Đặc sản Tiền Giang là gì? Mua ở đâu? Giá cả thế nào?

Đặc sản Tiền Giang nổi tiếng thì rất nhiều, bao gồm hàng chục loại trái cây miệt vườn cho đến các món ăn trứ danh hay bánh trái thơm ngon đậm chất dân dã. Là một tỉnh trọng điểm về du lịch ở miền Tây Nam bộ do có nhiều lợi thế về tài nguyên và vị trí địa lý. Ngoài các điểm tham quan sinh thái nổi tiếng thì sự độc đáo của văn hóa ẩm thực cũng là thế mạnh để thu hút khách du lịch. Theo thống kê chưa chính thức toàn tỉnh có gần 50 món nổi tiếng mà bất cứ du khách nào đến đây đều phải muốn thử qua hoặc mua về làm quà cho người thân. Để giúp du khách có thêm thông tin về đặc sản Tiền Giang, Tour du lịch miền Tây xin liệt kê đầy đủ dưới dây để mọi người tiện tham khảo.

Xem thêm: Du lịch Tiền Giang

Đặc sản Tiền Giang nổi tiếng nhất là các loại trái cây

Được thiên nhiên ưu đãi với lượng phù sa dồi dào từ con sông Tiền bồi đắp, nếu nhìn trên bản đồ thì có thể hình dung tỉnh Tiền Giang là một vườn cây ăn trái trĩu quả khổng lồ với rất nhiều loại thơm ngon, mùa nào thức ấy. Có thể điểm qua như sau:

Vú sữa Lò Rèn có lẽ là loại đặc sản Tiền Giang nổi tiếng nhất

Vú sữa Lò Rèn

Đây là loại trái cây được trồng phổ biến từ những năm đầu thế kỷ 20, gắn liền với cuộc sống của người dân xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sở dĩ có điểm khác biệt và nổi tiếng hơn nhiều giống vú sữa được trồng ở các địa phương khác là do có hình dạng quả tròn, màu trắng, mỏng vỏ, nhỏ hột, ruột dày và ăn vào cảm giác vị rất ngọt ngào và thơm. Khi ăn, người ta thường dùng tay vo tròn và bóp đều nhẹ nhàng một hồi cho mềm ra, sau đó bẻ đôi quả ra và dùng muỗng để múc ăn.

Mùa vú sữa thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Giá thành giao động khoảng từ 70.000đ - 100.000đ/kg.

Xem thêm: Địa điểm du lịch Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc

Xoài cát Hoà Lộc

Hòa Lộc là tên một làng ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây người dân có trồng một giống xoài ngon nhất miền Tây mà người ta thường gắn địa danh xuất xứ vào để gọi là xoài cát Hòa Lộc. Giống xoài này thường chín vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, mỗi trái có khối lượng trung bình khoảng từ 300 - 500gam/trái.

Về nhận diện, thoạt nhìn bên ngoài sẽ dễ dàng nhận ra trái chín có vỏ vàng tươi rất bắt mắt, phần ruột xoài thì vàng nhạt một chút, mịn và rất chắc, đầu trái nhọn, hạt xoài dẹt. Khi ăn vào sẽ cảm nhận được mùi thơm ngọt đặc trưng của xoài và đặc biệt là không có sơ. Giá thành giao động khoảng từ 40.000đ - 50.000đ/kg.

Sầu riêng Ngũ Hiệp

Sầu riêng Ngũ Hiệp

Khi nhắc đến sầu riêng thì du khách nào cũng sẽ rất ấn tượng và dễ nhớ bởi hình dáng bên ngoài của nó: xù xì, gai góc. Tuy nhiên đây là loại quả ăn vào sẽ cảm nhận rất ngon nên có giá trị kinh tế cao, nhiều chất dinh dưỡng.

Có nhiều giống sầu riêng như: ri 6, moonthong, hạt lép, chuồng bò và được trồng ở nhiều địa phương của miền Tây, nhưng khi nhắc đến loại quả này thì phải kể đến sầu riêng Ngũ Hiệp bởi số lượng cung cấp ra thị trường và chất lượng hàng đầu. Ngũ Hiệp là tên một xã ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi mà có đến 90% dân trồng loại quả này.

Sầu riêng Ngũ Hiệp có mùa vụ chính từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, giờ đây khi mua loại đặc sản Tiền Giang này thì du khách có thể dễ dàng đặt hàng mọi thời điểm trong năm do người dân áp dụng các biện pháp cho ra trái trái vụ. Trọng lượng mỗi trái là khá lớn từ 2,5 - 5kg/trái. Giá thành giao động tùy thời điểm và loại giống, từ 60.000đ - 100.000đ/kg.

Sơ ri Gò Công - loại đặc sản Tiền Giang có giá trị dinh dưỡng rất cao

Sơ ri Gò Công

Cùng với Mỹ Tho thì Gò Công vốn là một vùng đất lâu đời và nổi tiếng nhất nhì ở Tiền Giang. Được biết đến với danh hiệu “miền gái đẹp” vì là quê hương của những bà Hoàng nổi tiếng, Gò Công còn được nhắc đến nhiều bởi những đặc sản nổi tiếng, một trong số đó là trái sơ ri.

Sơ ri là loại quả có kích thước nhỏ, khoảng như viên bi, nhưng màu sắc khá đẹp (khi chín màu đỏ). Trong trái sơ ri có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng vitamin C rất cao. Có nghiên cứu cho rằng một ly nước ép sơ ri 180 ml có thể chứa một lượng vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép. Vì vậy, trong công nghệ chế biến thực phẩm, nước ép sơ ri thường được sử dụng để làm tăng hàm lượng vitamin C cho nước ép của nhiều loại quả khác.

Mùa sơ ri chín thuận là khoảng tháng 5 đến tháng 8. Giá thành khá rẻ khoảng 10.000đ/kg.

Nhãn Nhị Quý

Nhị Quý là một xã ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây được mệnh danh là Vương quốc của các loại trái cây, đặc biệt là nhãn. Có hai loại nhãn được trồng chính ở Nhị Quý là nhãn tiêu da bò (nhãn tiêu quế) và nhãn xuồng cơm vàng. Nhãn Nhị Quý có nhiều khoáng chất, vitamin A, kali, photpho, magie và sắt, có tác dụng điều trị bệnh đau dạ dày, chứng mất trí nhớ, chống căng thẳng, mệt mỏi, giúp cầm máu rất hiệu quả. Ngài ra nhãn Nhị Quý còn giàu vitamin C giúp đẹp da, tăng sức đề kháng chống lại các căn bệnh như cảm cúm, cảm lạnh.

Mùa nhãn ở Nhị Quý từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 dương lịch năm sau. Giá thành khoảng từ 15.000đ - 30.000đ/kg.

Các loại trái cây đặc sản Tiền Giang nổi tiếng khác

Ngoài các loại trái cây tiêu biểu ở trên, danh sách còn rất nhiều loại quả thơm ngon khác như:

Đặc sản Tiền Giang nổi tiếng nhờ các món ăn rất ngon

Tiền Giang là một trong những địa danh được hình thành khá sớm trong quá trình Nam tiến của ông cha ta đi mở đất. Từ thế kỷ 17, Nông Nại Đại Phố hay Mỹ Tho Đại Phố được biết đến là nơi định cư đầu tiên của người Hoa khi vào Việt Nam. Trong suốt quá trình hơn 300 năm cùng cộng cư sinh sống, người Việt - người Hoa - người Khmer đã cùng giao thoa để tạo nên một dấu ấn văn hóa rất riêng của vùng đất Tiền Giang, điều đó thể hiện rõ nét qua các món ăn đặc sản thơm ngon và độc đáo.

Hủ tiếu Mỹ Tho có lẽ là đệ nhất đặc sản Tiền Giang

Hủ tiếu Mỹ Tho

Chắc chắn đây là món ăn được nhắc đến đầu tiên đối với mọi du khách khi đến Mỹ Tho - Tiền Giang. Mỗi khi đi qua vùng đất này, nếu chưa được thưởng thức một tô hủ tiếu Mỹ Tho thì e là du khách không trọn hẹn cho hành trình của mình rồi. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu món ăn nổi tiếng này đó là sự tổng hòa của khá nhiều nguyên vật liệu. Đầu tiên là sợi hủ tiếu nhỏ và dai được làm từ những hạt gạo thơm ngon của vùng Gò Cát ngoại ô Mỹ Tho. Nước lèo được nấu bằng xương heo, khô mực, tôm khô để được vị ngọt thanh tự nhiên. Nhân hủ tiếu thì rất đa dạng, nào là thịt nạc băm, phèo heo, thịt xá xíu, sườn non, gan heo, tóp mỡ, hành tây, hành lá…Khi ăn, người dùng dường dùng kèm với giá, rau cần, xà lách, chanh, tiêu, ớt, đặc biệt là chén mắm chấm có pha đường và giấm tạo nên vị chua ngọt rất ngon. Hủ tiếu Mỹ Tho đã có tuổi đời hàng trăm năm, ngày xưa chỉ được bán ở các xe đẩy hay quán nhỏ ven đường, thì ngày nay nó đã trở thành món chính trong nhiều nhà hàng sang trọng nổi tiêng chuyên phục vụ khách du lịch. Cho dù bao thăng trầm nhưng món ăn này vẫn giữ được hương vị đặc trưng, phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương, cho nên mới có câu:

“Hủ tiếu Mỹ Tho ngày xưa Vang danh khắp chốn vẫn chưa phai mờ”.

Cháo lòng mắt má Tân Hiệp

Tân Hiệp là địa danh thuộc huyện Châu Thành, nằm ở cửa ngõ của tỉnh Tiền Giang trên trục đường QL1A theo hướng từ Sài Gòn xuống. Đã từ rất lâu, cháo lòng mắt má Tân Hiệp đã trở thành món ăn trứ danh đối với du khách gần xa mỗi khi qua lại trên tuyến đường này. Điểm khác biệt của món cháo lòng Tân Hiệp đó là cháo được nấu trực tiếp từ gạo còn dính cám, không rang để giữ nguyên mùi thơm tự nhiên của gạo. Vào quán, kêu một phần cháo ra du khách sẽ thấy ngạc nhiên vì sự đa dạng và cầu kỳ của các món đi kèm. Phần ăn bao gồm: một tô cháo nóng hổi bốc khói, một đĩa nhỏ lòng có đủ cả ruột, gan, phèo, dồi, kèm đĩa rau sống to tướng có cải bẹ xanh, giá, rau chuối bào, một đĩa bún, rồi mấy cái bánh tráng. Đặc biệt, không thể thiếu một mắt hoặc má heo rất hấp dẫn.

Dưa hường nấu canh

Dưa hường nấu canh

“Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”

Chắc câu ca dao trên đã trở nên quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam vì được nghe từ khi còn nằm nôi qua lời ru của bà, của mẹ. Những chắc không nhiều người biết câu ca dao đó cũng nhắc đến món ăn dân dã nhưng rất đặc trưng của người dân sống trên các “giồng” đất cát ở Tiền Giang. Chỉ là trái dưa hấu gần chín (nên gọi là dưa hường hoặc hông) nấu với tôm tươi hoặc cá lóc được bắt từ ruộng ao thôi nhưng rất ngon và đậm đà hương vị và mộc mạc như tính khí con người miền Tây. Ắt hẳn đây là món ăn được sáng tạo ra trong thời kỳ đầu của công cuộc khai khẩn khi mà nguyên liệu của món ăn là những thứ có sẵn từ đồng ruộng. Theo tài liệu Đông ý thì dưa hường có tính hàn, rất thích hợp dùng để giải nhiệt, giải khát…phù hợp với khí hậu nắng nóng miền Nam.

Xôi chiên phồng

Xôi chiên phồng

Đi du lịch Tiền Giang, nhất là tham quan cồn Thới Sơn ở Mỹ Tho hay khu vực các cù lao ở Cái Bè, du khách nhất định sẽ bắt gặp món ăn này trong các nhà hàng. Du khách sau khi xem cách làm và thưởng thức thì đặt cho một cho món ăn này cái tên nghe rất kiêu, đó là “trứng rồng” hay “trứng khủng long”, bởi hình thù to tròn của nó. Món đặc sản xôi phồng được làm bằng nguyên liệu chính là xôi đậu xanh, sau khi nấu chín thì đem cán dẹp ra. Quan trong nhất là lúc chiên, đầu bếp phải khéo léo làm sao để món ăn này nở phồng lên để có hình tròn đẹp mắt, không méo mó. Khi ăn, món xôi chiên phồng được cắt ra thành từng miếng và dùng chung với các món thịt nướng/ quay kèm với đồ chua.

Chuối quết dừa

Chuối quết dừa

Nếu nói đến đặc sản Tiền Giang thì chuối quết dừa có lẽ là món ăn độc đáo, không đâu có hoặc không ngon bằng. Người dân dùng trái chuối còn xanh (thường là chuối sứ) đem luộc chín, sau đó bóc bỏ vỏ chỉ lấy ruột. Đem bỏ vào cối chung với cơm dừa nạo (dừa xiêm), thêm muối, đường, rồi quết (giã) chung cho đến khi vừa quện lại thì múc ra dĩa rồi cho đậu phộng rang và thêm ít dừa nạo vào. Món ăn đặc sản chuối quết dừa này chưa dừng ở đó để thưởng thức đâu, phần độc lạ nhất là khi ăn người dân đem cuốn với bánh tráng và rau sống và chấm nước mắm chanh tỏi ớt. Vị ngọt buồi của chuối, béo ngậy của dừa, thơm của đậu phộng, giòn tan của rau sống và quyện với vị mặn mặn chua chua của nước mắm sẽ làm món ăn này trở nên ngon miệng và mang lại cảm giác thích thú cho du khách.

Các món ăn đặc sản Tiền Giang khác

Đặc sản Tiền Giang còn rất nhiều món ăn ngon khác mà nếu có dịp đến đây du khách phải thưởng thức để có những trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Đặc sản Tiền Giang với bánh trái mang về

Đặc sản Tiền Giang ngoài các loại trái cây hay món ăn tại chỗ, thì các loại bánh trái hay sản vật mang về làm quà cũng rất phong phú.

Mắm còng lột xứ rẫy Gò Công

Mắm còng lột xứ rẫy Gò Công

Trên khắp đất nước Việt Nam, có rất nhiều địa phương làm mắm và nhiều thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng, trường hợp mắm còng Gò Công là một ngoại lệ khác. Thứ nhất là về nguyên liệu và cách thức chế biến. Khoảng thời gian tháng 4 - tháng 6 âm lịch là loài còng sống ở các bãi bồi ven biển hay thay vỏ (lột vỏ), đặc biệt là dịp Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 thường được gọi là “ngày hội cua lột” khi mà hàng ngàn con còng cùng bò lên. Người dân đi bắt còng về có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh, làm gỏi…Thế nhưng với số lượng nhiều như thế thì chỉ có cách làm mắm là hiệu quả và có thể để ăn dần được. Còng sau khi được rửa sạch sẽ ướp với tỏi, ớt, tiêu rồi cho vào cối quết cho giập, rồi trộn vào hủ và phơi nắng trong 3 ngày liên tiếp. Lúc này thì hỗn hợp trên sẽ ra nước gọi là nước cốt. Người dân lấy nước này phơi nắng tiếp đến khi quánh lại thì có thể ăn được (mắm nước). Một cách làm khác nữa: cũng là nguyên liệu và sơ chế như trên, nhưng thay vì quết và phơi nắng thì để nguyên con (mắm cái). Mắm còng được ăn kèm với bún, rau sống, chanh, khế, thơm…Điều đặc biệt góp phần để mắm còng Gò Công thêm nổi tiếng nữa là thời nhà Nguyễn, Hoàng Hậu Từ Dụ đã dùng mắm này để tiến vua như là đặc sản quê nhà.

Bánh giá chợ Giồng

Có những món ăn mà tên gọi có nhiều ý kiến lý giải, như trường hợp bánh giá là đây. Có thể là do trong thành phần có giá đỗ, hoặc dùng cái vá (người miền Tây phát âm v thành gi) để chiên bánh nên gọi là bánh giá!??? Mà quan trọng gì đâu, mùi thơm quyến rũ cùng vị ngon béo của bánh mới là yếu tố làm món ăn đặc sản Tiền Giang này nổi tiếng nhiều năm qua, có thể có tuổi đời từ hàng trăm năm trước. Để thành món, người dân trước tiên phải dùng bột gạo và bột năng pha nước; còn nhân bánh thì bao gồm tôm tươi, gan heo, giá sống. Bắt một chảo dầu to đun sôi, cho nước bột vào vá, tiếp theo là thành phần nhân như trên, nhúng vá chứa hỗn hợp này vào chảo dầu chờ đến khi mọi thứ kết dính vào nhau rồi mới rút vá lên và…chờ. Khi thấy đủ độ chín thì vớt ra thế là có món ăn thơm ngon có tên bánh giá. Bánh này thường được ăn kèm với bún, rau sống, mắm chua ngọt. Theo người dân cố cựu, nơi xuất phát đầu tiên của bánh này là khu vực chợ Giồng ở Vĩnh Định, nay thuộc Gò Công Tây - Tiền Giang, nên mới có tên là “bánh giá chợ Giồng”.

Bánh lá dừa

Bánh lá dừa

Nếu một lần đến miền Tây chắc hẳn du khách đã bắt gặp được hình ảnh chum bánh hình trụ tròn với những chiếc bánh dài gần gang tay và to như trái dưa leo, đó là bánh lá dừa. Khi tham quan khu vực Cồn Thới Sơn - Mỹ Tho - Tiền Giang, đi dọc con đường làng cặp ven sông, du khách sẽ tận mắt chứng kiến cảnh người dân đang làm loại bánh này. Về cơ bản nó cũng như bánh tét Nam bộ, nguyên liệu chính là nếp và các loại đậu. Bánh lá dừa thì nếp và đậu đen làm vỏ bánh, còn nhân là đậu xanh hoặc chuối. Cái độc đáo là bánh được gói trong lá dừa - loại cây được trồng rất nhiều ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bánh lá dừa được bán theo chục (10 cái), giá rất rẻ.

Những đặc sản Tiền Giang khác có thể mua về làm quà:

Trong hành trang trở về của du khách sau khi đi tour miền Tây sẽ lưu lại gì? Đó là hình ảnh những con sông rộng mênh mông hay dòng kênh thẳng tắp, những nét sinh hoạt độc đáo của cuộc sống sông nước. Đó là cái hay của nền văn minh miệt vườn cây trái; hay lắng đọng theo từng câu nhả chữ của người nghệ sĩ thướt tha trong tà áo bà bà biểu diễn nghệ thuật đàn ca tài tử. Những trải nghiệm về văn hóa bản địa, nhất là thưởng thức các đặc sản Tiền Giang sẽ là chất xúc tác giúp du khách thêm mến yêu con người và thiên nhiên của vùng đồng bằng trú phú nhất nước này.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/dac-san-trai-cay-tien-giang-a54093.html