Đã gần hai thế kỷ trôi qua, cái chết đột ngột của Sa hoàng Nga Alexander I vẫn là một ẩn số lớn, với nhiều giả thuyết cho rằng, ông chết vì bệnh hoang tưởng, vì mắc bệnh sốt Rickettsia, bị ám sát nên quan tài khi khâm liệm luôn được đóng kín, và sau đó là sự xuất hiện của một nhân vật giống ông như đúc…
Chân dung Sa hoàng Alexander I.Sa hoàng Nga Alexander I, tên thật là Alexander Pavlovich (sinh ngày 23-9-1777) lên ngôi trị vì từ ngày 23-3-1801 đến ngày 1-9-1825. Ông cũng là vua Ba Lan từ năm 1815 đến 1825, người Nga đầu tiên làm Đại Công tước xứ Phần Lan và Litva.
Ông là con trưởng trong 4 người con của Sa hoàng Pavel I và Hoàng hậu Maria Feodorovna. Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo nước Nga chiến thắng đế quốc Ottoman, Thụy Điển và đặc biệt là chiến thắng oanh liệt trước Hoàng đế Pháp Napoleon vào năm 1812, người dân Nga nói riêng và châu Âu nói chung đã tôn vinh ông là một trong những người hùng, có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu thời đó.
10 năm sau, Alexander I đã nhiều lần thú nhận với người thân trong gia đình rằng ông muốn thoái vị và lui về một nơi heo hút, yên tĩnh nào đó ở ẩn. Ông bắt đầu quan tâm nhiều đến tôn giáo, thường triệu vào cung các linh mục, ẩn sĩ và cả những thầy bói hành nghề tự do để đàm đạo với họ hàng giờ liền. Theo các sử gia Nga thì Sa hoàng Alexander I đã đi đến quyết định thoái vị năm 1825 và đã có những bước chuẩn bị cho kế hoạch này trong bí mật.
Mùa hè năm 1825, Alexander I khuyên vợ là Hoàng hậu Elizabeth Alexeyevna đang đau ốm liên miên nên chuyển đến nơi khác, tránh xa kinh thành St. Petersburg hoa lệ và náo nhiệt. Ông chọn điểm đến là thành phố cảng Taganrog thuộc địa hạt Rostov bên bờ biển Azov, nơi có khí hậu miền nam ôn hòa, có thể khiến bà phục hồi sức khỏe. Đề nghị này của ông tức thì được Elizabeth Alexeyevna thuận theo.
Hoàng hậu Elizabeth Alexeyevna.Đầu tháng 9 cùng năm, Alexander I đã thân chinh đến Taganrog để "thị sát" và mọi thứ được Sa hoàng thực hiện rất bí mật, chỉ có vài người thân cận được đi cùng. Sau vài tuần chuyển đến Taganrog, bệnh tình của hoàng hậu Elizabeth Alexeyevna thuyên giảm rõ rệt. Tin vui vừa bay về kinh thành thì tiếp ngay sau là hung tin Sa hoàng lại mắc bệnh cảm nặng, sức khỏe suy sụp nhanh chóng khiến các danh y của triều đình cũng không ngờ.
Vào ngày 19-11-1825, một hung tin gây chấn động nước Nga: Sa hoàng Alexander I tạ thế khi mới 48 tuổi. Ngày hôm sau, thi hài đức vua vừa băng hà được chuyển về kinh đô St. Petersburg, quàn tại Thánh đường Kazan. Cỗ quan tài kín mít ngự ở đấy suốt cả 7 ngày liền, nhưng khác hẳn với các nghi thức quốc tang truyền thống dành cho Sa hoàng: không một ai được phép, kể cả những người thân thích nhất với Sa hoàng - dù chỉ trong khoảnh khắc - hé nắp áo quan nhìn mặt Alexander I lần cuối. Vì sao vậy?
Nghi vấn đầu tiên tập trung vào khả năng Alexander I bị tay chân thân tín với người sắp được thừa kế ngai vàng ám hại, y hệt mưu đồ của ông ta khi còn là Hoàng tử Alexander, đã lập kế hoạch giết vua cha là Sa hoàng Pavel I (1754-1801) để đoạt ngôi báu hơn 2 thập niên trước.
Ẩn sĩ F. Kuzmich - hiện thân của Alexander I lúc về già?Một bằng chứng nữa củng cố giả thuyết này: Lúc còn tại vị, Alexander I từng nhiều lần kín đáo đề cập với đám cận thần về một hiểm họa rất có thể ông sẽ bị đầu độc. Khi ấy khắp kinh thành St. Petersburg lan truyền ba tin đồn: thứ nhất, thể theo đòi hỏi ráo riết từ phía thân quyến Hoàng gia, nắp quan tài đã được mở ra, nhưng ngay cả thân mẫu của Sa hoàng Alexander I là Thái hậu Maria Feodorovna cũng không thể nhận ra nổi khuôn mặt quen thuộc của ông.
Thứ hai, theo thông báo, trước khi băng hà, Sa hoàng đột ngột mắc bệnh, nhưng tại sao trong 10 bác sĩ được mời đến chữa, chỉ hai người ký tên vào bệnh án?
Còn tin đồn thứ ba ly kỳ hơn cả: Một người lính gác bên ngoài dinh thự Sa hoàng ở Taganrog kể rằng, đêm trước khi có tin Alexander I băng hà, anh ta trông thấy một người đàn ông vóc dáng cao lớn nhảy vọt ra khỏi cửa sổ phòng nhà vua, vội vã biến mất vào trong đêm tối.
Người lính này nói rằng chính mắt anh ta chứng kiến, nhưng viên sĩ quan chỉ huy của anh ta lại cười khẩy: "Anh có điên không đấy, Sa hoàng của chúng ta nằm trong quan tài và đang chuyển về St. Petersburg". Bình luận quanh tin đồn này, có người bạo miệng cho rằng bên trong quan tài chẳng có gì, còn vị vua xấu số này đã bị giết hại và mai táng trước đó vài ngày. Viên Công sứ Anh tại Nga cũng nói đã trông thấy Alexandr I lên một chuyến tàu thủy. Thế còn người nằm trong quan tài là một kẻ vô danh tiểu tốt nào đấy chứ không phải là vị Sa hoàng quyền uy?
Mối nghi ngờ càng tăng cao khi người ta được biết, trước khi Alexander I băng hà không lâu, tại hải cảng Taganrog, có một vị bá tước bị thất sủng tên là Maskov lìa đời. Maskov vốn là một người tinh thông các chiến lược quân sự kinh điển; điều đặc biệt hơn nữa là viên Bá tước Maskov này lại trông giống Sa hoàng Alexander I như hai giọt nước, nhiều người trong vùng Rostov còn lầm tưởng và ngỡ ông ta là… Sa hoàng "vi hành".
Giữa lúc này ở St. Petersburg bắt đầu diễn ra cuộc tranh giành quyền kế vị ngai vàng vô cùng khốc liệt. Do Alexander I không có con nối dõi, mặc nhiên quyền thừa kế ngôi báu được chuyển qua người em trai thứ là Đại công tước Konstantin Pavlovich nhưng bà Joanna Grudzinska, vợ của K. Pavlovich lại không thuộc dòng dõi Hoàng tộc, bởi vậy Đại công tước đành âm thầm khước từ quyền kế vị khi Sa hoàng Alexander I còn sống. Như vậy, người em áp út là Hoàng tử Nicholas sẽ được chọn thừa hưởng ngôi báu với tước hiệu là Nicholas I.
Cảnh cử hành tang lễ Alexander I tại kinh thành St. Petersburg.Không hiểu sao ngay sau khi tin đức Vua Alexander I băng hà được công bố, tức thì dọc theo cửa kính mặt tiền các tòa nhà lớn ở kinh thành St. Petersburg xuất hiện nhan nhản chân dung của "Sa hoàng mới - Konstantin I"; còn giới kinh doanh vốn nhạy bén thì nhanh chóng tung ra loại tiền xu có khắc chân dung vị "Hoàng đế mới của nước Nga". Đây là thời kỳ "trống vắng quyền lực tối thượng" xen lẫn những mưu mô tranh chấp dai dẳng khiến cả kinh đô nước Nga chìm ngập trong bầu không khí ngột ngạt căng thẳng…
Bất thình lình Hoàng tử Nicholas đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn "quá độ", chẳng cần đếm xỉa tới văn bản "chấp thuận nhường quyền kế vị" chính thức từ người anh Konstantin, Hoàng tử Nicholas đã tự quyết định cử hành lễ đăng quang.
Sau này, Sa hoàng Nicholas I (1796-1855) là nhà quân chủ khét tiếng bạo tàn ở châu Âu, người khởi đầu vương quyền kéo dài suốt 3 thập niên của mình song hành với việc đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp cũng như luôn truy bức gắt gao giới trí thức Nga có quan điểm cấp tiến. Về mặt đối ngoại, Nicholas I nổi lên qua vai trò "sen đầm châu Âu": tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Ba Lan (1830-1831) và cuộc cách mạng Hungary (1848-1849)…
10 năm sau cái chết của Sa hoàng, tin đồn Alexandr I vẫn còn sống lại rộ lên, từ việc có một tu sĩ già, dáng dấp cao quý tự xưng là Feodor Kuzmich, gương mặt rất giống Alexander I, xuất hiện ở vùng Tomsk thuộc Siberia cách xa kinh thành St. Petersburg hàng nghìn cây số.
Ông này có thói quen khi trò chuyện thường cho ngón tay cái vào giữa dây thắt lưng hệt như Sa hoàng Alexander I, đến mức một người lính già khi đối mặt với nhân vật bí ẩn này phải thốt lên kinh ngạc: "Đây chính là Sa hoàng của chúng ta". F. Kuzmich còn tỏ ra am hiểu chính sự, biết rõ chiến công đánh bại đạo quân Napoleon của Thống chế Kutuzov, có thể nêu tên những người thân cận của Sa hoàng. Có thời gian ông này hay nhận được tiền và quà của một phụ nữ tên là Maria Fedorovna (trùng tên với thái hậu, mẹ của Alexander I).
Ngoài ra, cô gái mồ côi mà Kuzmich nuôi lại rất giống con của Alexander I với tình nhân. Khi người xung quanh muốn mai mối cho cô, người cha nuôi dứt khoát từ chối, nói với cô rằng với thân phận cao quý, sau này phải cưới một người trong hoàng tộc hoặc ít ra là một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Và sau này quả đúng như vậy, cô gái thường được cha nuôi dẫn đến gặp các gia đình quý tộc.
Điều đáng nói hơn, tuy F. Kuzmich luôn tế nhị thoái thác mọi chuyện đề cập tới quá khứ của bản thân, nhưng qua các cử chỉ cùng điệu bộ của ông lão đều toát lên phong thái cao quý. Vị ẩn sĩ này rất am tường lối sống thượng lưu chốn kinh kỳ, thậm chí còn rành rẽ về đời tư cùng thói quen của một vài nhân vật quyền thế trong triều đình nữa.
Mặt khác, F. Kuzmich rất tinh thông pháp luật và biết nhiều ngoại ngữ, tri thức của ông chứng tỏ ông là một cá nhân thừa hưởng nền giáo dục hoàn hảo, một đặc điểm nổi bật của giới tầng lớp đại quý tộc thời ấy.
Tin đồn lan khắp vùng Siberia buộc cảnh sát phải vào cuộc, tiến hành bắt giữ và thẩm vấn vị ẩn sĩ đáng ngờ này nhưng sau đó họ phải thả ra vì không có căn cứ. Sau một thời gian dài, F Kuzmich chu du nhiều nơi rồi qua đời vào năm 1864. Nếu giả thuyết, ẩn sĩ F. Kuzmich là Hoàng đế Alexander I thì ông đã hưởng thọ 87 tuổi, trừ những năm quyền bính, ông đã sống ẩn dật trong suốt 40 năm.
Lúc hấp hối, vào đầu tháng 1-1864, vị tu sĩ già F. Kuzmich có để lại một vài cuốn vở viết theo dạng "mã hóa", cùng lời trăng trối rằng "chúng sẽ giúp khám phá cuộc đời tôi". Nhưng không một ai có thể đọc nổi những cuốn vở ấy, bởi chẳng thể biết được cách giải mã chúng.
Khi tiến hành so sánh chữ viết của 2 người đã khuất, người ta vô cùng kinh ngạc khi nhận thấy nét chữ của Sa hoàng "chết non" Alexander I hoàn toàn trùng khớp với chữ viết của vị ẩn sĩ vô danh. Biết tin ông mất, một bác sĩ từng phục vụ trong triều, chữa bệnh cho Alexander I trước kia, nói: "Sa hoàng thật sự đã băng hà". Vị bác sĩ này bao năm qua không bao giờ cầu nguyện cho Sa hoàng vào các ngày giỗ, mà chỉ làm việc đó vào ngày Kuzmich chết.
Còn thêm điều này nữa: Vì cớ gì mà 2 vị Sa hoàng Nga kế tiếp nhau là Alexander II (1818-1881) và Nicholas II (1868-1918) đều không quản ngại đường sá xa xôi đến tận vùng Tomsk hẻo lánh thăm ẩn sĩ F. Kuzmich - lần lượt trong các năm 1837 và 1893. Phải chăng giữa họ tồn tại mối quan hệ huyết thống ràng buộc?
Ẩn sĩ F. Kuzmich thậm chí còn được giáo hội Chính thống Nga phong là một vị thánh. Trên bia mộ ông tạc dòng chữ: "Nơi đây yên nghỉ Sự lựa chọn của Thượng đế Feodor Kuzmich" - "Sự lựa chọn của Thượng đế" chính là danh hiệu của Aleksander I khi chiến thắng Hoàng đế Pháp Napoleon.
Đúng 100 năm sau ngày mất của Sa hoàng Aleksander I, vào năm 1925, một cuộc khai quật được tiến hành tại nghĩa trang Pháo đài Peter và Paul Fortress dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa Liên bang Xôviết và Viện Hàn lâm khoa học. Tất cả mọi người một lần nữa đều kinh ngạc vì trong lòng huyệt mộ trống không!
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/alexander-i-a44274.html