần phải phân biệt giữa bướu máu một dạng có thể tự giảm đi theo thời gian, và các dị dạng mạch máu ở trẻ như: Mao mạch, tĩnh mạch, thông động tĩnh mạch, bạch huyết. Đôi khi, việc nhận biết được yêu cầu sự chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa Nhi. Do đó, quan trọng nhất là nên khám sức khỏe cho trẻ sớm tại các cơ sở y tế có chuyên gia Nhi để đảm bảo chẩn đoán chính xác và có sự hướng dẫn về cách trị bướu máu tại nhà phù hợp.
Cách trị bướu máu tại nhà cho trẻ
Thuốc bôi
Có ba nhóm loại thuốc bôi dưới đây được sử dụng ngoài da, bạn có thể áp dụng cách trị bướu máu tại nhà này cho trẻ sau khi được bác sĩ cho phép và chú ý thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ:
- Thuốc chẹn beta thoa tại chỗ: Loại thuốc này thường mang lại hiệu quả tốt đối với các bướu máu có kích thước nhỏ và xuất hiện trên bề mặt da. Chúng có khả năng làm mờ màu sắc của bướu và ngăn ngừng sự phát triển của nó. Một ví dụ phổ biến là gel timolol, một loại thuốc chẹn beta thoa tại chỗ được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh này.
- Thuốc kháng sinh thoa tại chỗ: Thuốc này thường được sử dụng khi khối bướu máu xuất hiện vết loét hở, có nguy cơ nhiễm trùng hoặc có dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Thuốc corticoid thoa tại chỗ: Khoảng 1/3 số trường hợp bệnh nhân có phản ứng tích cực đối với loại thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc corticoid thoa tại chỗ cần được theo dõi chặt chẽ bởi chúng có thể gây ra các biến chứng như: Viêm nhiễm, sưng, và thay đổi màu sắc của da. Quan trọng, không nên sử dụng thuốc corticoid trên diện rộng ra ngoài vùng bướu.
Thuốc uống
Người bệnh thực hiện cách trị bướu máu tại nhà bằng thuốc uống có thể gặp phải một số phản ứng phụ, đặc biệt là trường hợp trẻ nhỏ. Vì vậy, thường bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để kiểm tra khả năng đáp ứng của trẻ đối với thuốc trước khi tiến hành chữa trị bướu máu bằng phương pháp này. Có hai loại thuốc phổ biến được sử dụng:
- Propranolol: Loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định khi bướu máu đã phát triển biến chứng. Việc sử dụng propranolol cũng được xem xét như biện pháp ngăn ngừa đầu tiên đối với các trường hợp bị u mạch máu cần chữa trị toàn thân.
- Prednisone: Loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định khi cơ thể của người bệnh không phản ứng với các phương pháp điều trị bướu máu khác và không thể sử dụng propranolol.
Phụ huynh không nên ngưng cách trị bướu máu tại nhà giữa chừng, vì bướu có thể tái phát mạnh mẽ hơn sau khi ngừng thuốc, hiện tượng này được gọi là hiện tượng "rebound". Để ngừng thuốc, phụ huynh cần bắt buộc phải thảo luận và thỏa thuận với bác sĩ để có sự hướng dẫn và tư vấn thích hợp.
Chăm sóc cho trẻ bị bướu máu
- Bướu máu có thể dễ chảy máu nếu bị trầy xước, do đó, cha mẹ cần cắt ngắn móng tay của bé và đảm bảo móng tay mịn để tránh bé gãi làm tổn thương da đồng thời áp dụng cách xử lý vết trầy xước da cho bé theo chỉ dẫn bác sĩ.
- Nếu tình trạng chảy máu xảy ra, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể dùng một miếng gạc sạch để áp lên vết thương trong khoảng 5 phút; trong thời gian này, máu có thể ngừng chảy. Tránh việc tháo miếng gạc ra sớm, vì máu có thể lại chảy. Nếu sau 5 phút mà máu vẫn tiếp tục chảy, cần đưa bé đến bác sĩ kiểm tra.
- Da vùng bướu máu rất mỏng và dễ bị khô, vì vậy khi tắm bé, cần tránh tiếp xúc vùng bướu máu với xà phòng.
Mặc dù bướu máu lành tính, nhưng nó vẫn có khả năng gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm là vô cùng quan trọng để bảo vệ chức năng của các cơ quan và duy trì thẩm mỹ cho trẻ. Hy vọng thông tin cách trị bướu máu tại nhà cho trẻ của nhà thuốc Long Châu đã góp phần giúp bạn chăm sóc trẻ được tốt hơn.