Nghiên Cứu Lịch Sử

20

Waterloo đau buồn và kiêu hãnh như bài hát của nhóm ABBA. Ca khúc vừa buốt vừa hào hùng mà 20 năm sau khi ra mắt vẫn còn được nhớ, truyền tụng như những ca từ hay nhất trong hơn 50 năm của cuộc thi Eurovision.

Waterloo - I was defeated, you won the war… Waterloo - Finally facing my Waterloo… I feel like I win when I lose … Waterloo - Tôi thất bại, anh thắng trong chiến cuộc … Waterloo - Cuối cùng phải đối mặt với Waterloo …

Tôi cảm giác như đang thắng khi thua cuộc.

Sau khi trở về Pháp từ đảo Elbe, nơi ông sống lưu vong, vào mùa xuân năm 1815, Napoléon gầy dựng lại một đội quân với hơn 93 ngàn người. Lực lượng này sẽ giao chiến với lực lượng đồng minh (Anh, Đức, Bỉ-Hà Lan), do công tước Wellington chỉ huy và lực lượng Phổ, do thống chế Blucher chỉ huy, tại Waterloo, ở cửa ngỏ vào thủ đô Bruxelles của Bỉ.

Hai lực lượng đối đầu với quân của Napoléon có tổng cộng khoảng 125 ngàn người. Đúng hơn là Napoléon khi thấy quân Anh và đồng minh đang tập hợp gần thủ đô Bruxlles với ý định tiến về phía nước Pháp, ông đã đưa quân đến Waterloo để đánh riêng quân Anh, trước khi quân Phổ kéo đến trợ giúp.

Thống chế Ney nhận lệnh phải chiếm ngay Brussels (Thủ đô nước Bỉ) để kiềm chế quân Anh. Song ông ta lại hành động chậm chạp, không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đã sắp sẵn. Sau này, khi hai bên đang bố trí lực lượng, Napoleon đã ra lệnh cho quân đoàn Darlon (thuộc hạ của Thống chế Ney) từ Frasne tiến vào mé sau quân Phổ, cùng quân chủ lực giáp công quân Phổ.

Nhưng không hiểu sao, Darlon lại tiến quân vào Fletai, hậu phương quân Pháp. Điều này làm lỡ gần hai tiếng trong cuộc tấn công quyết định vào quân Phổ. Khi Darlon quay lại tiến vào hậu phương quân Phổ, không hiểu lý do gì, lại bị Thống chế Ney ra lệnh điều đi.

Lúc này, quân Anh khi rút lui lại nằm ở trong tầm pháo của Darlon, song ông ta lại chấp hành một cách máy móc mệnh lệnh của Ney, khiến cho quân Anh thoát nạn bị tiêu diệt hoàn toàn và quân Pháp bỏ lỡ cơ hội giành chỉến thắng quyết định. Ai cũng biết, pháo binh quân Pháp giai đoạn này thiện chiến như thế nào.

Nếu Darlon sử dụng hai trung đoàn pháo binh của mình khi đó, hoàn toàn cục diện chiến trường đã khác, đặc biệt trong quân đội Anh rút lui lúc đó có sư đoàn kỵ binh thiện chiến. Nhiều sử gia sau này cho rằng, giây phút quyết định đó đã khiến quân Anh bảo toàn được lực lượng, rút lui an toàn và thay đổi số phận lịch sử sau trận Waterloo.

Ngoài ra, ông trời hình như cũng chống lại Napoleon(?).

Trước một ngày diễn ra trận Waterloo, khi Napoleon chỉ huy truy kích quân Anh đang buộc phải rút lui, bỗng trời đổ cơn mưa xối xả. Trong khoảnh khắc, đường lầy lội cánh đồng ngập nước. Kỵ bính Pháp buộc phải ngừng truy kích. Quân Anh đang tháo chạy thục mạng đã được cứu thoát.

Sáng sớm hôm sau, quân Pháp không thể triển khai tấn công theo kế hoạch bởi trời mưa to suốt đêm. Là người giỏi vận dụng chiến thuật cơ động, Napoleon cũng không có cách nào phát huy tác dụng cơ động của pháo binh và kỵ binh.

Cuộc chiến phải đẩy lùi đến tận trưa mới bắt đầu. Điều này giúp quân Anh có thời gian củng cố trận địa. Sau khi rút lui, quân Anh đã cố thủ trên các điểm cao như trang trại Hougoumont và La Haye Alliance ở Waterloo để chờ viện binh.

Trưa ngày 18/06/1815, sau cuộc tấn công đầu tiên vào một nông trại mà quân Anh đang trú đóng, Napoléon cho nã pháo vào quân Anh, nhưng do đất sình lầy vì trời mưa hôm trước, các quả đạn pháo rơi xuống đất không bật lên và như vậy đã không gây thương vong nhiều cho đối phương.

Ngay sau trận giao tranh bằng đại pháo là giao tranh toàn diện giữa quân của Napoléon với quân đồng minh. Mặc dù bị tấn công dữ dội, quân đồng minh đã chống trả quyết liệt, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Nhưng khi phần thắng nghiêng về quân Pháp, thì Napoléon lại không còn đủ lính để khai lợi thế.

11h30 một ngày năm 1815, ba tiếng đại bác nổ, trận Waterloo bắt đầu.

Theo phương án tác chiến dự định của Napoleon, đầu tiên cánh trái quân Pháp vờ tiến công mãnh liệt Hoaugomont, mục đích để làm cho tướng Wellington tập trung chú ý cánh phải quân Anh, từ đó tìm cơ hội tấn công Blucher. Mưu đồ của quân Pháp, đột phá quân Phổ của Blucher chia cắt trận địa Anh - Phổ, chiếm núi Hall, từ đây có thể hoàn toàn dùng pháo binh tiêu diệt toàn bộ quân Anh. Nhưng Napoleon đã đánh giá thấp viên bại tướng của mình.

Wellington qua nhiều lần thất bại đã hiểu phong cách tác chiến và tư tưởng chiến thuật độc đáo của Napoleon. Ông ta nhanh chóng nhận ra ý đồ thật sự của việc cánh trái quân Pháp tiến công. Ngay lập tức, Wellington chỉ phái một số ít quân cận vệ đi ứng cứu Hoaugomont, còn đại quân vẫn bất động chờ chủ lực quân Pháp ở mặt trận chính diện.

Kết quả, quân Pháp giả vờ tấn công Hoaugomont quá mỏng nên thành trận kịch chiến kéo dài và hao tổn. Do không chiếm được Hoaugomont, cánh phải quân Pháp cũng không thể tấn công. Sau vài giờ, hai bên thương vong rất lớn.

Trước tình trạng này, Napoleon bắt buộc thay đổi kế hoạch.

Ông hạ lệnh quân chủ lực tấn công trung tâm phòng tuyến nông trang La Haye Alliance. 13h30 chiều, 80 khẩu đại bác Pháp đồng thời nhả đạn, kỵ binh chi viện, bộ binh phát động tấn công. Rất nhanh, quân Pháp chiếm được vườn cây trước nông trang nhưng khi tiến vào bên trong đã bị quân Anh bố phòng dày đặc, chống cự mãnh liệt. Mũi trung lộ của quân Pháp cũng bị chặn lại…

Một lợi thế lớn của quân Anh ở nông trang, đó là duy trì các điểm cao. Từ đây, quân Anh đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại khi cố gắng tấn công mà không hiệu quả.

Trong khi trung lộ đang kịch chiến, qua ống nhòm, Napoleon bỗng phát hiện một cánh quân lớn đang di chuyển trong khu rừng phía Đông Bắc trận địa khoảng 6 dặm Anh. Đó là quân đoàn Bilu thuộc quân Phổ. Rõ ràng, nếu để lực lượng đó đến chi viện cho quân Anh, Napoleon không còn chút hy vọng chiến thắng.

Trước tình thế nguy nan đó, Napoleon hạ lệnh tướng Grouchy đình chỉ tấn công Wavre, lập tức chuyển sang đánh cánh quân Phổ này không cho hội hợp với quân Anh. Tướng Grouchy, một nguyên soái rất trung thành với Napoleon nhưng nhược điểm lại chấp hành mệnh lệnh một cách mù quáng, không linh hoạt. Khi ông ta mang một phần tư đại quân truy kích quân Phổ đang tản mạn, nhưng khi kết thúc trận đánh, ông ta không trở lại chiến trường chính.

Điều này khiến lực lượng của quân Pháp bị giảm sút, nhất là sau nhiều giờ giao chiến đã thương vong lớn. Trước khi giao chiến, Napoleon cũng từng do dự trong việc bổ nhiệm Grouchy làm nguyên soái, nhưng vì không còn tướng lĩnh nào nữa nên đành bổ nhiệm Grouchy.

Quân Pháp tiến công La Haye ngày càng mãnh liệt. Bốn sư đoàn dàn hàng ngang, 200 người dùng trận thế dày đặc, nhất loạt tiến công. Sau khi quan sát, Wellington chỉ huy các sư đoàn kỵ binh xông ra quyết chiến.

Napoleon bèn phái kỵ binh, cận vệ đẩy lùi quân Anh nhưng vẫn không đột phá được phòng tuyến này. 15h30 chiều, cuộc chiến đấu lại tiếp tục. Nguyên soái Ney bị Napoleon khiển trách vì thất bại trong trận Quatre Bras quyết tâm lập công chuộc tội.

Vừa nổ súng, ông ta đã phi ngựa lên trước dẫn một vạn kỵ binh tấn công quân Anh. Mặc dù bị pháo Anh bắn ngã ngựa 3 lần, ông ta vẫn dẫn quân Pháp tiến lên không chút nao núng. Nhờ vậy, quân Pháp tỉến vào được trung tâm nông trang La Haye. 15h30 chiều, quân Pháp chiếm được nông trang này.

Bây giờ, Ney chỉ cần tổ chức một lần xung phong nữa, phòng tuyến trung tâm đã suy yếu của Wellington sẽ sụp đổ. Nhưng do trận chiến đấu quá ác liệt, kéo dài, tổn thất quá lớn, Ney điểm lại quân số và xin Napoleon tăng viện.

Nhưng Napoleon đang khổ não vì không biết quân của Grouchy đang ở đâu bèn quát: “Ông bảo ta lấy đâu ra quân lính tăng viện, chẳng lẽ ta có thể sản xuất ra lính hay sao?”. Quân Anh và quân Pháp giao chiến ở Waterloo suốt 8 giờ đồng hồ.

Đã đến lúc hai bên sức cùng lực tận, tướng lĩnh hai bên đều nhìn đồng hồ sốt ruột, số phận cả hai bên đều phụ thuộc vào viện binh. Về phần Wellington có phần an tâm vì ông ta đã biết nguyên Soái Blucher dẫn viện binh đang đến gần. Trước tình huống này, ông ta chỉ cần tìm cách duy trì cục diện 1 giờ nữa, viện binh sẽ đến nơi. Còn Napoleon lại cố nén giận trong lòng thầm mắng: “Grouchy, tên ngốc này đang dẫn quân đi đâu?”.

Lúc đó, Grouchy còn đang tấn công quân Phổ ở Wavre. Ông ta hoàn toàn không biết hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc của quân Pháp ở Waterloo. Việc chiếm được Wavre của Grouchy hoàn toàn vô nghĩa và vô hại bởi ông ta cũng không biết đại quân của Blucher đã sớm rời Wavre kéo đi chi viện cho tướng Wellington, chỉ còn để lại một số quân nhỏ lẻ trông giữ.

Hơn 20h tối, quân Blucher đến chiến trường, chia hai cánh đánh vào hai bên nách trận địa đang giằng co của quân Pháp. Tình thế gọng kìm đó, quân Pháp hoàn toàn lâm nguy… Kết cục trận đánh có thể nhận thấy rõ khi liên quân Đồng minh chiếm ưu thế, chuyển sang phản công.

Trong khi đó, Napoleon thấy khả năng bị bao vây, hạ lệnh Ney cầm quân phản kích. Nhưng mấy lần phản kích, tướng Ney đều không sao ngăn được quân Phổ. Lúc bấy giờ, lực lượng phòng thủ của Wellington thấy quân Phổ đã tiến công quân Pháp, bèn phấn khởi thét lớn: “Hỡi ba quân, viện binh đã đến rồi! Tất cả xung phong!”. Quân Anh đang mệt mỏi, nghe nói có viện binh đến bèn hồ hởi phản công.

Bấy giờ, cả trước mặt và hai bên sườn đều có địch, không còn cách gì chống đỡ nữa, Napoleon bèn hạ lệnh rút quân. Trên đường rút chạy, nhằm bảo toàn lực lượng, vị Hoàng đế nước Pháp vẫn tìm địa hình thuận lợi dồn binh tái chiến.

Nhưng, cả 7 lần đều thất bại. Về cơ bản, gần như quân đội Pháp bị tiêu diệt tại Waterloo, các sư đoàn thiện chiến đều bị đánh tan, chỉ còn lực lượng cận vệ trung thành với Napoleon vừa chiến đấu, vừa rút lui cho vị hoàng đế.

Sau đó, quân Phổ ồ ạt kéo đến chiến trường Waterloo hỗ trợ quân Anh. Vì không thể nào đương đầu cùng lúc với hai đối phương, quân Pháp bị đánh tan tành, Hoàng đế Napoléon phải tháo chạy về Paris.

Ngay tối hôm đó, công tước Wellington và thống chế Blucher ăn mừng chiến thắng trước một nông trại ở Waterloo. Hơn 10 ngàn người tử trận và hơn 35 ngàn người bị thương tại chiến trường Waterloo. Khoảng 9.000 binh lính Pháp khác bị liên quân bắt giữ làm tù binh. Sự thất bại ở Waterloo, Napoleon hoàn toàn tuyệt vọng, đành tuyên bố thoái vị, chấp nhận rời Paris, đến đảo St Heléne tận phía Nam Đại Tây Dương sống nốt quãng đời cuối cùng của mình.

Hàng chục ngàn binh sĩ ở cả hai phía tử trận trong trận Waterloo đã khiến một ngành kinh doanh phát triển nở rộ. Cụ thể, vào thời điểm diễn ra trận chiến Waterloo huyền thoại, lĩnh vực nha khoa ở châu Âu có sự bùng nổ mạnh mẽ. Trong đó, công việc làm răng giả trở thành “mảnh đất màu mỡ” đối với những người kinh doanh trong lĩnh vực nha khoa.

Do việc làm răng giả khi ấy chưa phát triển nên người dân thời đó sử dụng răng của người sống để làm răng giả phục vụ nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, một số người nghèo sẵn sàng bán răng của mình để có tiền trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, do nhu cầu răng giả trong xã hội ngày càng cao nên việc mua răng từ tầng lớp nghèo không đáp ứng đủ. Trong bối cảnh trên, các nha sĩ nảy sinh ý tưởng lấy răng từ những người lính chết trận trên chiến trường Waterloo để làm răng giả.

Kết quả là người ta thu thập được hàng ngàn chiếc răng từ thi thể những binh sĩ Anh, Pháp… tử trận. Số răng này sau khi lấy được sẽ được xử lý để tạo ra những bộ răng giả bán cho khách hàng. Không ít khách hàng ở châu Âu không hề biết đến sự thật hãi hùng về những chiếc răng giả mà họ sử dụng đến từ những người lính chết trận.

Nguyên nhân vì sao Napoleon thất bại ở Waterloo luôn là đề tài được các nhà quân sự và sử học thế giới bàn luận. Có người cho rằng, chính Grouchy không đến kịp đã hủy diệt quân Pháp. Bởi lúc dó, quân Pháp 7,2 vạn người, quân Anh cũng có khoảng 7 vạn lính.

Hai bên lực lượng cân bằng. Yếu tố quyết định chính là viện binh của ai đến trước, bên đó sẽ thắng. Có người cho rằng, trời mưa to đã làm Napoleon thất bại. Có người lại nói rằng, Ney và thuộc hạ của ông ta đã khiến quân Pháp thua trận Waterloo. Phần lớn các nhà quân sự cho rằng, Napoleon không còn các thống chế tài giỏi để chỉ huy: Thống chế Davu đang bị vây ở Hamburg, Thống chế Muyra đang ở Napoli, Thống chế Matsena đang chinh chiến ở Tây Ban Nha…

Tuy có nhiều tướng tài khác, nhưng trong lúc quan trọng này, Thống chế Ney và thuộc hạ đã làm hỏng mọi chuyện. Có người quy kết nguyên nhân thất bại, do chính bản thân Napoleon.

Cho dù Napoleon có là thiên tài quân sự nhưng ông ta đã mất đi một yếu tố vô cùng quan trọng. Cái này đối với một Thống soái thậm chí còn quan trọng hơn thiên tài quân sự, đó chính là niềm tin đối với thắng lợi chiến tranh. Chính nguyên nhân này đã khiến ông ta thua trận Waterloo.

Có lẽ Napoleon đã ý thức được thời đại của mình đã kết thúc, cho nên khi nói đến chiến dịch Waterloo, ông ta nói rằng: “Ta đã không còn niềm tự tin trước kia”. Có người cho rằng trước trận Waterloo, Napoleon có dấu hiệu về trí lực, thể lực suy yếu nghiêm trọng: “Hai mắt lờ đờ, bước đi loạng choạng, cử chỉ khó hiểu, tâm trạng thờ thẫn”.

Bằng chứng là trong trận Waterloo, nhiều lần thuộc cấp thấy Napoleon tinh thần suy sụp, mấy lần mệt mỏi buồn ngủ. Chính Napoleon từng thừa nhận: “Đây là do số mệnh đã định, bởi nếu kể về mọi nguyên nhân, trận đánh này, phần thắng phải thuộc về ta”.

Có lẽ tất cả các nhân tố cùng tác động, khiến cho Napoleon đành chịu thất bại thảm hại ở Waterloo. Ông ta đã mất cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngay cả Thống chế Ney cũng phạm sai lầm chiến lược, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt quân Anh. Các nhà sử học cho rằng, dù giải thích ra sao, Thống chế Ney không thể biện hộ được hành động gần như phản bội của mình trong chiến dịch này. Bản thân ông ta đã hai lần bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt quân Anh.

Trong chiến tranh cận đại, chỉ cần phạm một lần sai lầm như vậy, cũng không thể giành chiến thắng được. Thống chế Ney, kẻ đã hợp tác với kẻ thù của Napoleon trong thời gian Napoleon bị đi đầy ở đảo Elba. Khi biết tin Napoleon trở về Pháp, vua Louis XVIII cử Thống chế Ney đem quân đi bắt Napoleon. Vì tình thế, Thống chế Ney buộc phải theo binh lính hoan hô Hoàng đế Napoleon trở về.

Sai lầm lịch sử của Napoleon đã sử dụng Ney và bọn thuộc hạ của ông ta, một kẻ đã theo vua Louis, phản bội lại cách mạng. Chính điều này đã khiến cho Napoleon thất bại ở Waterloo. Cho dù Napoleon có đánh thắng ở Waterloo, nhưng với tướng lĩnh như Ney, ông cũng bị thất bại từ bên trong nội bộ quân đội của mình.

Còn nguyên nhân sâu xa, một mình nước Pháp với cuộc cách mạng của Napoleon nhằm lật đổ chế độ phong kiến không thể nào chống chọi lại toàn bộ châu Âu với các vị vua chúa luôn muốn duy trì quyền lợi của mình.

Ngoài chế độ hôn nhân ngoại giao, các vương thân quý tộc các nước lấy nhau. Khi có chiến tranh, đương nhiên hôn nhân ngoại giao sẽ phát huy tác dụng. Ở góc độ khác, giai đoạn này, sự bùng nổ của cách mạng Pháp có thể lan ra toàn cõi châu Âu nên các nước tìm mọi cách dập tắt ngọn lửa cách mạng.

Chính vì thế, Waterloo hay một địa danh bất kỳ nào đó cũng sẽ trở thành nổi tiếng khi nó chính là trận đánh cuối cùng của vị hoàng đế nước Pháp. Đây vẫn là đề tài mà các sử gia và các nhà nghiên cứu quân sự còn bàn luận và coi là một trong những nghệ thuật chiến tranh cũng như bài học mà nó để lại.

Sau thất bại ở Waterloo, tiếng Pháp có thêm một thành ngữ mới là “Les Anglais ont débarqué” có nghĩa là “Bọn Anh đến” để chỉ phụ nữ đến tháng vì đồng phục quân Anh khi đó là màu đỏ.

Hình 1,2,3: tranh miêu tả trận chiến.

Hình 4: áo giáp một lính Pháp bị trúng đạn.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/waterloo-a50791.html