Khung cảnh Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945
Quảng trường Ba Đình: Thân thiết trong tim những người con đất Việt
Ba Đình là một trong những quảng trường lớn và quan trọng nhất của lịch sử Thủ đô Hà Nội và cả nước. Nơi đây, vào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang mới trong lịch sử nước Việt. Cái tên Ba Đình từ đó đã trở nên thân thiết trong lòng trái tim những người con đất Việt. Và mỗi khi có dịp về Hà Nội, đứng trước quảng trường Ba Đình lộng gió, lòng ai chẳng bâng khuâng trước một không gian lịch sử nơi đã ghi nhớ những thời khắc quan trọng nhất của Hà Nội và cả nước.
Quảng trường Ba Đình ngày nay
Ngược về quá khứ, quảng trường Ba Đình nằm ở vị trí “chính Tây Môn”, tức là cửa phía Tây của thành Thăng Long xưa kia. Thời Pháp thuộc nơi này là một nút giao thông lớn và có một vườn hoa ở đây. Ngày 2-9-1945, Lễ đài nơi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được dựng trên chính vườn hoa này.
Ngoài ngày diễn ra Lễ Độc lập, quảng trường Ba Đình còn là nơi diễn ra một sự kiện quan trọng nữa. Ba Đình chính là nơi làm Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9-9-1969 với 10 vạn đồng bào trong dòng nước mắt tiếc thương, tiễn đưa vị cha già dân tộc về nơi vĩnh hằng.
Quảng trường Ba Đình bây giờ vẫn là một quảng trường lớn và đẹp nhất của Hà Nội và cả nước với hàng trăm ô cỏ xanh tốt quanh năm, gió lúc nào cũng thổi lồng lộng vì ở rất gần hồ Tây. Vào buổi sáng, buổi tối có lễ thượng cờ và hạ cờ rất trang trọng. Quảng trường cũng là nơi đặt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm và Hội trường Ba Đình, nay là Tòa nhà Quốc hội được xây lớn và hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của một nước Việt Nam hiện đại, phát triển.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa và nay
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Chuyện ly kỳ quanh “ngã tư quốc tế”
Đông Kinh Nghĩa Thục có thể coi một quảng trường nhỏ nhất của Hà Nội, nằm ngay cạnh hồ Gươm, sát với các phố Hàng Đào, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ. Tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở khu trung tâm phố cổ sầm uất và về nguồn gốc hình thành thì quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có một lịch sử ly kỳ nhất.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục giờ giống như một “ngã tư quốc tế” với khách du lịch nhộn nhịp nhưng trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là “Vườn dừa” và ít ai ngờ rằng nơi này đã từng là pháp trường của một thời. Nếu ai đã đọc truyện ngắn “Chém treo ngành” của nhà văn Nguyễn Tuân thì sẽ hiểu thêm về cái không khí rợn ngợp, thê lương, u uất của nơi pháp trường.
Các tử tù nổi tiếng từng bị chém ở đây có thể kể đến cử nhân Tạ Văn Đình bị tên lái buôn Jean Dupuis chém năm 1873 sau khi Pháp chiếm thành Hà Nội và đặc biệt là Nguyễn Cao, một thủ lĩnh chống Pháp bị chém đầu năm 1887. Người ta còn kể những câu chuyện kỳ bí về nơi này.
Khi những tử tù bị chém, đầu của họ thường được bêu lên những cây dừa sát cạnh Bờ Hồ, dân đi qua ai cũng chỉ dám len lén nhìn, ngay cả những đứa trẻ nghịch ngợm nhất cũng không dám nô đùa gần những cây dừa đó. Thi thoảng có một vài người phụ nữ theo thói mê tín cầm những mảnh giấy đến hứng những giọt máu rỏ từ thủ cấp của tử tù rồi mang về dán ở đầu giường vì tin rằng nhờ thế họ có thể trừ yểm được ma Phạm Nhan quấy nhiễu việc sinh nở.
Nhưng cũng có người phụ nữ rất can trường thậm chí dám cắp lấy thủ cấp của tử tù. Chuyện này được nhà văn Doãn Kế Thiện kể lại như sau: Ở tỉnh Đông có hai người bạn, một người họ Đỗ, một người họ Nguyễn. Người họ Đỗ lấy được một người vợ rất xinh đẹp, nết na. Thấy bạn có vợ đẹp, người họ Nguyễn sinh lòng thèm muốn, tìm mọi cách để chiếm đoạt vợ của bạn. Chị vợ có ý nghi ngờ dã tâm này đã cảnh báo chồng nhưng anh chồng không tin.
Một hôm người họ Đỗ đến nhà bạn ăn cỗ, lúc về nhà đau bụng hộc máu tươi mà chết. Chị vợ cho rằng người họ Nguyễn kia đã đầu độc chồng mình liền trình báo quan nhưng người họ Nguyễn đã dùng tiền lo lót, quan trên cho rằng không có chứng cớ rõ ràng nên không xét tội.
Chị vợ thì vẫn cho rằng vì mình mà chồng chết oan và để ngăn cản lòng ham muốn của kẻ xấu nên đã lấy dao vằm mặt mình cho xấu xí đi. Đến khi tay họ Nguyễn kia theo một đảng cướp bị bắt, xử chém bêu đầu ở Vườn dừa bên hồ Gươm, chị vợ liền đến lấy cắp thủ cấp về làm lễ tế chồng nhưng bị lính bắt, giải lên quan. Sau khi nghe rõ sự tình, quan trên đã cho phép chị lấy thủ cấp kẻ thù để làm lễ tế chồng và còn tâu lên triều đình xin cho người đàn bà 4 chữ “Tiết liệt khả phong”.
Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường 19-8 ngày 19-8-1945
Quảng trường 19-8: Nơi khởi đầu của Cách mạng Tháng Tám
Quảng trường 19-8 có một điểm đặc biệt là tọa lạc ở vị trí trung tâm khu phố Tây xưa. Quảng trường nằm trên phố Tràng Tiền, con phố quan trọng và sầm uất nhất của người Pháp ở Hà Nội. Ngay trên quảng trường này là Nhà hát Lớn Hà Nội, mô hình giống Nhà hát Opera Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Người Pháp rất coi trọng khu phố và con đường chạy qua quảng trường này nên phố Tràng Tiền đã từng được đặt tên là “Phố nước Pháp”, thời tạm chiếm thì gọi là phố “Pháp quốc”. Nhưng sự trớ trêu của lịch sử thì không ai ngờ, chính ở khu phố và quảng trường trung tâm biểu tượng cho nền văn minh và chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã trở thành là nơi khởi đầu của Cách mạng Tháng Tám.
Quảng trường 19-8 ngày nay
Ngày 17-8-1945, nhân một cuộc mít tinh của phe thân Nhật, Mặt trận Việt Minh đã chiếm lấy diễn đàn, một lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống từ tầng hai Nhà hát Lớn và có lời hiệu triệu đồng bào đứng lên đánh đổ phát xít Nhật và bù nhìn, giành lại độc lập. Đến ngày 19-8-1945, 2 vạn nhân dân Hà Nội đã có một cuộc mít tinh lớn tại đây. Sau đó quân khởi nghĩa tỏa đi các hướng chiếm những cơ quan trọng yếu như Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Sở mật thám… Mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội.
Nhà đấu xảo những năm đầu thế kỷ XX và là Quảng trường 1-5 hiện nay
Quảng trường 1-5: Biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân
Quảng trường này vốn là khu đất của Nhà đấu xảo (Nhà triển lãm) thời thuộc Pháp, nay trên phố Trần Hưng Đạo. Tên gọi của quảng trường xuất phát từ một sự kiện nổi tiếng xảy ra ở đúng địa điểm này. Vào ngày 1-5-1938, một cuộc mít tinh cực lớn với 25.000 người tham dự đã được tổ chức tại đây. Đây là một cuộc mít tinh công khai và lớn nhất trong thời Pháp thuộc.
Cuộc mít tinh nhằm ủng hộ Ngày Lao động quốc tế và Mặt trận Bình dân bên Pháp, một mặt trận có những chính sách tiến bộ và chủ trương cởi mở với các nước thuộc địa. Cuộc mít tinh này thực chất là một cuộc biểu tình lớn biểu dương lực lượng. Mười hai lá cờ đỏ của mười hai đoàn thể nhân dân bay phần phật trong gió. Ông Trần Huy Liệu thay mặt cho nhóm những chiến sỹ Cộng sản hoạt động công khai lúc đó (nhóm Tin tức) lên đọc một bài diễn văn.
Ta nên nhớ rằng sau này, 7 năm sau, ngày 30-8-1945, cũng chính ông Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn Chính phủ lâm thời (cùng với các ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận) là người có bài phát biểu trong buổi lễ vua Bảo Đại đọc “Chiếu thoái vị”. Ông Trần Huy Liệu là người thay mặt chính quyền Cách mạng lâm thời nhận quốc ấn và bảo kiếm của Vua Bảo Đại và tuyên bố chấm dứt thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam.
Quảng trường 1-5 hiện có Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng về văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô và cả nước.
Quảng trường là một không gian không thể thiếu của các thành phố lớn, với Thủ đô Hà Nội nó càng có vai trò quan trọng; là nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng có quy mô lớn cũng như để biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân. Và, có lúc nào đó bước chân chúng ta lướt qua những quảng trường mà nhớ rằng đã từng có lúc thăng trầm, phút huy hoàng của những ngày lịch sử không thể nào quên đã diễn ra ở những nơi này.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/quang-truong-1-5-a54718.html