Tổng quan về Tỉnh Long An

Chính quyền tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính khi đầu tư hoặc tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An. Xem bản đồ vị trí tỉnh Long An.

Thế mạnh phát triển công nghiệp

Từ năm 1997 đến năm 2020, tỉnh Long An đã phát triển 35 khu công nghiệp với tổng diện tích 11.945 ha. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bố hợp lý, vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế năng động nhất Việt Nam. Các khu công nghiệp đều thuận lợi về đường bộ và đường sông, hiện nay Cảng Quốc tế Long An có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn là những điểm thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua. Xem bản đồ vị trí các khu công nghiệp.

Thế mạnh nhà xưởng xây sẵn

Có thể nói Nhà xưởng xây sẵn là một thế mạnh của các khu công nghiệp tỉnh Long An, bên cạnh đó sự chăm sóc tốt khách hàng của các doanh nghiệp hạ tầng giúp cho Long An là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp. Bên cạnh sản phẩm đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê, để đa dạng các sản phẩm để cung cấp cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp hạ tầng tỉnh Long An đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng xây sẵn tạo ra sản phẩm, dịch vụ đa dạng cung cấp cho nhà đầu tư. Góp phần vào thế mạnh chung của tỉnh có thể kế đến các khu công nghiệp, khu nhà xưởng xây sẵn sau: Khu nhà xưởng dịch vụ Kizuna, Khu công nghiệp Long Hậu, Thuận Đạo, Tân Đức, Anh Hồng, Tân Đô, Hải Sơn, Phúc Long…

Chính quyền luôn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và hỗ trợ doanh nghiệp

Tỉnh Long An đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…, tỉnh Long An xác định sẵn sàng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón nhận các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Long An nhất là các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đã tăng trưởng khá ấn tượng. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Long An không chỉ vì điều kiện thuận lợi mà còn ở sự thông thoáng của môi trường đầu tư, sự nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và luôn sát cánh với doanh nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ưu thế sản phẩm nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến

Phần lớn diện tích nông nghiệp tỉnh Long An là sản xuất lúa, gạo, một số khu vực tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác như: thanh long, khoai tím, mía đường, chanh, đậu phộng, bắp, mè, thơm (khóm)… Bên cạnh đó, hạ tầng khu, cụm công nghiệp luôn sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư khai thác thế mạnh của Long An về các sản phẩm nông, lâm thủy sản. (Xem chi tiết các sản phẩm nông, lâm thủy sản tại đây. Lưu ý: File PDF có dung lượng lớn 38 MB) hoặc xem tại đây

Về diện tích đất lâm nghiệp, tỉnh Long An có khoảng hơn 25.000 ha diện tích rừng tràm trồng và khai thác gỗ phục vụ chủ yếu cho ngành xây dựng.

Về điều kiện tự nhiên

Long An có nhiệt độ trung bình hàng tháng 27,2 - 27,7 °C. Thường vào tháng 4 có nhiệt độ trung bình cao nhất 28,9 °C, tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 25,2 °C. Lượng mưa hàng năm biến động từ 966 - 1.325 mm. Mùa mưa chiếm trên 70 - 82% tổng lượng mưa cả năm. Mưa phân bổ không đều, giảm dần từ khu vực giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh xuống phía Tây và Tây Nam. Các huyện phía Đông Nam gần biển có lượng mưa ít nhất.

Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm là 80 - 82%. Thời gian chiếu sáng bình quân ngày từ 6,8 - 7,5 giờ/ngày và bình quân năm từ 2.500 - 2.800 giờ. Tổng tích ôn năm 9.700 -10.100 °C. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm dao động từ 2 - 4 °C. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 có gió Đông Bắc, tần suất 60 - 70%. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 có gió Tây Nam với tần suất 70%. Tỉnh Long An nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao, biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp, ôn hòa.

Địa hình

Dù xếp vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng Long An là phần đất chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nên địa hình có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam. Phía Bắc và đông bắc tỉnh có một số gò đồi thấp; giữa tỉnh là vùng đồng bằng và phía tây nam tỉnh là vùng trũng Đồng Tháp Mười, trong đó có khu rừng tràm ngập phèn. Tỉnh có 6 nhóm đất chính, nhưng phần lớn là dạng phù sa bồi lắng lẫn nhiều tạp chất hữu cơ, cấu tạo bở rời, tính chất cơ lý kém, nhiều vùng bị chua phèn và tích tụ độc tố.

Địa hình Long An bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài lên tới 8.912 km, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp thành sông Vàm Cỏ, kênh Dương Văn Dương,... trong đó lớn nhất là sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Long An.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/long-an-la-gi-a55735.html