Sarcoma là loại ung thư hiếm gặp phát triển ở xương và mô mềm gồm: mỡ, cơ, mạch máu, dây thần kinh, mô da sâu và mô xơ. Viện Ung thư Quốc gia cho biết, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp sarcoma mô mềm và 3.000 trường hợp sarcoma xương ở Hoa Kỳ. (1)
Vậy Sarcoma là gì? Trong bài viết này, bác sĩ chuyên khoa I Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Hệ thống Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ đưa ra thông tin tổng quan và những điều cần biết về ung thư hiếm gặp này.
Sarcoma là gì?
Sarcoma là khối u ác tính (ung thư) phát triển trong xương hoặc mô mềm gồm: cơ bắp, mỡ, gân, sụn, dây chằng, mạch máu, dây thần kinh. Sarcomas rất hiếm, chỉ chiếm 1% tổng số chẩn đoán ung thư ở người trưởng thành và khoảng 15% chẩn đoán ung thư ở trẻ em. Khoảng 16.000 sarcoma được chẩn đoán ở Hoa Kỳ mỗi năm, trong đó có khoảng 4.000 sarcoma xương và khoảng 13.000 sarcoma mô mềm.
Sarcoma ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt, sarcoma mô mềm xảy ra thường xuyên hơn ở người lớn, sarcoma xương xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trên 65 tuổi. (2)
Sarcomas có thể hình thành ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm:
- 40% xảy ra ở chi dưới (chân, mắt cá chân, bàn chân).
- 15% xảy ra ở chi trên (vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay).
- 30% xảy ra ở thân, thành ngực, bụng, xương chậu.
- 15% xảy ra ở đầu và cổ.
Các loại ung thư Sarcoma
Sarcoma có hơn 70 loại khác nhau và được phân thành 2 nhóm lớn gồm các bệnh ung thư ở xương và mô mềm. Cụ thể:
1. Sarcoma mô mềm
Sarcoma mô mềm bắt đầu trong cơ hoặc các mô liên kết khác của cơ thể. Khác với sarcoma xương, hầu hết sarcoma mô mềm xảy ra ở người lớn. Một số loại như rhabdomyosarcoma, chủ yếu được tìm thấy ở trẻ em.
Các loại sarcoma mô mềm bao gồm:
- Angiosarcoma.
- Khối u tế bào tròn nhỏ desmoplastic.
- Khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST).
- Khối u bao thần kinh ngoại biên ác tính.
- U bao sợi thần kinh ác tính (Schwannoma ác tính).
- Sarcoma hoạt dịch.
- Sarcoma đa hình không phân biệt.
2. Sarcoma xương
Sarcoma xương nguyên phát là ung thư bắt đầu trong xương. Hơn 1/3 số sarcoma xương được chẩn đoán ở người dưới 35 tuổi, đặc biệt nhiều ở trẻ em.
Các loại sarcoma xương nguyên phát bao gồm:
- Ung thư xương (phổ biến nhất).
- Ung thư sụn.
- U nguyên sống (Chordoma).
- Sarcoma Ewing (Ung thư xương ở phần xương đùi hoặc xương chậu).
- Sarcoma sợi.
Ngoài ra, loại này còn có dạng Sarcoma xương di căn. Khác với Sarcoma xương nguyên phát, Sarcoma xương di căn bắt đầu ở vị trí khác như ở một cơ quan và di chuyển đến xương. Bệnh ung thư này có nhiều dạng, thường di chuyển từ tuyến giáp, phổi, thận, vú hoặc tuyến tiền liệt. Khi ung thư từ một cơ quan ở xa lan đến xương có thể gây ra các vấn đề về cấu trúc trong xương, khiến người bệnh cảm thấy đau và khó hoạt động.
Nguyên nhân gây Sarcoma
Cũng như các dạng ung thư khác, các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân chính xác khiến tế bào khỏe mạnh trở thành sarcoma. Sarcoma hình thành khi các tế bào xương hoặc mô mềm chưa trưởng thành có sự thay đổi về DNA, phát triển thành tế bào ung thư không kiểm soát được và dần tạo ra khối u có thể xâm lấn các mô khỏe mạnh gần đó. Nếu không điều trị, ung thư có thể thông qua đường máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan khác (di căn). Ung thư di căn gây thách thức trong việc điều trị.
Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến tế bào khỏe mạnh phát triển thành sarcoma, bao gồm:
- Tiếp xúc với hóa chất: người tiếp xúc với asen và một số hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa (monomer vinyl clorua), thuốc diệt cỏ (axit phenoxyacetic) và chất bảo quản gỗ (chlorophenol).
- Tiếp xúc với virus: loại virus có tên herpesvirus 8 ở người có thể khiến người có hệ miễn dịch suy yếu tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma Kaposi. (3)
- Xạ trị: người bệnh tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao từ quá trình điều trị ung thư trước đó.
- Phù bạch huyết: người bệnh sưng hạch bạch huyết ở cánh tay hoặc chân lâu.
- Di truyền: người mang một số rối loạn di truyền và đột biến nhiễm sắc thể như: hội chứng Gardner, hội chứng Werner, bệnh von Hippel-Lindau, hội chứng Gorlin, xơ cứng củ, hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc và bệnh u xơ thần kinh loại 1.
Người mang một số rối loạn di truyền và đột biến nhiễm sắc thể như: hội chứng Gardner, hội chứng Werner, bệnh von Hippel-Lindau, hội chứng Gorlin, xơ cứng củ, hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc và bệnh u xơ thần kinh loại 1 có nguy cơ cao mắc bệnh Sarcoma.
Triệu chứng của bệnh Sarcoma
1. Các triệu chứng chung
Các triệu chứng bệnh khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u. Ví dụ, một số loại có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý ở giai đoạn đầu như: xuất hiện khối u không đau dưới da cho đến khi phát triển đủ lớn để ấn vào một cơ quan Mặt khác, một số sarcoma gây hạn chế chuyển động, đau xương kéo dài hoặc sưng ở cánh tay, chân và cơn đau trầm trọng hơn vào ban đêm.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Xuất hiện khối u có thể gây đau hoặc không.
- Đau ở một chi như: cánh tay, chân, bụng hoặc xương chậu.
- Khó di chuyển cánh tay hoặc chân (chuyển động khập khiễng hoặc phạm vi chuyển động hạn chế).
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Đau lưng.
Đôi khi, nhiều người nhầm Sarcoma với nhiều tình trạng khác do có chung triệu chứng. Vì vậy, người bệnh khi thấy dấu hiệu bất thường hãy đến gặp bác sĩ để được khám, xem và xác định các triệu chứng có liên quan đến sarcoma hay một bệnh hoặc rối loạn khác không.
2. Triệu chứng cụ thể theo từng loại
2.1 Triệu chứng của u Sarcoma mô mềm
- Khối u ở cánh tay hoặc chân, thường không đau, phát triển trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
- Đau bụng.
- Có máu trong chất nôn hoặc phân.
- Phân có màu đen.
2.2 Triệu chứng của u Sarcoma xương
- Đau ở xương bị ảnh hưởng, lúc đầu chỉ đau nhiều lúc về đêm hoặc khi sử dụng xương đó, sau đó đau thường xuyên hơn.
- Gãy xương do xương yếu.
Cách chẩn đoán bệnh Sarcoma
Để chẩn đoán bệnh Sarcoma, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng cho người bệnh. Đồng thời, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm đặc biệt trên mẫu mô thu được từ sinh thiết để chẩn đoán chính xác loại sarcoma đã mắc phải.
Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh Sarcoma, bao gồm:
- X-quang: phương pháp này sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để chụp ảnh xương và mô mềm bên trong cơ thể người bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp này sử dụng máy tính kết hợp nhiều hình ảnh X-quang thành các mặt cắt ngang bên trong cơ thể người bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này sử dụng nam châm lớn, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh rõ ràng bên trong cơ thể người bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp MRI để xem hình ảnh chi tiết hơn nếu chụp X-quang thấy điều gì đó bất thường.
- Quét xương: trong quá trình quét xương, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào cơ thể người bệnh để xác định các rối loạn về xương.
- Quét PET: phương pháp này sử dụng chất đánh dấu glucose đặc biệt bám vào các tế bào sử dụng lượng glucose cao như tế bào ung thư. Chụp PET cho thấy các bộ phận của cơ thể người bệnh có nồng độ glucose cao bất thường, gợi ý một khối u.
- Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy mô ra khỏi khối u của người bệnh và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm. Bác sĩ sẽ phân tích mô dưới kính hiển vi để xem đó có phải là sarcoma không. Phân tích này giúp bác sĩ biết chính xác loại sarcoma người bệnh mắc phải và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất với tình trạng của người bệnh.
Ung thư Sarcoma có nguy hiểm không?
Có, ung thư Sarcoma nguy hiểm. Tỷ lệ sống sau 5 năm của sarcoma mô mềm chỉ khoảng 15% với ung thư di căn và khoảng 81% với ung thư chưa lan rộng. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với sarcoma xương khoảng 26% với ung thư di căn và khoảng 77% với ung thư chưa lan rộng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống này còn tùy thuộc vào loại sarcoma, vị trí khối u, tình hình sức khỏe tổng quát, cách cơ thể đáp ứng với điều trị,…
Vì vậy, người bệnh hay khi xuất hiệu triệu chứng bất thường hoặc có khối u lạ gây đau hoặc không hãy đến gặp bác sĩ để được khám, kiểm tra chính xác và lên liệu trình điều trị kịp thời.
Cách biện pháp điều trị bệnh Sarcoma
Một số phương pháp điều trị bệnh Sarcoma, bao gồm:
1. Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ loại bỏ tất cả các tế bào ung thư và giữ lại càng nhiều mô khỏe mạnh càng tốt. Phương pháp này giúp loại bỏ khối u và không để lại bất kỳ bệnh vi thể nào. Đồng thời, bác sĩ sẽ tái tạo lại khu vực bị ảnh hưởng như cánh tay, chân có liên quan đến việc cắt bỏ khối u bằng cách thay thế kim loại để tái tạo khớp, thay thế xương bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật bằng xương lấy từ một bộ phận khác của cơ thể nơi khác nếu cần.
Trong một số trường hợp, lựa chọn an toàn và tốt nhất là cắt cụt chi bị ảnh hưởng. Đây là quyết định đặc biệt khó khăn.
2. Xạ trị
Xạ trị là sử dụng chùm năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể đến từ một máy di chuyển xung quanh cơ thể để hướng các chùm năng lượng (bức xạ chùm ngoài) hoặc được đưa vào cơ thể tạm thời (xạ trị áp sát). Đôi khi, bức xạ được thực hiện trong quá trình phẫu thuật để loại bỏ ung thư (bức xạ trong khi phẫu thuật). (4)
3. Hóa trị
Hóa trị sử dụng các loại thuốc tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư đang nhân lên nhanh chóng. Những loại thuốc này được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Người bệnh có thể được hóa trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, hóa trị được thực hiện kết hợp với xạ trị.
4. Liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu sẽ tấn công các điểm yếu trong tế bào ung thư và không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có tác dụng trên một số loại tế bào ung thư có điểm yếu mà nó được thiết kế để nhắm tới. Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nhắm mục tiêu điều trị độc lập hoặc kết hợp với phương pháp khác.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là làm tăng cường hệ thống miễn dịch trong cơ thể để có thể xác định và chống lại tế bào ung thư. Bởi, tế bào ung thư có cơ chế phòng vệ như ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch hoặc vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Điều này giúp tế bào ung thư phân chia và phát triển trong cơ thể dễ dàng. Liệu pháp miễn dịch sẽ vô hiệu hóa các cơ chế phòng vệ của tế bào ung thư để cơ thể có thể chống lại các tế bào ung thư.
6. Cắt bỏ bằng nhiệt hoặc sóng siêu âm tần số cao
Phương pháp điều trị cắt bỏ bằng nhiệt tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng điện để làm nóng hoặc chất lỏng rất lạnh để đóng băng tiêu diệt tế bào. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng sóng siêu âm tần số cao để phá hủy tế bào.
7. Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp điều trị chuyên biệt dành cho người bệnh nặng như ung thư. Phương pháp này giúp giảm triệu chứng và các tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
8. Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư mới.
Phương pháp phòng ngừa và sống chung với bệnh Sarcoma
Một số phương pháp phòng ngừa và sống chung với Sarcoma bao gồm: (5)
1. Cách phòng ngừa
- Xét nghiệm di truyền: Nếu người bệnh hoặc bất kỳ ai trong gia đình mắc u xơ thần kinh, hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc hoặc sarcoma mô mềm, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc loại ung thư này cao hơn một chút.
- Tránh tiếp xúc với bức xạ.
- Giữ lối sống lành mạnh.
- Mặc đồ bảo hộ, chống độc khi tiếp xúc với hóa chất như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dioxin.
- Khám sớm ngay khi xuất hiện khối u bất thường.
2. Sống chung với bệnh
- Tìm hiểu thông tin bệnh.
- Thực hiện đủ và đúng quy trình điều trị bác sĩ đã lên.
- Bổ sung sinh dưỡng để phục hồi cơ thể sau những đợt điều trị.
- Hãy trò chuyện với gia đình, bạn bè để giải tỏa tinh thần, cảm xúc và tâm lý của bản thân.
- Tái khám định kỳ đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp tầm soát ung thư, chẩn đoán sớm ung thư, lên kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, bệnh viện liên tục nhập các trang thiết bị hiện đại từ các nước Mỹ, Hàn, Âu,… nhằm hỗ trợ việc điều trị nhanh, hiệu quả và đạt thẩm mỹ cho người bệnh.
Đặt biệt, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các dịch vụ khiến người bệnh hài lòng gồm:
- Chọn bác sĩ, đặt lịch khám với giá không đổi.
- Hỗ trợ thanh toán BHYT.
- Tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ đầu ngành về Đầu Mặt Cổ.
- Khu phòng nội trú, phòng khám chuẩn khách sạn.
- Dịch vụ chăm sóc tận tâm.
Sarcoma là bệnh ung thư xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như tay, chân,… Thông qua bài này, người bệnh hiểu hơn về loại ung thư này. Đồng thời, người bệnh xuất hiện khối u lạ hoặc có triệu chứng bất thường như đau xương hãy đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.