Đầu tư cho công nghệ sinh học chưa tương xứng
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới nhận định, phát triển CNSH là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, nền CNSH nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH; công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp CNSH tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm CNSH nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP.
Những năm qua, các cấp, các ngành nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNSH. CNSH nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW đánh giá, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.
Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân, TS Nguyễn Trung Nam, Phó viện trưởng Viện CNSH, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, hiện nay, ngành CNSH vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa có chính sách đặc thù riêng, thiếu các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nguồn lực đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm về CNSH còn khá ít và kinh phí cho đề tài nghiên cứu còn hạn chế, đặc biệt thiếu tính liên tục và dài hơi. “Từ một đề tài nghiên cứu đến ứng dụng cần khoảng 3 đến 5 năm, thậm chí dài hơn. Tuy nhiên, việc cung cấp kinh phí hiện nay cho các đề tài thường là 3 năm. Cùng với đó, chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, các trường đào tạo vẫn chưa sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội”, TS Nguyễn Trung Nam giải thích.
Tạo chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư
Để ngành CNSH phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, theo PGS, TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cần khuyến khích và tạo lập môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp để người đam mê khoa học được làm việc và cống hiến, đóng góp cho nền CNSH nước nhà. Trong đó, nhà khoa học có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm kết quả nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, đồng thời nâng cao giá trị lao động, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhà nước cũng cần đơn giản hóa các thủ tục về chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh hơn việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học từ viện, trường cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần tạo cơ chế để các trường, viện liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp, địa phương liên kết với địa phương, trong nước liên kết với nước ngoài để tạo thành hệ sinh thái, nguồn lực hỗ trợ cho CNSH phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình đầu tư, chiến lược dài hạn đối với ngành CNSH. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH; có chính sách thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm CNSH và hỗ trợ doanh nghiệp CNSH nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ.
TS Lê Thị Nhi Công, Viện CNSH kiến nghị, Việt Nam cần tập trung phát triển và ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, y dược... Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực CNSH từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực CNSH. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH; có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi CNSH, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam.
Bài và ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/kho-khan-cua-nganh-cong-nghe-sinh-hoc-a54808.html