Điện Biên TV - Nếu hệ thống thủy lợi “mương, phai, nái, lin” thể hiện đặc trưng về văn hóa nông nghiệp của đồng bào Thái, thì những vạt ruộng bậc thang nơi vùng cao, lại trở thành hình ảnh đặc trưng gắn với cuộc sống lao động của đồng bào Mông. Dù không rộng lớn, kì vĩ nhưng cánh đồng bậc thang được tạo nên bởi bàn tay lao động của đồng bào Mông các bản Tà Lèng, Kê Nênh, xã Thanh Minh, đã tạo cho thành phố Điện Biên Phủ thêm vẻ nên thơ và cuốn hút.
Đồng bào Mông về định cư ở các bản Tà Lèng, Kê Nênh, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ vào khoảng thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Nét đặc trưng họ mang tới đây chính là cánh đồng ruộng bậc thang, được gọi bằng tên chung là cánh đồng Tà Lèng.
Sống trên triền núi cao, để sản xuất lương thực phục vụ cuộc sống, người dân hai bản Tà Lèng, Kê Nênh không chỉ làm nương, mà còn dùng sức lao động tạo nên những thửa ruộng bậc thang thuận lợi cho gieo trồng lúa nước. Ruộng bậc thang được khai phá trên sườn núi có nguồn nước dồi dào. Để đào, đắp, san ủi cả một vạt núi thành cánh đồng bậc thang rộng chừng 30 ha như ngày nay, người dân nơi đây phải làm trong nhiều năm, bỏ ra nhiều công sức.
Vụ chiêm xuân trên cánh đồng bậc thang Tà Lèng bắt đầu từ tháng 12 âm lịch. Khi sương giá giăng mờ khắp núi đồi, giá rét còn làm cho tay người tê cóng, những người nông dân nơi đây đã lục tục cùng nhau ra đồng cày, cuốc. Cả những em bé đang còn nằm nôi cũng theo mẹ ra đồng. Ruộng bậc thang ở khu vực Tà Lèng diện tích thường hẹp và ngắn nên không dễ đưa máy nông nghiệp vào cày, bừa. Ở một số thửa, một số khâu, người nông dân vẫn phải dùng trâu kéo và các phương tiện thủ công để làm đất.
Cánh đồng ruộng bậc thang Tà Lèng nhìn từ trên cao.Tuy làm ruộng bậc thang vất vả buổi ban đầu, nhưng lại giúp đồng bào Mông có ruộng để gieo trồng lúa nước. Làm lúa nước trên ruộng bậc thang, họ có thể chủ động được việc cấy cày, chăm bón, năng suất lúa cao hơn nhiều so với trồng lúa nương. Lương thực đủ đầy, đời sống no ấm là điều kiện quan trọng giúp đồng bào Mông ở Kê Nênh, Tà Lèng ổn canh, ổn cư. Đó cũng là niềm vui giúp họ gắn bó với ruộng đồng, làng bản.
Bằng sự cần mẫn, siêng năng, mồ hôi thấm đất, những người nông dân Tà Lèng không quản ngại nắng mưa, giá rét, biến những vạt đất dốc khó canh tác thành cánh đồng màu mỡ, tốt tươi. Làm nương, không có nước tưới tiêu, đồng bào Mông chỉ gieo trồng được 1 vụ.
Biến vạt nương khô thành ruộng bậc thang họ có thể gieo cấy 2 vụ mỗi năm. Vụ chiêm trên cánh đồng Tà Lèng bắt đầu từ tháng 11-12. Đó là thời điểm nông dân làm đất. Tháng 1, tháng 2 họ gieo cấy, rồi làm cỏ, bỏ phân. Chẳng mấy chốc trên cánh đồng bậc thang dài, dọc suốt sườn núi lúa đã lên xanh. Tháng Tư - tháng Năm lúa chuyển màu, cả triền núi nơi đây rực lên một màu vàng no ấm.
Những chân ruộng bậc thang mùa nước đổ.Những người nông dân chân lấm tay bùn, đã dùng sức lao động của mình tạo cho nơi đây khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống. Mùa lúa xanh cũng như mùa lúa chín, cánh đồng bậc thang Tà Lèng đều thu hút không ít du khách tới chiêm ngưỡng cảnh đẹp và chụp ảnh với thiên nhiên đẹp. Khung cảnh ruộng bậc thang Tà Lèng 4 mùa tươi đẹp, cũng đã trở thành đề tài chưa bao giờ nhàm chán của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Điện Biên.
Mỗi mùa mỗi vẻ, nhưng có lẽ đẹp và vui nhất trên cánh đồng bậc thang Tà Lèng là mùa lúa chín. Vẻ đẹp rực rỡ, ấm no của vụ mùa bội thu nơi đây, không chỉ được ghi lại trong những bức ảnh, những thước phim đầy màu sắc. Vẻ đẹp ấy còn hiện hữu ngay trên cánh đồng, nơi cuộc sống lao động sinh động, hối hả đang diễn ra hằng ngày, hằng mùa.
Nằm trên vùng núi cao, khí hậu lạnh hơn nên cuối tháng 5, đầu tháng 6 nông dân sản xuất trên cánh đồng bậc thang Tà Lèng mới bước vào vụ thu hoạch lúa chiêm. Lúa vụ chiêm năm nay được mùa, ruộng nào, ruộng nấy bông nặng trĩu, hạt thóc vàng ươm.
Vui gặt mùa không chỉ thanh niên, trai tráng đi gặt, người già, trẻ em cũng ra đồng, góp sức cùng gia đình để thóc vàng nhanh chóng được về nhà. Việc gặt hái của đồng bào Mông trên cánh đồng bậc thang Tà Lèng những năm gần đây thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đường nội đồng đã được đổ bê tông, xe máy và các loại máy nông nghiệp cỡ nhỏ đi lại khá dễ dàng.
Mùa gặt trên cánh đồng ruộng bậc thang Tà Lèng được những người yêu thích chụp ảnh ghi lại.Lúa gặt xong được tuốt bằng máy, đóng bao rồi đưa lên xe máy chở về nhà. Chỉ còn những ruộng lúa nếp giống địa phương là được gặt, đập riêng theo phương pháp thủ công, vì nông dân sợ nếp bị lẫn giống.
Với những người vãn cảnh hay các nghệ sĩ nhiếp ảnh, dù là mùa xanh hay mùa vàng, cánh đồng bậc thang Tà Lèng luôn đẹp một vẻ đẹp nên thơ. Với người nông dân chân lấm tay bùn, những người trực tiếp tạo nên vẻ đẹp nên thơ ấy, họ không chỉ có niềm vui khi ngắm nhìn những bậc thang lúa lên tươi tốt, mà còn có niềm hạnh phúc dâng đầy trước vụ mùa thắng lợi, bởi sau bao công cày cấy là bao ngày họ trông mong, chờ đợi, lúc hy vọng, khi lại âu lo trước thiên nhiên nắng mưa, gió bão bất ngờ.
Ai qua thành phố Điện Biên Phủ đến với cung đường Tà Lèng - Mường Phăng. Nếu dừng chân ngay trên đoạn đầu của cung đường này chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng bậc thang vào bất kì mùa nào. Vẻ đẹp của cánh đồng bậc thang Tà Lèng không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên trên đồng ruộng, đó còn là vẻ đẹp sinh động được tạo nên từ cuộc sống lao động.
Tà Lèng đẹp từ những giọt mồ hôi rơi trên má, thấm ướt lưng áo người nông dân, đẹp từ niềm vui của những người gặt hái thành quả lao động và từ nụ cười hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ nơi đồng ruộng lấm bùn.
Minh Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/trien-nui-co-ruong-bac-thang-a54224.html