Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Viêm gan B là bệnh phổ biến toàn cầu do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B là căn bệnh có khả năng lây truyền rất cao, có thể diễn biến cấp tính hoặc mãn tính và có hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.
Theo các kết quả nghiên cứu thì có đến 95% khả năng một người mẹ bị viêm gan B mạn tính sẽ lây truyền sang cho con mình trong quá trình mang thai và chuyển dạ nếu như không được dự phòng tốt.
Ngoài ra, nếu người mẹ bị viêm gan B mạn tính truyền virus cho con khi sinh thì khả năng đứa trẻ sẽ tiếp tục phát triển thành viêm gan B mãn tính là 90%. Đây là lý do vì sao việc chẩn đoán và theo dõi phụ nữ mang thai bị viêm gan B là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn chu kỳ viêm gan B mạn tính.
Trên thực tế, tất cả các bà mẹ mang thai đều nên được kiểm tra nhiễm viêm gan B mạn tính. Trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan B dương tính sẽ được tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B và huyết thanh kháng virus viêm gan B ngay khi chào đời để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh từ mẹ sang. Việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền viêm gan B xuống một cách đáng kể, chỉ còn xấp xỉ 5%. Không những thế, ngay cả các bà mẹ có tải lượng virus rất cao cũng có thể được điều trị trong thai kỳ để ngăn ngừa lây truyền cho thai nhi.
Dù cho khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là có thể xảy ra nhưng việc cho con bú bằng sữa mẹ vẫn được xem là an toàn nếu người mẹ bị bệnh viêm gan B vì virus viêm gan B không lây truyền qua sữa mẹ (bệnh chỉ có thể lây truyền nếu núm vú của người mẹ bị nứt hoặc chảy máu).
Bệnh viêm gan B có thể lây truyền qua tinh dịch và dịch âm đạo trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn. Đồng thời, khả năng lây truyền viêm gan B qua đường tình dục sẽ tăng lên nếu hành vi tình dục có gây tổn thương da, niêm mạc kèm theo hoặc đồng mắc với các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.
Máu có lượng HBV cao vì vậy nếu da hoặc niêm mạc của chúng ta bị xây xước mà tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. HBV cũng được tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch, sữa, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân, dịch mật nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương mà tiếp xúc với các dịch này thì cũng có thể bị lây nhiễm HBV.
Việc truyền virus cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
Nhiễm máu nhiễm bệnh: Nhiễm virus viêm gan B xảy ra trong quá trình y tế, phẫu thuật và nha khoa, thông qua hình xăm hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.
Quá trình xét nghiệm HbsAg sẽ giúp chẩn đoán chính xác có mắc bệnh viêm gan B hay không. Mặc dù khả năng lây nhiễm viêm gan B khá lớn thông qua đường máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con tuy nhiên, viêm gan siêu vi B không lây qua nước hay qua đường ăn uống chung hoặc tiếp xúc thông thường. Chính vì thế, việc ăn riêng và sinh hoạt riêng với người bệnh là không cần thiết.
Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B là phương pháp chủ động phòng ngừa khả năng mắc phải bệnh lý này, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như: nhân viên y tế, người sống cùng với thành viên trong gia đình có người dương tính với viêm gan B, người quan hệ tình dục với đối tác có dương tính với viêm gan B, người trước đây hoặc đang sử dụng ma túy, những người mắc bệnh gan mạn tính, người bị nhiễm vi rút viêm gan C, những người mắc bệnh thận ở giai đoạn cuối...
Hiện nay, tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B là cách dự phòng viêm gan B hiệu quả nhất, thúc đẩy hệ miễn dịch cơ thể chiến đấu với virus ngay cả khi đã phơi nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/viem-gan-b-man-tinh-co-lay-khong-a50707.html