Phóng viên: Thưa PGS.TS. Đặng Văn Thanh! Tháng 5/2024 tới đây, VAA Kỷ niệm tròn 30 năm ngày thành lập, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển, trưởng thành và những đóng góp của VAA trong những năm qua? Nhà báo, PGS.TS. Đặng Văn Thanh trả lời: 30 năm là khoảng thời gian, là một chặng đường dài đối với một tổ chức nói chung và tổ chức nghề nghiệp nói riêng. Với sứ mạng tập hợp và đoàn kết những người làm tài chính - kế toán - kiểm toán trong cả nước, vì sự phát triển của Kế toán - Kiểm toán Việt Nam, vì sự phát triển năng lực, bồi dưỡng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, động viên và tạo điều kiện, để hội viên hoàn thành chức năng nghề nghiệp và đóng góp vào sự phát triển hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kế toán, kiểm toán. Với tính chất là tổ chức nghề nghiệp và với giá trị cốt lõi đảm bảo sự tin cậy và tính minh bạch của thông tin kế toán, sự lành mạnh của tài chính quốc gia, Hiệp hội và các hội viên đã tham gia trực tiếp và có hiệu quả và quá trình cải cách đổi mới hệ thống kế toán Việt Nam, xây dựng và phát triển hệ thống kiểm toán trong thể chế kinh tế mới, trong nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Chính hội viên là những người tiên phong trong việc triển khai và áp dụng các chính sách, chế độ kinh tế, tài chính, chế độ kế toán - kiểm toán vào hoạt động thực tế, đem lại hiệu quả thực sự phục vụ các quyết định kinh tế, quyết định quản lý và quyết định đầu tư. Chính hội viên, những người làm tài chính, kế toán, kiểm toán từ thực tế sinh động của đời sống kinh tế, từ những va đập và chiêm nghiệm trong thực tiễn đã chủ động phát hiện, đề xuất kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện thể chế, hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, trực tiếp là cải cách và hoàn thiện, phát triển hệ thống kế toán - kiểm toán Việt Nam. Hiệp hội và hội viên đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn khoa học, phản biện và giám định xã hội các dự án Luật, các đề án chính sách kinh tế tài chính, đặc biệt là chính sách thuế, kế toán - kiểm toán. Nhiều ý kiến của Hiệp hội đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính ghi nhận. Có thể đánh giá, hệ thống luật pháp, hệ thống chính sách kinh tế - tài chính, kế toán, kiểm toán của Việt Nam có được như ngày hôm nay, ít nhiều có sự đóng góp tích cực, tâm huyết và có hiệu quả của Hiệp hội, của hội viên và những người làm nghề, hành nghề kế toán - kiểm toán trong cả nước.
Phóng viên: Thưa PGS.TS. Đặng Văn Thanh! Trong 30 năm vừa qua, VAA đã triển khai nhiều hoạt động, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được, trong đó kết quả nào là nổi bật nhất? Nhà báo, PGS.TS. Đặng Văn Thanh trả lời: Hình thành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, còn ngổn ngang giữa tư duy, giữa cách làm cũ và mới, Hiệp hội và hội viên đã sớm từ bỏ tư duy quản lý của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, tiếp cận nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế mạnh dạn tham gia cải cách hệ thống kế toán Việt Nam theo yêu cầu của kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Sự thành công của hệ thống kế toán cải cách trong những năm đầu đổi mới kinh tế, ngay trong thời gian đầu thành lập Hiệp hội đã mở ra hướng phát triển mới cho kế toán Việt Nam - kế toán theo yêu cầu kinh tế chuyển đổi, kinh tế thị trường; tạo nền tảng cho hình thành kiểm toán (trước hết là Kiểm toán độc lập, sau đó là Kiểm toán nhà nước), tạo môi trường và điều kiện về thông tin tài chính tin cậy, về lòng tin cho thể chế kinh tế thị trường, nhiều thành phần, huy động và khơi thông dòng chảy nguồn lực từ bên trong, mở cửa thu hút đón nhận luồng vốn đầu tư từ nước ngoài. Những năm sau đó là quá trình phát triển, hoàn thiện hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam cho đến ngày nay. Đội ngũ những người làm kế toán - kiểm toán đã được tôi luyện và trưởng thành, được tập hợp, đoàn kết, gắn bó ngày càng vững vàng và tự hào đã đóng góp vào đảm bảo chất lượng thông tin kinh tế - tài chính. Có thể thấy, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động phát triển năng lực hội viên cả về kiến thức, kỹ năng và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, bồi dưỡng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của hội viên. Trong suốt quá trình 30 năm, nhiều hội viên kế toán - kế toán đã trưởng thành, không chỉ hoàn thành tốt chức năng và trách nhiệm của người làm kế toán - kiểm toán, mà đã đảm nhiệm thành công những trách nhiệm, cũng như vị trí nhà quản lý, nhà quản trị đất nước, quản lý ngành, doanh nghiệp và tổ chức.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Đặng Văn Thanh! 30 năm đi qua với nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của các đơn vị thành viên. Hiệp hội đã củng cố, kiện toàn và phát triển các hội viên như thế nào, thưa ông? Nhà báo, PGS.TS. Đặng Văn Thanh trả lời: Thành lập năm 1994 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tên gọi là “Hội Kế toán Việt Nam”. Lúc ban đầu, với hơn 600 hội viên chủ yếu là hội viên Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc (thành lập năm 1989), tổ chức tiền thân và nòng cốt của Hội. Ngay từ thời gian đầu, Hội đã có kế hoạch và biện pháp quyết liệt phát triển hội viên từ các ngành các địa phương trong cả nước. Hội kế toán các ngành: Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... được thành lập và sau đó mở rộng ra các ngành kinh tế khác, nhiều địa phương khác và các học viện, trường đại học, các doanh nghiệp,… Qua biến động tách nhập ngành và tỉnh thành phố, đến nay, Hiệp hội có 27 hội thành viên với gần 10.000 hội viên ở các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, có những hội mang tính chuyên nghiệp cao, như Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), Phân hội Kiểm toán viên Nhà nước, Hội Kế toán Kho bạc Nhà nước,… Hiệp hội có hai đơn vị trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn khoa học kế toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán và các hội thành viên, thường xuyên được kiện toàn và phát triển. Cùng với sự hành thành và phát triển của Kiểm toán, Hội kiểm toán viên hành nghề, Phân hội Kiểm toán viên Nhà nước được thành lập, Hội đã đổi tên thành “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam” năm 2009 và năm 2021 bằng Quyết định số 670/QĐ-BNV, Bộ Nội Vụ đã đổi tên Hội thành “Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam” và phê duyệt Điều lệ VAA. Hiệp hội đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức tri thức Việt Nam - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là thành viên tích cực và tin cậy của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế: Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). Thế giới đã biết đến kế toán Việt Nam và kế toán Việt Nam đã vươn ra thế giới.??? Hiệp hội đã chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch AFA hai nhiệm kỳ 2002 - 2005 và 2022 - 2025. VAA đã đăng cai tổ chức thành công nhiều cuộc họp Ban Chấp hành AFA, Hội nghị quốc tế về kế toán và Đại hội AFA lần thứ 14 tại Hà Nội, với chủ đề: Tạo lập thị trường dịch vụ kế toán thống nhất ASEAN" ra tuyên bố chung Hà Nội về Kế toán. Tất cả điều đó thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của Hiệp hội cả về tổ chức, quy mô và chất lượng. Vai trò vị thế của Hiệp hội đã được xác lập trong nước và thế giới. Kế toán Việt Nam đã vươn ra thế giới và khu vực, tiếp cận và hài hòa với chuẩn mực, nguyên tắc quốc tế về kế toán - kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp kế toán đã biết và đánh giá của kế toán - kiểm toán Việt Nam.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Đặng Văn Thanh! Xin ông điểm qua những công tác cơ bản mà Hiệp hội đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội tới đây? Với chủ đề Đại hội: “VAA: Tin cậy - Chuyên nghiệp - Phát triển”. Nhà báo, PGS.TS. Đặng Văn Thanh trả lời: Trải qua 6 kỳ Đại hội, Hiệp hội đã từng bước trưởng thành và phát triển với các chủ đề khác nhau: “Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển”, “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập”, “Đổi mới - Sáng tạo - Hội nhập”, “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Phát triển”. Qua mỗi nhiệm kỳ hoạt động, cùng với sự tham gia tích cực của hội viên trong cả nước, sự chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của ban thường vụ, ban chấp hành, Hiệp hội luôn đạt được mục tiêu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ghi nhận thành tích và sự đóng góp của Hiệp hội, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009, hạng Nhì năm 2014 và hạng Nhất 2019. Nhiều năm liên tục được tặng Cờ thi đua xuất sắc của VUSTA. Nhiều hội thành viên, hội viên được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, VUSTA, Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Đã có 5 hội viên được vinh danh là “Trí thức Khoa học công nghệ tiêu biểu toàn quốc” và nhiều hội viên đạt danh hiệu ‘Chiến sĩ thi đua”,… Đại hội nhiệm kỳ VII được tổ chức cùng với Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập VAA, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Chủ đề của Đại hội nhiệm kỳ VII: “Tin cậy - Chuyên nghiệp - Phát triển”. Đây không chỉ là yêu cầu, mà còn là phương hướng và mục tiêu của Hiệp hội trong giai đạo mới, giai đoạn cả nước đang đổi mới, kinh tế - xã hội ổn định, tăng trưởng nhanh, bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và toàn diện. Phát triển là lẽ đương nhiên, là yêu cầu sống còn của tổ chức nghề nghiệp, là phương châm và là hành động mang tính lâu dài của một tổ chức, một hội nghề nghiệp. Cần tiếp tục phát triển và phát triển ở tầm cao hơn, cùng đất nước đạt được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ở giai đoạn này, khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, hội nhập ngày càng sâu, rộng, toàn diện vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới đã và đang đặt ra, phải xây dựng và tạo lập và duy trì lòng tin, sự tin cậy trong mọi quan hệ và mọi hoạt động. Kế toán và Kiểm toán với chức năng tổ chức hệ thống thông tin kinh tế - tài chính phục vụ các quyết định quản lý, quyết định kinh doanh,… đòi hỏi phải là những thông tin tin cậy và có độ chính xác cao, đầy đủ và kịp thời. Cần tạo lập và duy trì niềm tin của xã hội, của các nhà quản lý vào thông tin kế toán, vào kết quả kiểm toán, vào nghề nghiệp và con người làm kế toán - kiểm toán. Xây dựng niềm tin là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của những hội viên VAA. Đây là trách nhiệm rất nặng nề và không ít khó khăn, nhưng là yếu tố quyết định vị thế, vai trò và giá trị của nghề nghiệp và của Hiệp hội. Chuyên nghiệp chính là sứ mệnh và yếu tố đòi hỏi khắt khe của tổ chức nghề nghiệp. Kế toán phải mang tính chuyên nghiệp cao, chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp, trong thu thập và xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin, chuyên nghiệp trong phân tích và đánh giá thông tin, đảm bảo thông tin về kinh tế - tài chính được cung cấp đầy đủ, kịp thời và có mức độ chính xác cao. Cần gia tăng giá trị của thông tin kế toán và của nghề nghiệp kế toán - kiểm toán. Chuyên nghiệp còn thể hiện cả trong tổ chức hoạt động nghề nghiệp, hoạt động của Hiệp hội, đặc biệt phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cách mạng công nghệ số. Đại hội sẽ thảo luận và nghị quyết, phương hướng và nhiệm vụ, cùng với các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, xứng đáng với vị thế của Hiệp hội và sự tin cậy của Nhà nước, của các nhà quản lý và lòng tin của xã hội, ý chí và nguyện vọng của hội viên. Tất cả đã sẵn sàng cho Đại hội. Tất cả hướng đến một tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao và tạo dựng lòng tin với xã hội, với nền kinh tế.
Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch và kính chúc Chủ tịch luôn mạnh khỏe!
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/hoi-ke-toan-va-kiem-toan-viet-nam-a54845.html