Doanh nghiệp

iPOS.vn vừa công bố Báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023. Đây là dự án nghiên cứu chuyên sâu thường niên do iPOS.vn phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) và Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B Việt Nam thực hiện.

Báo cáo được xây dựng sau khi nghiên cứu gần 3.000 nhà hàng/quán café cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc, kết hợp phỏng vấn chuyên sâu gần 100 chuyên gia F&B (ngành dịch vụ ẩm thực và đồ uống) tại Việt Nam.

NGÀNH F&B NGƯỢC DÒNG THOÁT KHÓ

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn cho rằng 2023 là năm đầy thách thức với ngành F&B tại Việt Nam nhưng nhờ có tiềm năng và tác động tích cực gián tiếp bởi du lịch nên doanh thu dịch vụ ẩm thực khởi sắc hơn.

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, số lượng nhà hàng/café tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó.

Mức tăng trưởng được đánh giá là khá thấp so với dự đoán vào đầu năm 2023, do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ và chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các doanh nghiệp lớn.

Năm 2023 cũng chứng kiến một số các "ông lớn" rời bỏ mặt bằng có vị trí đắc địa như Golden Gate, Phúc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee… nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, loại bỏ các chi nhánh không hiệu quả.

Trái nghịch với sự đuối sức của nhiều "ông lớn", thị trường đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong việc mở rộng kinh doanh đến từ các mô hình quán nhỏ, kiosk bán hàng... do ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ẩm thực ăn theo xu hướng (trend). Ngoài ra, một số "tay chơi" mới, với tiềm lực tài chính mạnh cũng nhân cơ hội để mở rộng kinh doanh với các mặt bằng kinh doanh đắc địa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh nhà hàng trung và cao cấp, không chỉ bởi số lượng gia tăng tương ứng của nhóm khách hàng trung lưu mà còn từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam.

Doanh thu ngành F&B khởi sắc so với vùng đáy 2021. 
Doanh thu ngành F&B khởi sắc so với vùng đáy 2021.

Đáng chú ý, báo cáo của iPOS.vn cho thấy trong giai đoạn 2021-2023, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam phục hồi nhanh chóng từ mức đáy của năm 2021. Theo đó, doanh thu thị trường ăn ngoài năm 2023 hồi phục sát mốc trước dịch Covid-19, đạt 538,5 nghìn tỷ đồng.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, trong gần 3.000 đơn vị tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần; trong số đó có 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô.

Dựa trên kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách, báo cáo cũng chỉ ra chi tiêu của người dân có sự tăng trưởng nhẹ. Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%.

Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100.000 đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022. Đồng thời, mức tiêu dùng cho việc đi café của người Việt cũng tăng nhẹ, với 59,5% thực khách sẵn sàng chi tiêu trên 41.000 đồng cho hoạt động này.

ĐẨY MẠNH SỐ HOÁ, 50% DOANH NGHIỆP BÁN ĐỒ ĂN TRỰC TUYẾN ĐẠT DOANH THU CAO

Cũng theo báo cáo của iPOS.vn, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Hình thức chuyển khoản/quét mã QR thống trị với 61,4% người dùng, theo sau đó là ví điện tử (11,8%) và thẻ ngân hàng/ thẻ tín dụng (7,2%). Hình thức thanh toán NFC tuy mới ra mắt gần đây nhưng cũng thu hút 1,1% người dùng lựa chọn.

"Xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và doanh nghiệp như tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí. Thanh toán không tiền mặt hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam", đại diện iPOS.vn nhận định.

Về thị trường giao đồ ăn trực tuyến, quy mô năm 2023 đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20,18% năm 2022 và gấp 3,5 lần thời kỳ trước dịch. Điều này cho thấy thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến, bởi nhiều tiện ích. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ.

Kinh doanh online đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền. Trong danh sách các doanh nghiệp F&B sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, 47,9% doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm từ 25-50% so với tổng doanh thu.

Năm vừa qua chứng kiến sự tăng trưởng số lượng cửa hàng trực tuyến, trên các ứng dụng giao đồ ăn. Tuy vậy, thị phần cửa hàng trực tuyến gần như giữ nguyên so với năm 2022.

Khảo sát của iPOS.vn cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến chỉ chiếm khoảng 53,1%, với điều kiện phát sinh ít nhất 5 đơn hàng/tuần.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia F&B cho rằng một số lượng lớn cửa hàng dừng hoạt động và lượng cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao.

Chuyên gia dự báo doanh thu ngành F&B năm nay tăng trưởng gần 11% - Ảnh 1

Hơn nữa, nửa cuối năm 2023, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến giảm chương trình khuyến mãi và tăng phí vận chuyển. Lượng đơn và tần suất đặt hàng cũng ghi nhận giảm nhẹ nhưng giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng. Lý giải điều này, iPOS.vn cho rằng thực khách online dần quen với đơn hàng không khuyến mãi và không miễn phí vận chuyển. Đồng thời, xu hướng đặt hàng theo nhóm cùng với đồng nghiệp, bạn bè cũng gia tăng.

Tần suất đặt hàng online của người Việt vẫn ở mức cao, với 29,4% gọi giao đồ ăn từ 1-2 lần/tuần và 20% gọi giao đồ ăn từ 3-4 lần/tuần. Doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 tăng trưởng hơn 20,18%, đạt mốc 52,4 nghìn tỷ đồng.

Về các ứng dụng chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn, năm 2023 chứng kiến sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của ShopeeFood, với 42,94% doanh nghiệp sử dụng và cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood.

Năm qua cũng chứng kiến khả năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của BeFood, với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Ngạc nhiên hơn, BeFood mới chỉ hoạt động tại hai đô thị đặc biệt tại Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

"Gây nhiều tiếc nuối nhất là Baemin, với 7,52% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Tuyên bố rời thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023, Baemin đã khép lại hành trình gần 5 năm đầy thú vị. Theo khảo sát, ứng dụng này được nhiều thực khách trẻ tuổi yêu mến nhất, do có thiết kế đẹp và thông điệp truyền thông sáng tạo", đại diện iPOS.vn bày tỏ.

Cũng theo iPOS.vn, hơn 90% các doanh nghiệp sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trong khâu vận hành nhà hàng, quán cafe. Theo thang đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam đang ứng dụng tốt và hiệu quả phần mềm bán hàng, với 69,5% doanh nghiệp thừa nhận.

XU HƯỚNG NĂM 2024

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực truyền thống gồm: đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng tiếp đà tăng trưởng.

Lãnh đạo iPOS.vn cho rằng năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ.

Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.

Báo cáo của iPOS.vn cũng cho thấy xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ.

Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục "ngôi sao Michelin" danh giá.

Sự cạnh tranh này không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/nganh-fb-viet-nam-a41390.html