Ngành Đông Phương học có nhiều cơ hội việc làm nhưng vẫn khó tuyển sinh

Đông phương học là một ngành học tập trung vào việc nghiên cứu về nền văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và nghệ thuật của các quốc gia phương Đông, như những nền văn hóa lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Á, Đông Nam Á…

Mục tiêu của ngành học này nhằm khám phá, phân tích sự phát triển, đa dạng của các quốc gia và khu vực này, giúp tạo ra sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm và giá trị của văn hóa phương Đông.

Ngành học tiềm năng cung cấp tri thức, hiểu biết gắn liền với mỗi nền văn hóa lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, chỉ tiêu hàng năm của ngành Đông Phương học tại Trường Đại học Gia Định là 100 sinh viên.

Sinh viên ngành Đông Phương học của trường sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức chuyên sâu về khu vực học, đất nước học của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Am hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, pháp luật, quan hệ quốc tế của các nước Đông Á.

Bên cạnh đó, các em cũng có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành trong giao tiếp xã hội, trong công việc cũng như học tập nâng cao.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường.
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường.

Về định hướng đào tạo, thầy Chung cho biết, Trường Đại học Gia Định đào tạo sinh viên ngành Đông Phương học theo hướng ứng dụng, là sự kết hợp nắm vững kiến thức chuyên ngành, ngôn ngữ, cùng với việc tạo điều kiện cho sinh viên tham gia và trải nghiệm thực tiễn với các doanh nghiệp các nước phương Đông.

Ngoài ra, định hướng đào tạo của trường cũng bám sát vào nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có liên quan đến ngành Đông Phương học.

Đồng thời giúp sinh viên hiểu và làm việc được với các quốc gia trong khu vực. Đây là một điểm rất thuận lợi trong công tác đào tạo ngành học này.

Quan trọng sinh viên học xong phải ứng dụng được kiến thức chuyên môn và có việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Phương học là ngành học tìm hiểu về lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị - ngoại giao, ngôn ngữ, văn hóa của các nước phương Đông - nền văn minh lâu đời của nhân loại.

Tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Đông Phương học có 02 chuyên ngành đào tạo gồm Văn hóa và Ngôn ngữ Hàn Quốc, Văn hóa và Ngôn ngữ Nhật Bản.

Tùy theo từng chuyên ngành, sinh viên sẽ được cung cấp những tri thức, hiểu biết và kỹ năng làm việc gắn liền với mỗi nền văn hóa lớn.

Thông tin về chương trình đào tạo ngành học này, theo cô Dung, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành này theo định hướng gắn liền với thực tiễn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Ngoài những kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được trang bị những kỹ năng mềm như: kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong môi trường làm việc đa dạng ngay trong chương trình học; có thể sử dụng thành thạo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một ngoại ngữ chuyên ngành trong quan hệ quốc tế, giao tiếp xã hội công tác chuyên môn.

Với các chương trình đào tạo đặc thù tại nhà trường như Chương trình Việt - Nhật (đào tạo chuyên môn và tiếng Nhật), Chương trình Việt - Hàn (đào tạo chuyên môn và tiếng Hàn) và các ngành ngôn ngữ như Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung Quốc, trường liên tục tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa quốc tế ngay tại trường để sinh viên tìm hiểu, giao lưu, học hỏi.

Chia sẻ về ngành học này, Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, trong quá trình học tập tại ngành Đông Phương học của trường, sinh viên sẽ được tiếp cận với ngôn ngữ của các nước Đông Á từ trình độ sơ cấp đến trung cấp.

Cùng với đó, sinh viên được tìm hiểu những kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế, chính trị, nghiệp vụ du lịch, ngoại thương, của các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ngành học cũng chú trọng vào việc phát triển kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, nhằm chuẩn bị cho sinh viên một nền tảng vững chắc để hội nhập, làm việc trong môi trường đa văn hóa.

Điểm nổi bật của ngành học này tại trường là khi sinh viên theo học có thể sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc học tập và trải nghiệm theo những suất học bổng từ những trường đối tác.

Đồng thời, nhà trường cũng khuyến khích và hỗ trợ sinh viên phát triển quan điểm cá nhân, tư duy độc lập, qua đó chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế đa văn hoá sau khi tốt nghiệp, cũng như tạo nền tảng cho sinh viên tiếp tục theo học ở những bậc cao hơn.

Ngành đặc thù còn gặp khó trong thu hút người học, giảng viên

Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, ngành Đông Phương học không phải là ngành phổ biến như các ngành thuộc khối kỹ thuật hoặc kinh tế, điều này đôi khi cũng tạo ra một số thách thức trong việc thu hút tuyển sinh, bởi thông tin về cơ hội nghề nghiệp của ngành học còn hạn chế trên truyền thông đại chúng.

ts tuấn.jpg
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Website nhà trường

Nhà trường đang nỗ lực trong việc quảng bá ngành học thông qua các hội thảo, sự kiện và các kênh truyền thông, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho các bạn trẻ đang quan tâm đến ngành Đông Phương học.

Về mặt giảng viên và chương trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng đến việc cập nhật kiến thức mới và áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, đồng thời luôn không ngừng phát triển hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực để mang đến chất lượng giáo dục tốt nhất cho sinh viên.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, hiện nay trên cả nước chỉ có khoảng hơn 15 trường đại học đào tạo ngành Đông Phương học.

Ngành Đông Phương học không được đào tạo rộng rãi ở các trường đại học, việc thu hút thí sinh cho ngành này gặp trở ngại rất lớn do sự hiểu biết hạn chế của phần lớn các thí sinh về ngành học và cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, các thí sinh chủ yếu quan tâm các nhóm ngành kinh tế và công nghệ khiến việc tuyển sinh và đào tạo ngành học này bị ảnh hưởng. Việc tiếp cận và giới thiệu thông tin về ngành học này đến các thí sinh cũng đang là một thách thức lớn.

Việc tìm kiếm giảng viên và chuyên gia có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về chuyên ngành Đông Phương học cũng khá khó khăn với các trường đại học. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt về đội ngũ cũng như ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên để hiểu biết sâu về ngôn ngữ và văn hóa Đông Phương thì người học cần phải có thời gian và nỗ lực rất lớn, đặc biệt là đối với các em sinh viên không có nền tảng văn hóa và kinh nghiệm sống trong khu vực.

Bên cạnh đó, một số trường hợp gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu và giáo trình tham khảo chuyên ngành Đông Phương học.

Về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Đông Phương học, thầy Chung chia sẻ, hiện tại nhiều thí sinh lo ngại ngành Đông Phương học mang tính khái quát tổng quan, khó tìm được việc làm. Nhưng trên thực tế cơ hội việc làm dành cho sinh viên của ngành rất đa dạng và phong phú.

Cụ thể là sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Đông Phương học của Trường Đại học Gia Định, người học có thể đảm nhận các vị trí việc làm như: Nhân viên phiên dịch, nhân viên trong các bộ phận chức năng của các công ty, doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung, Nhật, Hàn như một công cụ giao tiếp với đối tác nước ngoài.

Cử nhân ngành Đông Phương học cũng có thể làm các vị trí: tiếp viên hàng không, biên tập, phát thanh viên tiếng Trung, Nhật, Hàn cho các tạp chí song ngữ, nhà xuất bản, đài truyền hình; hoặc nhân viên đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, giảng dạy hoặc tham gia nghiên cứu về các nước phương Đông tại các cơ quan, trường học có các ngành tương ứng.

“Mức lương của trung bình của những sinh viên tốt nghiệp ngành Đông Phương học khoảng từ 12 triệu đồng đến 25 triệu đồng tùy vào vị trí công việc như đã nêu.

Ngoài cấp bậc nhân viên, các sinh viên tốt nghiệp ngành Đông Phương học còn có thể đảm nhiệm các vị trí quản lý, bên cạnh đó còn có thể làm việc và du học ở các quốc gia Đông Á mà không gặp chút trở ngại nào về vấn đề ngôn ngữ cũng như sự hòa nhập về văn hóa”, thầy Chung thông tin thêm.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, với vốn ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Đông Phương học có thể đảm nhiệm những vị trí như cán bộ phụ trách các mảng liên quan đến lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội, ngoại giao làm việc trong các cơ quan, ban ngành tổ chức Nhà nước.

Những bạn mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm có thể hưởng mức lương trung bình từ 8-10 triệu đồng tùy theo vị trí công việc. Và con số này cũng như cấp bậc thăng tiến sẽ tăng lên khi kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tăng theo thời gian.

Theo thầy Tuấn, mức lương ban đầu cho sinh viên mới ra trường có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hình tổ chức và vị trí công việc cụ thể, nhưng cơ hội thăng tiến thường rộng mở, nhất là khi sinh viên có kỹ năng ngôn ngữ và hiểu biết sâu rộng về văn hóa, kinh tế - xã hội của các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể phát triển sự nghiệp và có cơ hội thăng tiến đến các vị trí quản lý, chuyên gia cao cấp tại các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Bàn về những giải pháp để thu hút tuyển sinh với ngành học này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung cho biết, để vượt qua những thách thức này thì việc hợp tác với các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức ở các nước phương Đông là cách hiệu quả để phát triển ngành Đông Phương học.

Hiện nay Trường Đại học Gia Định kết nối được khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tạo điều kiện cho các em đến kiến tập cũng như thực tập tại doanh nghiệp.

Đồng thời nhà trường cũng có tổ chức các buổi workshop mời các vị chuyên gia đến từ các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, gặp gỡ và chia sẻ về kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm làm việc, cùng những cơ hội du học, cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Trường Đại học Văn Lang luôn chú trọng kết nối với các đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.

Nhà trường cũng hợp tác với đơn vị, tổ chức quốc tế, và các công ty trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội thực tập và tuyển dụng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, trường cũng có các chương trình học bổng dành cho sinh viên ngành Đông Phương học dựa trên thành tích học tập và năng lực cá nhân, nhằm hỗ trợ và khích lệ sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, hàng năm các đối tác là các trường đại học danh tiếng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có những suất học bổng ngắn hạn, dài hạn tạo điều kiện cho sinh viên sang những quốc gia này để học tập và trực tiếp trải nghiệm.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/nganh-dong-phuong-hoc-lam-nghe-gi-a53721.html