Mật mía Thạch Thành – Ngọt ngào hương vị xứ Thanh

Có mặt tại thôn Lâm Thành, Thị trấn Kim Tân sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh: Những mẻ mật mới được người dân bày bán; Khắp nơi là những chồng mía xếp cao; Và bất cứ ai khi đến đây cũng bị lôi cuốn bởi mùi thơm quyến rũ tỏa ra từ mật mía.

Những cây mía ngọt lịm được trồng trên đất đỏ bazan là nguyên liệu chính để tạo ra mật mía - Đặc sản mang thương hiệu của xứ Thanh.

Mía được đưa vào máy ép.
Mía được đưa vào máy ép.

Nước mía sau khi qua bể lắng rồi mang đi nấu.
Nước mía sau khi qua bể lắng rồi mang đi nấu.

Quy trình làm mật mía phải trải qua 4 bước: Ép mía, đưa nước mía vào bể lắng, nấu mật và lọc lại.

Nấu mật là công đoạn công phu, phức tạp và mất thời gian nhất. Người dân ở đây còn gọi công đoạn này là cô mật. Khi cô mật phải chú ý vớt bọt liên tục và đều tay để mật trong, ko lẫn tạp chất và tránh cho màu mật bị xấu. Khi nấu phải giữ lửa cháy đều, mức nhiệt vừa phải, không được to cũng không được nhỏ quá.

Mật sau khi nấu xong còn được lọc lại 1 lần nữa.
Mật sau khi nấu xong còn được lọc lại để đảm bảo mật trong, không có bọt.

Anh Đỗ Văn Dương (thôn Lâm Thành, Thị trấn Kim Tân, Huyện Thạch Thành) - là người gắn bó với nghề làm mật mía hơn 30 năm nay, chia sẻ: “Để làm ra một mẻ mật ngon thì cần chọn được mía đủ tiêu chuẩn. Quy trình nấu đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ. Mật nấu xong thì phải trong vắt, không có cặn, sánh mịn và đặc biệt mật ngon thì để lâu không bị chua, vẫn giữ nguyên màu”.

Vụ nấu mật mía thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hằng năm. Vào giáp Tết, nhu cầu mua mật của người dân tăng cao, hầu như các hộ sản xuất đều phải tất bật làm việc từ 3-4h sáng đến 9-10h đêm, công suất vì thế cũng nhiều hơn. Hằng ngày, mỗi lò sản xuất được khoảng 1 tấn mật.

Người làm mật như những con ong chăm chỉ, cần mẫn, mỗi giọt mồ hôi của người thợ rơi xuống dường như được kết tinh thành những giọt mật ngọt cho đời.
Người làm mật như những con ong chăm chỉ, cần mẫn, mỗi giọt mồ hôi của người thợ rơi xuống dường như được kết tinh thành những giọt mật ngọt cho đời.

Nhắc đến mật mía, người ta thường nghĩ ngay đến mật mía Thạch Thành. Nói vậy là bởi mật mía nơi đây đặc sánh, màu sắc đẹp, bắt mắt và có một hương vị ngọt đặc trưng mà ít nơi đâu có thể sánh được. Sản phẩm cứ làm ra tới đâu lại có người đến mua tới đó.

Việc sản xuất mật mía đã góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế của xã. Hiện nay ở làng mật mía Lâm Thành còn hơn 20 lò nấu mật. Trong 1 vụ, lượng mía sản xuất của 1 lò trung bình vào khoảng 100 - 120 tấn, tạo ra công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho các hộ từ 200 - 250 triệu đồng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Thị trấn Kim Tân đã có kế hoạch để các hộ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiến tới xây dựng thương hiệu mật mía đạt OCOP 3 sao.

“Đẹp vàng son, ngon mật mỡ” quả không sai. Đồ ăn sẽ tăng phần ngon hơn, bắt mắt hơn khi được phủ thêm một lớp mật nâu sánh. Nhất là khi ăn bánh chưng, mật mía là thứ không thể thiếu. Hương vị của của bánh chưng hòa quyện vào vị ngọt thơm của mật mía tạo ra một sự quyến rũ mà không ai có thể cưỡng nổi.

Mật mía Thạch Thành ngày càng được biết đến nhiều hơn. Đặc sản mang hương vị xứ Thanh ấy theo các chuyến xe từ Bắc vào Nam rồi đến tay những người con xa quê, trên mâm cỗ tết, mâm cơm cúng gia tiên của mỗi gia đình.

Những giọt mật sáng mịn, ngọt ngào, thơm thoang thoảng như mang theo tấm lòng thơm thảo của người dân miền quê Thạch Thành, gửi đến bà con khắp mọi miền tổ quốc lời chúc mùa xuân mới ngọt ngào và đầm ấm./.

Khánh Huyền/ TTV

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/hinh-anh-mat-mia-a47528.html