Một góc Hoa Tây (Ảnh: CFP)
Điều đặc biệt ở Hoa Tây là sự giàu có và phong cách quản lý đặc trưng “xã hội chủ nghĩa”. Làng là tập hợp khoảng 400 gia đình giàu lên nhờ hai ngành dệt may và cán thép.
uy nhiên, ở thời hiện đại, khi công ty của làng đã lên sàn chứng khoán thì đòi hỏi về sự minh bạch chứng từ thu chi và những biến động trong nền kinh tế Trung Quốc và thế giới khiến ngôi làng giàu nhất Trung Quốc cũng phải thay đổi.
Việc đầu tiên là công bố bảng cân đối kế toán, công khai thu chi. Theo công bố này, các ngành mới như tài chính và vận tải thủy đã trở thành thu nhập chính của làng Hoa Tây và Thiên hạ đệ nhất thôn của Trung Quốc đang dần rút khỏi các ngành truyền thống là dệt may và cán thép, vốn đem lại sự giàu có cho cư dân của làng.
Chính dệt may và cán thép đã giúp mỗi hộ gia đình trong làng Hoa Tây có biệt thự 10 phòng ngủ, hai xe hơi và ít nhất 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng. Nhưng nay thời thế đã khác.
Công ty TNHH Hoa Tây, niêm yết trên sàn chứng khoán Thẩm Quyến, vừa công bố báo cáo thường niên vào ngày 13/1 nói rằng họ ước tính trong năm 2015, lợi nhuận ròng của công ty tăng 40 - 50%. Đa số cổ phiếu của công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoa Tây, tức là xí nghiệp sản xuất làng Hoa Tây.
Các số liệu từ công ty cho thấy làng Hoa Tây nay đang chuyển đổi cơ cấu, thoát ly dần những ngành công nghiệp truyền thống như thép hay sợi hóa học, từng là hai ngành chủ chốt mang lại lợi nhuận. Các lĩnh vực mới gồm tài chính, vận tải thủy đều có tỷ trọng lợi nhuận cao cho dù thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong nửa cuối năm 2015.
Làng Hoa Tây từ lâu được xem là một hình mẫu thoát nghèo và tiến lên giàu có, là ước mơ của rất nhiều người Trung Quốc. Người ta nói nhập tịch Hoa Tây còn khó hơn nhập tịch Hoa Kỳ. Tất nhiên, ngôi làng này không giống với bất cứ làng nào ở Trung Quốc. Những ngôi biệt thự ngăn nắp, đều tăm tắp làm nền cho một tòa nhà chọc trời cao 328m, những công viên xanh mát, một bản sao cổng Khải Hoàn Môn của Pháp, những tượng đài Chủ tịch Mao Trạch Đông và các lãnh đạo kỳ cựu của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mỗi năm có hơn 2,5 triệu du khách đổ tới Hoa Tây, cố tìm hiểu vì sao làng này lại thành công, lại giàu có đến vậy. Cổ tức của dân làng trong Tập đoàn Hoa Tây được trả một phần bằng tiền mặt, một phần được tái đầu tư vào các xí nghiệp của làng. Tính ra mỗi gia đình của làng đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào các công ty, xí nghiệp sản xuất thuộc tập đoàn Hoa Tây.
Tính đến nay đã gần 3 năm kể từ khi ông Ngô Nhân Bảo, “cha đẻ” của làng Hoa Tây và các ngành sản xuất ở đây, qua đời. Bí thư Ngô mất tháng 3/2013 và sau khi ông qua đời cũng là thời điểm những ngày vàng của ngành thép, sợi tổng hợp và nhiều ngành công nghiệp truyền thống ở Trung Quốc qua đi.
Nhiều ngành thậm chí lâm vào khó khăn. Cũng có nhiều dự doán rằng sự thịnh vượng của làng Hoa Tây sẽ biến mất dần cùng với những khó khăn của các ngành công nghiệp truyền thống và những cổ đông có ít cổ phần sẽ có nhiều lý do để phàn nàn trong các hội nghị cổ đông.
Du khách chiêm ngưỡng con trâu đúc bằng một tấn vàng ròng ở làng Hoa Tây (Ảnh: CFP)
Cũng có nhiều người băn khoăn, làng Hoa Tây sẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế ra sao, có đảm bảo được sự thịnh vượng cũ hay sẽ mai một dần. Bí thư Ngô Hiệp Ân (con trai cựu Bí thư Ngô Nhân Bảo) nhậm chức năm 2003 với hai vai Bí thư Hoa Tây thôn và Chủ tịch Tập đoàn Hoa Tây cho dù ông Ngô Nhân Bảo vẫn đứng đằng sau làm “thái thượng hoàng”, chỉ đạo từ “trong rèm”.
Mặc dù Ngô Hiệp Ân là con út và trên ông còn có ba anh trai nhưng ông Ngô Nhân Bảo vẫn chọn Ngô Hiệp Ân làm người kế vị vì cho rằng người con út có đủ phẩm chất để “làm ra tiền”.
Và với kỳ vọng của người cha, Ngô Hiệp Ân đã đưa ra một kế hoạch cải tổ, chuyển đổi dần từ các ngành công nghiệp truyền thống sang lĩnh vực tài chính, kho vận và vận tải thủy.
“Quá trình chuyển đổi cần diễn ra sớm và nhanh chóng. Nó phải diễn ra khi tình thế vẫn còn tốt và các xí nghiệp sản xuất vẫn còn nhiều động lực. Sẽ là một câu chuyện khác nếu chúng ta rơi vào tình thế buộc phải thay đổi do yêu cầu cấp bách của thực tế và khi các cơ sở sản xuất đã mất hết động lực”, Ngô Hiệp Ân đã nói vậy từ khi mới nhậm chức.
Xin nói thêm, chính Bí thư Ngô Hiệp Ân là người chủ trương xây tòa tháp - khách sạn cao 328m. Và cho đến nay, các xưởng thép và nhà máy sợi tổng hợp đang được xóa bỏ dần khỏi khu công nghiệp của làng và dần giảm tỷ trọng, hoặc bị xóa bỏ hoặc phải nâng cấp. Các số liệu cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2015, hoạt động tài chính, vận tải thủy và du lịch đóng góp 65% lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Tây, phần còn lại là hoạt động cán thép, sợi tổng hợp và dệt may. Theo kế hoạch của lãnh đạo tập đoàn, tỷ trọng thép - dệt may sẽ còn giảm thêm 30% trong vòng 3 - 5 năm tới.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/thon-lap-duc-trung-quoc-a43704.html