Thổi cơm thi - nét văn hóa truyền thống

1. “Thổi cơm thi" là một trò chơi dân gian xưa, diễn ra trong một số hội làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Người thi là các thôn nữ một tay cầm bó đuốc cháy nỏ, tay kia vít cần tre treo cái niêu đất nho nhỏ bung biêng ở dưới, đứng trên thuyền hoặc đi trên sân để… thổi cơm. Trò chơi này thể hiện đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở nước ta từ bao đời nay.

Chỉ là một trò chơi dân gian nhưng có đa dạng các cách chơi, kiểu chơi và thể hiện rõ dấu ấn, sắc màu địa phương; liên quan tới phong tục tập quán, tới nguồn gốc về lịch sử, văn hóa của địa phương. Chả thế mà cũng là thổi cơm thi, có nơi thì dập dìu uốn lượn ở trên cạn, trên sân đình; có nơi lại bồng bềnh trên thuyền, trên mặt nước. Nồi nấu cơm có khi là cái niêu đất còn mới, không vết nhọ; có khi là một cái nồi đồng nhỏ xinh. Thông thường, nồi nấu cơm được lủng lẳng treo ở dưới một cái cần tre; cũng có khi được treo lơ lửng trên một cây sào. Có nơi vừa đi vừa múa hát theo bập bùng ngọn lửa thổi cơm, lại có nơi tiến hành như một nghi lễ linh thiêng. Ở từng địa phương có thể khác nhau về trang phục, về trình tự tiến hành, về cách chấm giải… nhưng đều giống nhau ở tiếng trống thúc, tiếng hò reo cổ vũ; ở sự gay cấn đua tranh; ở không khí tưng bừng náo nhiệt; ở sức cuốn hút, sự hấp dẫn của cuộc thi…

Trò chơi thi nấu cơm đã được phục dựng trong nhiều lễ hội đầu xuân ở Bắc Ninh. Ảnh: baobacninh.com.vn

2. Ở quê tôi, trò chơi “thổi cơm thi" thường được tổ chức vào ngày Hội làng 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Địa điểm đua tranh là ao Đình hoặc dãy ao làng ở mạn xóm Duyên. Các xóm trong làng cử đại diện tham gia tranh tài. Sự độc đáo, hấp dẫn của cuộc thi này là người dự thi đứng trên con thuyền đang bồng bềnh xô dạt. Thành phần đội thi, theo các bậc cao niên trong làng, ngày xưa thường có 4 người. Đứng ở giữa thuyền là hai thôn nữ - những nhân vật chính, trong trang phục áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, thắt lưng bao xanh, mặc váy lĩnh, tay cầm bó đuốc, tay vít cần tre để thổi cơm. Phía mũi thuyền là một nam thanh niên quấn khăn đầu rìu, một tay cầm chuôi chiếc “trống khẩu" nhỏ xinh, tay kia gõ trống “tung, tung…” khi đều đặn, lúc dồn dập liên hồi, để cổ vũ. Ở đuôi thuyền là một người thạo nghề sông nước, luôn tay đưa hai mái chèo khỏa nước điều khiển con thuyền…

Nhưng đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đội thi ở làng tôi thường chỉ có hai người, một thôn nữ trực tiếp nấu cơm thi và người chèo thuyền. Cô gái nấu cơm thi trong trang phục quần lụa đen, áo cánh gụ tươi, thắt lưng bao xanh, đầu trần. Người chèo thuyền chủ yếu được lựa từ những người làm nghề chăn vịt ở xóm Duyên bấy giờ. Những người chèo thuyền này từng đã bồng bềnh trên mặt nước sông Hồng, điều khiển con thuyền trông coi đàn vịt ăn hoa cỏ ở bãi giữa sông Hồng vào mùa nước.

Người nấu cơm thi ở thắt lưng cắm một cần tre cong vượt qua đầu. Tre làm cần thường là loại tre tươi bánh tẻ dẻo dai uốn qua uốn lại. Đầu cần tre là một cái quang treo bằng dây thép; cuối quang treo là một cái nồi đồng nấu cơm nhỏ xíu. Người thi tay phải cầm bó đuốc (là một bó đóm bằng tre ngâm phơi khô) đang cháy nỏ; tay trái giữ quang sắt; dùng ngọn lửa bập bùng ấy để nấu cơm. Người thi phải vừa khéo léo, vừa tập trung chú ý để giữ cho ngọn lửa luôn kề sát đáy nồi và khi cơm sôi, phải nhanh tay dùng đũa bếp để khuấy cơm. Cơm đã cạn nước thì phải bớt lửa ở đáy nồi. Thổi cơm theo cách thú vị này ở trên cạn đã khó, ở dưới nước càng khó hơn; vì thuyền có thể tròng trành, nồi cơm lủng lẳng chao nghiêng. Do đó, người chèo lái phải giữ cho thuyền luôn thăng bằng, từ từ lướt nhẹ trên mặt nước. Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa người nấu cơm và người cầm lái ở đây thật quan trọng.

Trong các cuộc thi ở làng tôi thời ấy, có điều thú vị là, khi cơm sắp chín, đã diễn ra một cuộc đua tranh đầy sôi động. Các thuyền dự thi đều tăng tốc, lướt nhanh, rồi chủ động va mạnh, thúc mũi vào mạn con thuyền khác, làm cho người đứng nấu cơm bị chao đảo, nồi cơm có thể rơi xuống… Trong cuộc “hỗn chiến" này (luật lệ cuộc thi cho phép), người chèo lái nào bình tĩnh khôn ngoan tránh né, giữ thuyền được thăng bằng, không bị lật… thì vừa bảo toàn được “lực lượng", vừa dễ có được nồi cơm ngon. Và trong lúc cuộc thi được đẩy tới cao trào, tiếng trống thúc dồn dập hơn, tiếng hò reo cổ vũ cũng náo nhiệt hơn.

Cuộc thi thường kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Thuyền nào, đội nào đảm bảo được yêu cầu nhanh về thời gian, ngon về sản phẩm thì thắng cuộc. Sản phẩm đạt giải thưởng là những nồi cơm chín, dẻo thơm, không có cháy; cơm không sống, không khê, không ám khói. Những niêu cơm ngon được giải là vật phẩm quý giá để người dân dâng lên cúng thành hoàng làng, bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với đức thành hoàng.

Còn giải thưởng cho đội thi thắng cuộc, vào những năm 60, chỉ là cái khăn mặt, quyển sổ… hoặc chia nhau mỗi người một miếng cơm trong niêu cơm đạt giải, sau khi đã cúng thành hoàng, gọi là lấy “lộc" đầu năm.

Hội thổi cơm thi trên thuyền, trên mặt nước ở làng tôi bắt nguồn sâu xa từ việc lo hậu cần cho binh lính, trong những cuộc chuyển quân bằng thuyền ngày xưa. Làng tôi xưa là một vùng sông nước, nằm ở ngã ba sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy. Tương truyền rằng các cuộc chuyển quân, kéo quân thời Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán và sau này, thời Hậu Lý Nam Đế thế kỷ thứ VI, đều diễn ra trên các con sông cạnh làng tôi. Tục thổi cơm trên thuyền phục vụ binh lính là có từ thời ấy. Ngày nay, ở làng tôi, tục lệ thổi cơm thi vẫn được duy trì trong dịp Hội làng 12 tháng Giêng đầu xuân. Nhưng không còn cảnh “bồng bềnh cơm nấu trên thuyền" mà là thổi cơm thi… trên cạn.

Trò chơi “thổi cơm thi" là một nét đẹp trong lịch sử văn hóa truyền thống ở làng tôi.

LÊ HỮU TỈNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/ve-tranh-de-tai-le-hoi-thoi-com-a51634.html