TÌM HIỂU VỀ CÁC KỸ THUẬT XẠ TRỊ

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/radiation-therapy/doctors-departments/pdc-20385163

Xạ trị có thể điều trị nhiều loại ung thư khác nhau. Xạ trị cũng có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác, như hóa trị và/hoặc phẫu thuật.

Không như các phương pháp điều trị ung thư khác ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị thường là phương pháp điều trị tại chỗ. Điều này có nghĩa xạ trị chỉ ảnh hưởng đến phần cơ thể được điều trị ung thư. Một số mô khỏe mạnh gần tế bào ung thư có thể bị tổn thương trong quá trình điều trị, nhưng thường sẽ phục hồi sau khi điều trị kết thúc.

Có nhiều phương pháp xạ trị khác nhau, và cơ chế hoạt động tiêu diệt các tế bào ung thư của các phương pháp này có đôi chút khác nhau.

Mục đích của xạ trị là gì?

Mục đích của xạ trị phụ thuộc vào loại ung thư và mức độ lan rộng của nó. Xạ trị có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc là một phần trong kế hoạch điều trị bao gồm nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Xạ trị được lựa chọn cho một số mục đích sau:

Điều trị triệt căn. Thông thường, mục đích của xạ trị là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng quay trở lại.

Trước phương pháp điều trị khác. Xạ trị có thể được thực hiện trước các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như phẫu thuật, để thu nhỏ khối u lớn. Đây được gọi là "liệu pháp xạ trị tân bổ trợ."

Sau phương phápđiều trị khác. Xạ trị có thể được thực hiện sau các phương pháp điều trị khác để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Đây được gọi là "liệu pháp xạ trị bổ trợ."

Giảm các triệu chứng. Xạ trị có thể được sử dụng để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng ung thư. Đây được gọi là "liệu pháp xạ trị giảm nhẹ"

Xạ trị có thể được sử dụng trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau. Hơn một nửa số ca mắc ung thư sẽ được điều trị bằng một số phương pháp xạ trị. Đối với một số bệnh ung thư, xạ trị đơn thuần là phương pháp điều trị hiệu quả. Các loại ung thư khác đáp ứng tốt nhất khi kết hợp các phương pháp điều trị. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư tái phát và ung thư di căn.

Xạ trị ngoài là gì?

Phương pháp xạ trị phổ biến nhất là xạ trị ngoài. Phương pháp này sử dụng chùm tia bức xạ được phóng từ máy phát bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Nếu cần, nó có thể được sử dụng để điều trị các vùng diện tích lớn trên cơ thể.

Một loại thiết bị được gọi là máy gia tốc tuyến tính, hoặc linac, tạo ra các chùm tia bức xạ dùng cho liệu pháp xạ trị bằng tia X hoặc photon. Phần mềm máy tính chuyên dụng điều chỉnh kích thước và hình dạng các chùm tia, giúp nhắm mục tiêu vào khối u trong khi tránh các mô khoẻ mạnh gần đó.

Hầu hết các phương pháp xạ trị được thực hiện mỗi ngày trong tuần và kéo dài trong nhiều tuần. Sử dụng các giá đỡ vừa vặn hoặc mặt nạ lưới nhựa khi xạ trị vùng đầu, cổ hoặc não giúp cố định vị trí và đảm bảo chùm tia chiếu tới cùng một khu vực trong mỗi lần xạ.

Một số kỹ thuật xạ trị ngoài:

· Xạ trị ba chiều theo hình dạng khối u (3D-CRT). Trong loại xạ trị này, hình ảnh 3 chiều chi tiết của khối u được tạo ra từ chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Nhóm điều trị sử dụng những hình ảnh này để hướng chùm tia vào khối u. Với kỹ thuật này, nhóm điều trị có thể sử dụng liều xạ trị cao hơn một cách an toàn và giảm tổn thương cho các mô khỏe mạnh. Điều này làm giảm nguy cơ gây tác dụng phụ.

· Xạ trị điều biến liều (IMRT). Đây là hình thức xạ trị phức tạp hơn. Với IMRT, cường độ bức xạ rất đa dạng. Điều này khác với 3D-CRT sử dụng cùng cường độ với mỗi chùm tia. IMRT nhắm thẳng vào khối u và tránh các mô khỏe mạnh tốt hơn 3D-CRT. · Xạ trị proton. Phương pháp điều trị này sử dụng các hạt proton thay vì tia X. Proton là hạt mang điện tích dương. Ở mức năng lượng cao, các hạt proton có thể phá huỷ tế bào ung thư. Các hạt proton đi đến khối u và đưa vào một liều xạ trị cụ thể. Không giống như chùm tia X, kỹ thuật xạ trị proton có rất ít tia bức xạ vượt ra ngoài khối u. Điều này hạn chế tổn thương cho các mô gần đó. Kỹ thuật xạ trị proton là một phương pháp điều trị tương đối mới yêu cầu phải có thiết bị đặc biệt. Nó hiện chỉ được sử dụng để điều trị một số loại ung thư nhất định. Tìm hiểu thêm về kỹ thuật xạ trị proton .

· Xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT). IGRT sử dụng hình ảnh trong quá trình điều trị xạ trị. Hình ảnh được chụp ngay trước và trong khi điều trị và được so sánh với hình ảnh được chụp trước khi bắt đầu điều trị. Điều này giúp các bác sĩ định vị chùm tia xạ một cách chính xác nhất có thể.

· Xạ trị lập thể định vị thân (SRT). Phương pháp điều trị này đưa một lượng bức xạ lớn, chính xác đến vùng khối u nhỏ. Bệnh nhân cần phải nằm bất động. Mặt nạ hoặc khuôn cơ thể riêng lẻ giúp hạn chế chuyển động. SRT thường được chỉ định điều trị một lần hoặc dưới 10 lần điều trị. Một số người có thể cần nhiều hơn một liệu trình SRT.

What is internal radiation therapy?

Xạ trị trong còn được gọi là xạ trị áp sát. Đây là loại xạ trị mà nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong khối u hoặc mô xung quanh u. Việc cấy ghép phóng xạ có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Phương pháp điều trị này có thể yêu cầu bệnh nhân phải nằm viện.

https://hotroungthu.vn/xa-tri-ap-sat

Một số kỹ thuật xạ trị trong:

· Cấy ghép vĩnh viễn. Nguồn cấy ghép là các hạt thép cực nhỏ bằng hạt gạo, chứa chất phóng xạ. Chúng cung cấp hầu hết các bức xạ xung quanh khu vực cấy ghép. Tuy nhiên, một số bức xạ có thể thoát ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Do đó kỹ thuật xạ trị này yêu cầu phải có các biện pháp an toàn để bảo vệ người khác khỏi phơi nhiễm phóng xạ. Qua thời gian, nguồn cấy ghép sẽ mất dần tính phóng xạ dù nó vẫn nằm bên trong cơ thể được cấy ghép.

· Xạ trị trong tạm thời. Loại xạ trị này có thể được thực hiện bằng cách dùng kim, qua một ống gọi là ống thông và qua các dụng cụ đặc biệt. Bức xạ tồn tại bên trong cơ thể từ vài phút đến vài ngày. Hầu hết mọi người thực hiện xạ trị trong chỉ với thời gian vài phút. Đôi khi, việc xạ trị trong có thể kéo dài hơn. Khi đó người bệnh sẽ ở trong phòng riêng để hạn chế người khác tiếp xúc với bức xạ.

Các lựa chọn điều trị xạ trị khác bao gồm:

· Xạ trị trong phẫu thuật (IORT). Phương pháp điều trị này thực hiện xạ trị cho khối u trong quá trình phẫu thuật bằng cách sử dụng kỹ thuật xạ trị ngoài hoặc xạ trị trong. IORT cho phép bác sĩ phẫu thuật di chuyển các mô khỏe mạnh ra khỏi vị trí để nó không bị tổn thương trong quá trình xạ trị. Phương pháp điều trị này rất hữu ích khi khối u nằm gần các cơ quan quan trọng của cơ thể.

· Xạ trị toàn thân. Bệnh nhân uống hoặc được tiêm chất phóng xạ nhắm vào các tế bào ung thư. Chất phóng xạ bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, nước bọt và mồ hôi. Những chất lỏng này có chất phóng xạ và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp an toàn do đội ngũ chăm sóc sức khỏe khuyến nghị (xem bên dưới). Một ví dụ về xạ trị toàn thân là liệu pháp iốt phóng xạ (RAI; I-131) đối với bệnh ung thư tuyến giáp.

· Liệu pháp miễn dịch phóng xạ. Đây là một hình thức trị liệu toàn thân. Cụ thể, nó sử dụng kháng thể đơn dòng, là các protein bị thu hút bởi các dấu hiệu rất đặc hiệu ở bên ngoài tế bào ung thư, để đưa bức xạ trực tiếp đến các khối u. Vì phương pháp điều trị sử dụng các kháng thể đặc biệt này nên ít ảnh hưởng đến các mô bình thường xung quanh. Một ví dụ là ibritumomab (Zevalin), được sử dụng trong điều trị một số ung thư hạch bạch huyết.

· Chất nhạy cảm bức xạ và chất bảo vệ bức xạ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu chất nhạy cảm với bức xạ và chất bảo vệ khỏi bức xạ. Chất nhạy cảm bức xạ là chất giúp xạ trị tiêu diệt khối u tốt hơn. Chất bảo vệ bức xạ là những chất bảo vệ các mô khỏe mạnh gần khu vực điều trị. Ví dụ về chất nhạy cảm bức xạ bao gồm fluorouracil (5-FU, Adrucil) và cisplatin (Platinol). Amifostine (Ethyol) là một ví dụ về chất bảo vệ bức xạ.

Xạ trị có an toàn cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân không?

Các bác sỹ đã sử dụng phương pháp xạ trị an toàn và hiệu quả để điều trị ung thư trong hơn 100 năm qua. Giống như các phương pháp điều trị ung thư khác, xạ trị cũng gây ra các tác dụng phụ. Người bệnh cần trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khoẻ của mình về những gì sẽ xảy ra và những gì họ đang trải qua trong và sau quá trình điều trị. Mặc dù hầu hết mọi người không cảm thấy đau sau mỗi lần điều trị, nhưng tác dụng của điều trị sẽ tăng dần theo thời gian và có thể bao gồm cảm giác khó chịu, thay đổi ở da, hoặc các tác dụng phụ khác, tuỳ thuộc vị trí điều trị trên cơ thể.

Trong quá trình xạ trị ngoài, bệnh nhân không phát ra bất kỳ bức xạ nào sau các buổi điều trị. Nếu còn, bức xạ chỉ tồn tại trong phòng xạ trị.

Tuy nhiên, xạ trị trong làm bệnh nhân phát ra bức xạ. Do đó, những người xung quanh bệnh nhân nên tuân theo các biện pháp an toàn sau, trừ khi bác sỹ điều trị của bệnh nhân đưa ra các hướng dẫn khác:

· Không tới gần bệnh nhân nếu là người đang mang thai hoặc chưa đủ 18 tuổi

· Giữ khoảng cách ít nhất là 1mét8 từ giường của bệnh nhân

· Giới hạn thời gian tiếp xúc với bệnh nhân không quá 30 phút mỗi ngày

Kỹ thuật xạ trị cấy ghép vĩnh viễn vẫn để lại phóng xạ trong cơ thể sau khi bệnh nhân ra viện. Vì vậy, trong thời gian 2 tháng sau khi ra viện, bệnh nhân không nên tiếp xúc quá 5 phút với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai.

Tương tự, những người được điều trị bằng kỹ thuật xạ trị toàn thân nên tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa an toàn phổ biến trong những ngày đầu sau khi điều trị. Bệnh nhân cần trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ để chắc chắn có các hướng dẫn cụ thể về việc điều trị.

· Rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh

· Sử dụng đồ dùng và khăn tắm riêng biệt

· Uống nhiều nước để thải chất phóng xạ còn sót lại trong cơ thể

· Tránh hoạt động tình dục

· Tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ mang thai

____

Nguồn: Dịch từ https://www.cancer.net/

Đường dẫn: https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/radiation-therapy/what-radiation-therapy

Biên dịch: Điều dưỡng. Đoàn Thị Ngoan, Đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT&NCKH

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/phuong-phap-xa-tri-a51578.html