Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân với các tác phẩm nổi tiếng như “Sống như Anh”, “Người tử tù khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”...
Ông bắt đầu làm báo Cứu quốc từ năm 1949, rồi năm 1964 vào miền nam để xây dựng báo Giải phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam), sau đó công tác tại báo Đại đoàn kết cho đến khi nghỉ hưu năm 1995. Với 98 năm tuổi đời, 76 năm son sắt với nghề báo, nhà báo Thái Duy là cây bút nổi bật trong hàng ngũ những nhà báo cách mạng tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới.
Nhà báo Thái Duy. (Ảnh: daidoanket.vn)Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Thái Duy luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất. Thời kỳ làm Báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc, ông tham gia hầu hết các chiến dịch lịch sử và có mặt ở ngay trận địa suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1964, từ tòa soạn Báo Cứu Quốc ở Hà Nội ông vượt Trường Sơn vào Nam.
Thời kỳ làm Báo Giải Phóng giữa chiến trường miền Nam chính là giai đoạn ông đã viết "Sống như Anh", cuốn sách viết về cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Tháng 3/1965, Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trong số các đại biểu có chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (cũ) mang ra miền Bắc qua đường hàng không từ Phnom Penh (Campuchia). Bản thảo được Bác Hồ khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác đề tựa. Từ cái tên ban đầu là "Những lần gặp gỡ cuối cùng", Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành "Sống như Anh" được đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965. "Sống như Anh" được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản.
Thái Duy là nhà báo luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của nhân dân; là người luôn bám sát thực tiễn. Chính vì bám sát thực tiễn nên ông sớm phát hiện được những cái mới và những bất ổn trong cuộc sống. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc đặt ra trong đời sống xã hội giữa những năm đất nước thực hiện chế độ bao cấp, cùng những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân. Trong đó, đề tài được ông theo đuổi nhiều nhất là "khoán chui" trong nông nghiệp được xuất hiện đều đặn trên Báo Đại Đoàn Kết là thời điểm "đêm trước của Đổi mới".
Nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo viết về vấn đề này như: "Một cuộc cách mạng", "Ngọn gió Hải Phòng", "Phá thế độc canh ở Thái Bình", "Cơ chế mới, con người mới", "Khoán chui hay là chết"… Những bài báo ấy đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp đi từ Chỉ thị 100 đến Khoán 10, sau này được tập hợp in thành sách "Khoán chui hay là chết" (NXB Trẻ xuất bản năm 2013). Vấn đề khoán trong nông nghiệp (trước đó phải "xé rào" làm chui) đã trở thành chủ trương lớn, cổ vũ cho sự thắng lợi của cái mới trong thực tiễn mà còn cho thấy tâm huyết, tầm nhìn sáng suốt, công lao của lãnh đạo Đảng đối với nông dân, nông nghiệp. Đây được xem là thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp làm báo của nhà báo Thái Duy.
Sự độc đáo của nhà báo Thái Duy là từ ngày vào Báo Cứu Quốc năm 1949 đến nghỉ hưu 1995 vẫn chỉ làm cho một cơ quan báo chí. Mặc dù rất nổi tiếng và có nhiều thành tích, ông chỉ có một chức danh là phóng viên; chỉ trung thành với sự thật và lợi ích của nhân dân. Ông nói trong buổi tọa đàm ra mắt bộ phim "Thái Duy: Sống và viết" (Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức) rằng: "Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi!".
Cả cuộc đời ông chỉ làm phóng viên. Sống và viết như ông - nhà báo Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước. Vinh quang của ông không thuộc về những phần thưởng, những chức vụ mà là tất cả những gì mới mẻ, tốt tươi không ngừng nẩy nở cho cuộc đời này./.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/thao-duy-a46595.html