Chào mừng

6 năm trước, nhận nhiệm vụ từ Bộ Quốc phòng, đội dự án nghiên cứu hệ thống mô phỏng máy bay của TCT VHT chỉ hơn 20 người, thành viên lớn tuổi nhất chỉ mới 31 tuổi.

Vậy nhưng, chính những người trẻ tuổi ấy đã đưa Viettel trở thành công ty thứ 2 trên thế giới thành công nghiên cứu và làm chủ hệ thống mô phỏng máy bay Su-30MK2.

_DSC8920
Hệ thống mô phỏng máy bay được trưng bày tại Hội nghị Quân chính.

Ngày nhận nhiệm vụ Mô phỏng hệ thống huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay, cảm xúc đầu tiên của chủ nhiệm đề tài Nguyễn Hải Dương (nay là Phó Giám đốc TT Mô hình Mô phỏng, VHT) vừa mừng vừa lo. Anh nhớ lại rằng: “Mừng vì tôi được sự tin tưởng của các thủ trưởng, được giao một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với ngành mô hình mô phỏng. Nhưng tôi cũng rất trăn trở vì trong lĩnh vực mô phỏng thì mô phỏng máy bay là khó nhất”.

Bài toán vừa mới, vừa khó

Trong khi các “cây đa, cây đề” trong ngành mô phỏng trên thế giới chỉ làm các sản phẩm dạng đơn chiếc, VHT đặt mục tiêu làm hệ thống phức hợp, kết nối đồng thời 12 buồng mô phỏng, huấn luyện cả lực lượng trên không và lực lượng mặt đất trong cùng một kịch bản. Nếu mỗi bộ phận nghiên cứu mô phỏng bay của các đối tác nước ngoài dao động gần 200 người và chỉ phụ trách phát triển phần mềm và tích hợp hệ thống thì dự án của VHT chỉ vỏn vẹn 20 người, đặt mục tiêu làm chủ hoàn toàn hệ thống từ phần cứng tới phần mềm. Người nhiều tuổi nhất khi đó mới 31 tuổi và có duy nhất 1 thành viên từng học chuyên ngành hàng không.

Vốn dĩ, rất ít các hãng trên thế giới làm về mô phỏng máy bay và thông tin về cách làm của họ có thể xem như là bất khả xâm phạm. Vì vậy, việc tham khảo cách làm từ nước ngoài không khả thi.

Thông thường, nếu muốn xây dựng mô hình toán học của máy bay, trên thế giới tiếp cận theo chiều xuôi tức là: các công ty mô phỏng mua dữ liệu (Data Package) từ nhà sản xuất máy bay sau đó xây dựng hệ thống mô phỏng. Vậy nhưng, đối với VHT, các tài liệu về máy bay Su-30 rất hạn chế do không được bàn giao từ hãng sản xuất.

Cuối cùng, với sự định hướng từ Ban Tổng Giám đốc TCT, những kỹ sư có tuổi đời còn rất trẻ khi ấy đã quyết định tự mình xây dựng bộ dữ liệu máy bay SU-30MK2. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực mô phỏng của Việt Nam.

dsc-1294

Quyết tâm tự chủ và sức sáng tạo của người trẻ Viettel

Họ phối hợp với các chuyên gia của Quân chủng Phòng không - Không quân khảo sát trên mô hình máy bay thật để xây dựng mô hình số 3D, tính toán khí động học trên mô hình số,…

Thời gian đầu tiếp xúc với Quân chủng, các anh nói đây là việc bất khả thi, từ đội ngũ kỹ thuật tới lực lượng phi công đều đặt dấu chấm hỏi vào năng lực của nhóm dự án còn non trẻ như Nguyễn Hải Anh (1992), Đào Huy Thương (1993), Nguyễn Văn Phương - Nguyễn Nho Quốc Việt (1994), Nguyễn Đình Hà - Nguyễn Tùng Lâm(1995),…

dsc-1238-1

Sau khi VHT nghiệm thu dự án mô phỏng hệ thống huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay giai đoạn 1, những nghi ngờ ấy đã có câu trả lời.

Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Ban Kỹ thuật Trung đoàn 927 bộc bạch rằng: “Lúc đầu, chúng tôi không tin là anh em Viettel có thể làm được. Đội ngũ kỹ thuật chúng tôi học về máy bay 5 năm, ra trường ăn ngủ cùng với máy bay mà còn chưa khai thác hết. Chúng tôi rất quý anh em kỹ sư Viettel vì ham học và không ngại khổ. Nắng tháng 7, Viettel có kế hoạch trong nhà xưởng 3 tuần nhưng tranh thủ máy bay đang trong 2 tuần bảo dưỡng, đội Viettel quyết tâm thực hiện bằng xong scan 3D toàn bộ máy bay. Thấy anh em Viettel làm tới đêm, xong sáng hôm sau lại ra sớm nên tôi thấy quý, từ đó mới hết mình tạo điều kiện. Chúng tôi cảm được văn hoá Viettel qua chính các bạn, cảm nhận được sự nỗ lực và khát khao sáng tạo của các bạn”.

z3861667107805-888ee3a183caf20ad42a2cf733c9b719

Mùa hè 2022, đội ngũ kỹ sư dự án cùng Trung đoàn Không quân 927 cấp tốc xây dựng xưởng mô phỏng hệ thống máy bay. Với những kỹ sư trẻ trong nhóm dự án, những ngày tối ưu hệ thống tại Bắc Giang, họ ăn, ngủ tại sân bay Kép nhiều hơn ở nhà. Những ngày đầu vận hành, trời nóng nực, bụi bay mù mịt, các kỹ sư vừa làm việc chuyên môn, vừa tranh thủ dọn dẹp. Nhìn nhau đầm đìa mồ hôi, quần áo bám bụi, anh em đùa nhau rằng: "Trông thế này ai bảo kỹ sư". Song những yếu tố ngoại cảnh này không lung lay được quyết tâm phải làm chủ bằng được hệ thống mô phỏng máy bay. Họ tận dụng từng giờ, từng phút làm việc với lực lượng phi công.

Phi công mà đặc biệt là phi công tiêm kích được mệnh danh là “tài sản” của quốc gia. Hiểu điều đó, nhóm dự án của VHT luôn cố gắng hết sức điều chỉnh hệ thống mỗi khi có cơ hội làm việc cùng các anh. Kỹ sư Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1994), người chủ trì phát triển thành công trung tâm tính toán của Tổ hợp mô phỏng Su30-MK2 chia sẻ rằng: “Dù lực lượng kỹ sư VHT mỏng, nhưng thực sự chúng tôi đã đặt ra những mục tiêu để thách thức giới hạn của chính mình như: Buổi chiều tốt hơn buổi sáng, ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm trước. Sáng phi công bay, nhóm dự án thông trưa để chỉnh. Chiều đưa ý kiến, tranh thủ buổi tối nhóm kỹ sư hội thảo và hiệu chỉnh”.

Thành quả từ tinh thần hy sinh của người lính

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Hải Dương kể thêm rằng: “Cũng có thời kỳ, cả đội dự án ăn ngủ tại xưởng R2 trong 2 tháng để hoàn thành tích hợp, cất cánh những chuyến bay đầu tiên. Có lẽ chính vì sự nỗ lực không ngừng của Viettel mà khi đó, chúng tôi xin phép bố trí khách sạn cho anh em phi công lên vận hành, các anh ấy đều từ chối, bảo cho ngủ tại xưởng cùng Viettel để tiện hiệu chỉnh”.

20240515_091951
Đối tác đến từ Indonesia trải nghiệm Hệ thống mô phỏng máy bay.

Chính sự chân thành, ham học hỏi với tinh thần cầu tiến là điều khởi đầu giúp những kỹ sư VHT được cán bộ, chiến sĩ phòng không quý. Sự quyết liệt và chất lượng của sản phẩm giúp VHT được tin, để từ đó VHT có được sự cộng hưởng từ khách hàng là các chiến sĩ phòng không. Giờ đây, hệ thống mô phỏng máy bay không chỉ được trang bị trong nước mà còn được đối tác PT. Bandara Praniagatama (Indonesia) ký hợp đồng phân phối tại nhiều thị trường trên thế giới. Sản phẩm đã đánh dấu Viettel là công ty thứ 2 trên thế giới, thành công nghiên cứu và làm chủ hệ thống mô phỏng máy bay Su-30MK2 sau chính hãng sản xuất máy bay Su-Khoi. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới cho phép huấn luyện cả lực lượng trên không và lực lượng mặt đất trong cùng một kịch bản huấn luyện.

Nghiên cứu, cải tiến Mô phỏng hệ thống huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy ba là cả quá trình kéo dài 5 năm liên tục. Dự án này được gọi là “thanh xuân” của nhiều kỹ sư mô phỏng VHT. Bởi lẽ, nhiều kỹ sư trẻ 9x ngay khi ra trường đã trở thành thành viên của dự án. Còn với những kỹ sư thuộc thế hệ đàn anh, dự án này là “thanh xuân” bởi họ đã dành trọn vẹn nhiệt huyết, trí tuệ của mình cho dự án, cùng với đồng nghiệp vượt qua những giới hạn của chính mình để làm chủ bằng được hệ thống như mục tiêu đề ra.

Mới đây nhất, công trình nghiên cứu hệ thống Mô phỏng hệ thống huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay vinh dự được trao Giải Nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.

z5528167817796_9a85c13bc7a09da621403e08e1c856bb

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Hải Dương đã bộc bạch và nhắn gửi tới những đồng nghiệp của mình rằng: “Những ngày tháng nghiên cứu hệ thống mô phỏng máy bay đã giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao nói chung và lĩnh vực mô hình mô phỏng nói riêng",

"Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thủ trưởng đã chỉ đạo, định hướng khi chúng tôi tưởng đâm vào ngõ cụt, cảm ơn những khách hàng mà giờ đây đã là những người bạn. Đặc biệt, là cảm ơn anh em đồng nghiệp đã dành một phần thanh xuân sống trong lửa để giờ đây từ những kỹ sư non trẻ đã trở thành những kỹ sư chính, đảm nhiệm những thành phần quan trọng trong sản phẩm. Tôi mong rằng, tất cả anh em chúng tôi sẽ luôn giữ được ngọn lửa thanh xuân như những ngày làm Su30-MK2”, Chủ nhiệm đề tài hào hứng.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/khoi-dau-tien-trong-phan-phat-thong-tin-cua-he-thong-thong-tin-va-vien-thong-la-a40757.html