Pà Thẻn thuộc nhóm dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (tỉnh Hà Giang) và các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang). Nét văn hóa đặc sắc nhất của người Pà Thẻn có thể kể tới nghi lễ nhảy lửa, kéo chày, các làn điệu dân ca và nổi bật là bộ trang phục sặc sỡ của người phụ nữ.
Màu đỏ trong trang phục phụ nữ Pà Thẻn được ví như màu của con chim lửa, màu của ánh sáng. Kết hợp với màu đỏ là những tấm vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... Trang phục của phụ nữ Pà Thẻn bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ giới thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ.
Giống như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn cũng dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Chiếc yếm này có hình vuông, thêu hoa văn màu đỏ, màu vàng xen lẫn những đường kẻ trắng làm tôn thêm vẻ sặc sỡ của thân áo ngoài.
Thiếu nữ Pà Thẻn (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) trong trang phục truyền thống.Chị Lý Thị Toàn, cán bộ văn hóa xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Để làm bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Pà Thẻn phải thêu dệt khoảng hơn một năm. Việc học nghề còn tùy vào sự khéo tay của từng người, song thông thường mất khoảng hơn một tháng là phụ nữ Pà Thẻn có thể thêu, dệt cơ bản. Để làm nên những họa tiết hoa văn trên trang phục phụ nữ Pà Thẻn rất khó và tốn thời gian”.
Được biết, những năm gần đây, huyện Lâm Bình tổ chức nhiều cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách.
Ngoài kinh nghiệm của các bà, mẹ chỉ bảo tại nhà, nhiều bạn trẻ còn được theo học tại các lớp học, hướng dẫn các em thực hiện thành thạo nghề dệt, rèn kỹ năng thêu và cho ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp, chất lượng tốt. Trong đó, các phụ nữ Pà Thẻn xã Hồng Quang luôn tham gia tích cực và đạt được nhiều giải thưởng về thi dệt trang phục truyền thống dân tộc trong huyện Lâm Bình.
Chị Lý Thị Toàn bày tỏ: "Các tổ chức đoàn thể xã Hồng Quang đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích chị em phụ nữ Pà Thẻn mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, tết, đám cưới... Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề thêu, dệt, mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Pà Thẻn nói riêng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình”.
Bài và ảnh: TRỌNG ĐẠT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/trang-phuc-nguoi-israel-a41533.html