6 cách điều trị bệnh tuyến giáp đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả

Các bệnh về tuyến giáp nếu không được điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng đối với người bệnh. Phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp rất đa dạng, từ chỉ định dùng thuốc cho đến can thiệp phẫu thuật, tùy vào tình trạng bệnh lý cụ thể. Bài viết dưới đây được bác sĩ CKI Phan Thị Thùy Dung, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tư vấn chuyên môn về các cách chữa bệnh tuyến giáp, chăm sóc sau điều trị và cách phòng ngừa bệnh.

cách điều trị bệnh tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp là gì?

Bệnh tuyến giáp là nhóm bệnh do sự rối loạn hormone của tuyến giáp. Khi tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone sẽ gây tình trạng cường giáp. Ngược lại, nếu hormone không sản xuất đủ để duy trì nhịp độ chuyển hóa bình thường của cơ thể sẽ dẫn tới suy giáp. Ngoài ra, còn có một số bệnh khác không liên quan đến rối loạn hormone tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, bướu giáp nhân lành tính.

Các bệnh tuyến giáp rất đa dạng, từ bướu giáp nhân lành tính ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho đến ung thư đe dọa tính mạng người bệnh. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao gấp 5 - 8 lần nam giới. Những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp, chế độ ăn thừa hoặc thiếu iod cũng có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn. (1)

Các bệnh tuyến giáp thường gặp

Tuyến giáp là cơ quan nội tiết quan trọng của cơ thể, có nhiệm vụ kiểm soát quá trình trao đổi chất thông qua sản xuất và bài tiết các hormone T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine). Khi chức năng của tuyến giáp không ổn định sẽ dẫn đến những bệnh lý như:

1. Suy giáp

Là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, khiến cho quá trình trao đổi chất của cơ thể bị chậm lại. Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto, một bệnh rối loạn tự miễn dịch gây suy giáp mạn tính. (2)

Các triệu chứng của suy giáp bao gồm: người mệt mỏi, có cảm giác sợ lạnh, tăng cân, yếu cơ, da và tóc khô, rối loạn kinh nguyệt, táo bón…

Suy tuyến giáp có thể gây rối loạn kinh nguyệt
Suy tuyến giáp có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng khả năng sinh sản.

2. Bệnh cường giáp

Tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và sản sinh nhiều hormone hơn mức cần thiết được gọi là cường giáp. Có nhiều nguyên nhân gây ra cường giáp, trong đó phổ biến nhất là bệnh Graves (Basedow). Biểu hiện đặc thù của người bệnh Graves là có bướu giáp lan tỏa, mắt lồi (thường gặp ở phụ nữ), phù niêm ở phần thấp xương chày.

Các triệu chứng của cường giáp bao gồm: giảm cân ngoài ý muốn, nhịp tim nhanh, tăng tiết mồ hôi, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, tiêu chảy…

3. Nhân lành tính tuyến giáp

Đây là bệnh thường gặp nhất trong các loại bệnh tuyến giáp. Nhân giáp là những khối hoặc nốt hình thành bên trong nhu mô tuyến giáp. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Khi nhân phát triển to lên, chèn ép các tổ chức xung quanh sẽ gây khó thở, khó nuốt. Nhân lành tính tuyến giáp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng làm giảm thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

4. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính do sự thay đổi và tăng sinh bất thường của tế bào tuyến giáp. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, chỉ tình cờ phát hiện khối u khi bệnh nhân siêu âm vùng cổ lúc khám sức khỏe hoặc khám bệnh khác, sau đó được chẩn đoán bằng các kỹ thuật như sinh thiết tế bào kim nhỏ, chẩn đoán mô bệnh học…

Ung thư tuyến giáp gồm 2 nhóm: ung thư tuyến giáp thể biệt hoá và ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá. Nhóm ung thư tuyến giáp thể biệt hoá thường tiến triển chậm, tiên lượng tốt. Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá thường tiến triển nhanh và di căn nhanh.

>>>Có thể bạn chưa biết: Phương pháp xét nghiệm FNA tuyến giáp hỗ trợ phát hiện bệnh gì?

Bệnh tuyến giáp có chữa khỏi được không?

Câu trả lời là có. Hầu hết các vấn đề về tuyến giáp đều có thể kiểm soát nếu được chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp đúng cách, kịp thời. Ví dụ người bệnh ung thư tuyến giáp có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy theo mức độ bệnh lý. Người bệnh sau đó cần duy trì uống các loại thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Các bệnh cường giáp, suy giáp có thể điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, hormone giáp thay thế… tùy theo tình trạng bệnh cụ thể.

Bên cạnh đó, có các loại bệnh rối loạn tuyến giáp tự giới hạn như bệnh viêm tuyến giáp sau sinh và viêm tuyến giáp bán cấp. Triệu chứng của các bệnh này có thể tự biến mất sau 12 - 18 tháng và chức năng tuyến giáp trở về bình thường. Tuy nhiên, viêm tuyến giáp sau sinh có thể tái phát ở những lần mang thai tiếp theo. (3)

Ung thư tuyến giáp diễn biến âm thầm
Ung thư tuyến giáp diễn biến âm thầm, người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện qua siêu âm vùng cổ khi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe.

Cách điều trị bệnh tuyến giáp thường gặp

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị bệnh tuyến giáp khác nhau. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng phổ biến nhất:

1. Đối với người bệnh cường giáp

1.1. Thuốc kháng giáp

Người bệnh cường giáp được chỉ định sử dụng thuốc kháng giáp Propylthiouracil và Methimazole. Các triệu chứng của bệnh sẽ dần biến mất sau khi sử dụng thuốc từ 6 - 8 tuần, tuy nhiên người bệnh cần được theo dõi và điều trị tiếp tục trong vòng ít nhất 1 năm đối với các trường hợp cường giáp do bệnh Basedow. (4)

1.2. Liệu pháp iod phóng xạ

Liệu pháp iod phóng xạ được sử dụng cho người bệnh tái phát cường giáp nhiều lần, hoặc để kiểm soát các triệu chứng ung thư tuyến giáp khi không thể loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư bằng phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ uống thuốc chứa iod phóng xạ (I-131) nhằm phá hủy các tế bào nhu mô tuyến giáp còn lại.

1.3. Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta không làm thay đổi chỉ số hormone tuyến giáp trong cơ thể nhưng có thể giảm các triệu chứng cường giáp như: nhịp tim nhanh, hồi hộp trong giai đoạn đầu của bệnh cường giáp. (5)

2. Đối với người bệnh bướu nhân giáp

2.1. Đốt sóng cao tần RFA

Đốt sóng cao tần RFA là kỹ thuật sử dụng nhiệt độ từ dòng điện cao tần để phá vỡ khối u thông qua điện cực dạng kim. Đây là cách điều trị bệnh tuyến giáp hiện đại được sử dụng phổ biến hiện nay, với các ưu điểm: thực hiện nhanh chóng, tỉ lệ thành công cao, giảm thiểu nguy cơ biến chứng và đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh. Phương pháp này không đòi hỏi gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ.

Tuy nhiên, với người bệnh có khối u quá lớn hoặc khối u nằm gần các mạch máu chính thì đốt sóng cao tần RFA không phải là phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp phù hợp.

2.2. Điều trị bằng phẫu thuật nội soi qua đường miệng

Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành rạch các đường nhỏ trên khoang miệng của người bệnh để đưa thiết bị nội soi vào tiếp cận với tuyến giáp. Ưu điểm của cách chữa bệnh tuyến giáp này là tỉ lệ chính xác cao, an toàn, ít đau đớn, thời gian phục hồi nhanh. Điều trị bệnh tuyến giáp bằng phẫu thuật nội soi qua đường miệng là kỹ thuật phức tạp và cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao, có trang thiết bị hiện đại.

2.3. Can thiệp phẫu thuật

Can thiệp phẫu thuật tuyến giáp được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư tuyến giáp, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn. Bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, tuỳ thuộc vào kích thước, giai đoạn và quá trình xâm lấn của khối u. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể uống thuốc hormone tuyến giáp (thyroxine) hàng ngày kéo dài đến suốt đời.

Ekip phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ekip phẫu thuật điều trị bệnh tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Cách chăm sóc bệnh nhân sau điều trị bệnh tuyến giáp

Chăm sóc sau điều trị bệnh tuyến giáp bằng phẫu thuật có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp tăng tốc độ hồi phục mà còn hạn chế các biến chứng xảy ra.

1. Chăm sóc vết thương sau mổ

Vết mổ tuyến giáp thường có độ dài dưới 10cm và sẽ liền lại sau vài tuần. Trong thời gian đó, người bệnh nên giữ vết mổ khô ráo, chỉ nên làm sạch vùng da này bằng nước muối sinh lý hoặc povidine pha loãng, không nên chà xát mạnh làm trầy xước. Đặc biệt người bệnh không nên bôi bất kỳ loại thuốc nào ngoài chỉ định của bác sĩ.

Nếu vết thương có dấu hiệu bất thường như tiết dịch, chảy máu, nhiễm trùng,… người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế chuyên khoa.

2. Vận động

Sau phẫu thuật khoảng 4 - 5 ngày, người bệnh có thể vận động bình thường nhưng cần hạn chế mang vác vật nặng, hoạt động quá sức gây căng vùng cổ.

3. Chế độ ăn uống

Thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng. Nên ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt, uống nhiều nước và hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. (6)

4. Bổ sung hormone tuyến giáp

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp và chỉ định dùng các loại thuốc hormone giáp tùy tình trạng bệnh cụ thể. Lưu ý, đối với bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp cần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ suốt đời.

5. Bổ sung canxi cùng với Vitamin D

Sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tuyến cận giáp, nồng độ canxi trong máu có thể giảm xuống, kèm các triệu chứng: chuột rút, ngứa ran ở tay, chân và xung quanh môi. Người bệnh sẽ được kê một số loại thuốc bổ sung canxi và vitamin D như: Calcitriol, Caltrate+D,…

Cách phát hiện sớm bệnh tuyến giáp

Khi xuất hiện các biểu hiện bất thường ở vùng cổ hoặc bất cứ vấn đề sức khỏe nào, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và tư vấn cụ thể. Khám sức khỏe định kỳ và có lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát stress là những thói quen tốt giúp phòng ngừa và phát hiện sớm nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh tuyến giáp.

Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến các rối loạn hormone tuyến giáp là thiếu iod. Chất này giúp kích thích sản sinh các nội tiết tố quan trọng, ngăn hình thành các khối u tuyến giáp. Cơ thể không thể tự tổng hợp được iod mà phải bổ sung qua đường ăn uống. Tuy nhiên, việc bổ sung thực phẩm có chứa iod (như rong biển, hải sản…) cần có mức độ vừa phải để tránh dư thừa. Bên cạnh đó, nên tăng cường trái cây tươi, rau xanh, các thực phẩm có chứa vitamin nhóm B, vitamin E, Omega-3, selen trong thực đơn hàng ngày như: cá hồi, thịt bò, các loại hạt, hàu, phô mai…

Địa chỉ thăm khám, điều trị bệnh tuyến giáp đáng tin cậy

Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị chuyên khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu các bệnh lý tuyến giáp và đái tháo đường, rối loạn nội tiết tố, các bệnh nội tiết liên quan đến tuyến yên… Khoa có đội ngũ nhân lực là các chuyên gia, bác sĩ vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại từ châu Âu hỗ trợ chẩn đoán chính xác, cụ thể, giúp người bệnh điều trị bệnh tuyến giáp hiệu quả, an toàn và nhanh chóng hồi phục.

Trên đây là các thông tin về những phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp hiệu quả, cách chăm sóc người bệnh sau điều trị và phòng ngừa bệnh. Người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về các loại thuốc điều trị, kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh và theo dõi định kỳ thường xuyên để ổn định sức khỏe.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/cach-dieu-tri-a47114.html