Có nhiều người tin rằng sau khi chết là hết, tất nhiên họ cũng không tin có kiếp sau. Một số nhà khoa học cũng nhận định không có kiếp trước, kiếp sau.
Tuy nhiên, trên thế giới đã xảy ra nhiều sự việc, khiến không thể phủ định được rằng các kiếp có tồn tại. Ví dụ: hương linh nhập nói về kiếp trước; nhiều trường hợp nhớ được kiếp trước và tìm đến nhà cũ, dù kiếp sau được sinh ra ở một nơi khác hẳn và có bố mẹ khác,...
Bài viết dưới đây sẽ lý giải cho các bạn về việc có kiếp sau không, cách để nhớ về kiếp trước,... từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Con người có kiếp sau không?
Đức Phật là bậc toàn giác. Ngài thấy rõ con người không phải chỉ có một kiếp sống này. Chúng ta có hằng hà sa số (rất nhiều, không thể đếm xuể) các kiếp sống khác nhau. Sau khi chết, khi bỏ thân cõi người này, mình lại tiếp tục nhiều kiếp sống sau này nữa. Thực tế có rất nhiều trường hợp khiến chúng ta tin có kiếp trước, kiếp sau mà khoa học cũng khó lý giải.
—
Mấy năm trước, báo chí tốn không ít giấy mực để viết về một cậu bé “chuyển kiếp”, nằng nặc đòi về nhà, nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn 10 năm…
Anh Tân và chị Thuận (ở tại số nhà 25, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đều là cán bộ. Sau khi kết hôn, anh chị sinh được cậu con trai và đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến. Cho đến năm 5 tuổi, Tiến không may bị chết đuối.
Khoảng 10 năm sau…
Tại xóm Cọi (cách thị trấn Vụ Bản khoảng 3km), ngày 6/10/2002, chị Bùi Thị Dự sinh được một cậu bé và đặt tên là Bùi Lạc Bình. Tất cả mọi chuyện đều bình thường cho đến năm cậu bé lên 3 tuổi. Thời điểm đó, Bình nằng nặc nhận mình là Tiến, nhà ở thị trấn Vụ Bản. Cậu còn bắt mẹ đưa ra thị trấn và nói đúng số nhà 25 (chính là số nhà của anh chị Tân Thuận).
Câu chuyện này lan đến tai gia đình nhà anh Tân, chị Thuận. Đầy hy vọng, anh chị đã tìm đến nhà chị Dự - nơi có cháu bé nghi là con của mình năm xưa đã mất. Thật ngạc nhiên, cháu Bình nhận ra anh chị như đã quen từ lâu. Được sự đồng ý của gia đình chị Dự, anh chị đã xin cho Bình được theo mình về nhà.
Trên đường về, anh Tân đi qua nhiều con đường để thử cậu bé cách tìm đường về nhà. Lạ thay, Bình hoàn toàn rành rọt, nhớ chính xác đường về. Cậu đã chỉ đường về tận nhà anh cũ (chính là nhà anh Tân) thì mới thôi. Khi vào nhà, Bình hoàn toàn nhớ hết những vị trí ngủ, đồ đạc của của mình năm xưa. Đặc biệt, cháu Bình còn thản nhiên hỏi về những món đồ chơi cũ - những món đồ hoàn toàn trùng khớp với trí nhớ của anh Tân.
Còn nhiều chi tiết ly kỳ khác về câu chuyện của cậu bé tìm về gia đình kiếp trước này. Khi theo dõi hành động, cử chỉ của cậu, tất cả mọi người trong gia đình anh Tân không thể phủ nhận việc đây đúng là Quyết Tiến - cậu con trai đã mất năm xưa.
—
Đây là một trong nhiều câu chuyện có thật để chứng minh có kiếp trước, kiếp sau. Với nhân sinh quan của đạo Phật, chúng ta biết rõ con người ta chết không phải là hết, mà còn đi tái sinh, đầu thai sang các kiếp.
Vì sao không nhớ được kiếp trước? Cách nhớ về kiếp trước?
Chúng ta không nhớ được kiếp trước vì trí nhớ kém. Ngay trong kiếp này, chúng ta còn không nhớ được: những lúc còn trong bụng mẹ như thế nào; ngày còn bé mình tập bò, tập đi ra sao,... Vậy thì chúng ta cũng không thể nhớ được kiếp trước.
Để nhớ được kiếp trước thì phải rèn luyện, tu dưỡng rất nhiều. Nếu chứng đắc thần thông, có Túc Mạng Thông (có khả năng biết được tất cả những việc thiện, ác đã tạo tác trong các đời trước) thì lập tức ta sẽ nhớ ngay được kiếp trước của mình.
Trong đạo Phật, chúng ta bắt đầu tu dần tỉnh thức, rồi tu tỉnh giác.
- Tỉnh thức: Đó là nhận thức rõ biết được các hành động của mình. Ví dụ: Nếu vừa nấu cơm vừa nghe nhạc thì sẽ không nhớ được chi tiết các hành động, việc làm của mình; nhưng nếu trú tâm hoàn toàn thì sẽ nhớ được - tức là khi ấy, tâm, khẩu, ý cùng thấy biết một vấn đề (tỉnh thức).
Nếu làm việc ác mà vẫn rõ biết, cũng gọi là tỉnh thức. Ví dụ, kẻ trộm khi đi ăn trộm, từng bước chân rất là tỉnh thức. Tức là khi đi ăn trộm, người này phải rất trú tâm trong từng hành động để không bị phát hiện thì có thể nhớ được: chỗ nào khom người, chỗ nào đứng lên,...
- Tỉnh giác: Đây là cái “tỉnh” cao hơn tỉnh thức, đó là biết thiện, biết ác. Chúng ta bắt đầu loại bỏ những tư duy việc ác, ghi nhớ từng việc thiện.
Cho nên, trong tu tập thường có những thời khóa như ngồi thiền, kiểm lại tâm mình để nhớ lại tất cả những tâm đó (thiện và ác). Muốn nhớ được thì phải có tỉnh thức kèm theo tỉnh giác. Tu như vậy thì dần dần cái tỉnh thức và tỉnh giác sẽ loại dần những tâm vô thức, trí tuệ mới sáng ra.
Làm sao để trở thành người thân trong kiếp sau?
Đối với giáo lý Phật giáo, chúng ta rõ biết mọi sự vật không có gì ngoài nhân duyên, loài người và loài hữu tình không ra ngoài nhân duyên nghiệp quả. Vậy nên, nếu muốn là những người có duyên ở gần nhau (không chỉ về mặt địa lý mà còn gần cả về huyết thống, máu mủ ruột thịt) thì chắc chắn phải tạo những nghiệp cơ bản giống nhau.
Ở đây, Đức Phật dạy rằng, ít nhất để kiếp sau có cơ hội gặp lại nhau thì phải cùng nhau tu tập: Tín, giới, thí và tuệ. Vậy nên, nếu muốn gặp lại nhau thì phải cùng làm 4 điều cơ bản này:
1. Thứ nhất là tín: Mọi người cùng chung một đức tin. Ví dụ, chúng ta cùng tin và hướng đến Đức Phật, cùng tu theo đạo Phật.
2. Thứ hai là cùng giữ giới: Cùng nhau giữ và thực hành 5 giới của người Phật tử tại gia. Nếu chỉ một trong hai người giữ giới thì đã bắt đầu có sự khác nhau rồi. Ví dụ: Một người có giữ giới thì kiếp sau có thể trở thành gia chủ, người còn lại không giữ giới thì kiếp sau làm con bò.
3. Thứ ba là cùng tu tập, bố thí: Điều này sẽ giúp những người thực hành có phước giống nhau.
4. Thứ 4 là cùng tu tập, rèn luyện trí tuệ để kiếp sau có trí tuệ như nhau.
Bên cạnh đó còn có nhân duyên khác như cùng làm những việc có tâm nguyện giống nhau, có tâm thương yêu, luyến ái nhau,... Ái nhau cũng có cơ hội để gặp lại nhau mà oán thù nhau cũng khiến có cơ hội gặp lại để trả thù nhau. Cả hai tâm ái và oán đều là cơ hội gặp lại nhau trong các kiếp.
Cho nên, Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta muốn gặp nhau trong một thiện duyên tốt thì phải tu tập giới, tín, tuệ, Pháp. Càng nhiều thiện duyên đồng nhau thì càng có cơ duyên để gặp lại nhau trong kiếp sau.
Chúng ta luân hồi nhiều kiếp, mỗi người cũng có một nghiệp riêng. Nếu không biết cách tu tập thì dẫu có gặp, cũng gặp lại nhau một cách rất trớ trêu.
Ví dụ chúng ta nuôi một con chó/mèo. Nếu chúng ta khởi tâm ái chúng, đến khi chết cũng khóc lóc vì nó, thì nhân duyên kiếp sau có thể nó sẽ về làm con của chúng ta.
Do đó, đối với tinh thần của đạo Phật, chúng ta không nên khởi niệm ái luyến nhau. Vì khi đã chuyển kiếp, chúng ta - những người phàm phu không nhận ra nhau, không biết người này là gì của mình.
Chúng ta nên bỏ tâm niệm mong muốn gặp lại nhau. Ta nên nguyện rằng: “Đời nào ta sinh ra ta cũng là người tốt, sống tốt với mọi người” thì bỗng nhiên quả tốt sẽ đến.
—
Qua những lời giảng của Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, chúng ta đã phần nào hiểu hơn về sự thật của kiếp người. Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng kiếp trước - kiếp sau có tồn tại.
Đừng quên cập nhật đầy đủ những thông tin bổ ích trên trang website chuabavang.com nhé!