1. Nhà 5 khối phủ cây cảnh ở Sài Gòn dành giải nhất hạng mục Nhà ở tại Festival kiến trúc thế giới 2014
Công trình “House for trees” (Nhà cho cây xanh) đã vượt qua hàng trăm công trình kiến trúc để giành chiến thắng ở hạng mục Nhà ở tại Festival Kiến trúc Thế giới 2014 - một trong những chương trình giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực kiến trúc.
“House for trees” là công trình đầu tiên của Việt Nam được xây dựng bằng bê tông cốp pha tre. Toàn bộ phần mái của ngôi nhà được phủ cây xanh mang lại bầu không khí trong lành, giảm bớt việc tiêu hao năng lượng cho ngôi nhà.
2. Tòa tháp nổi tiếng Sài Gòn - Bitexco
Cao 262m, 68 tầng - Bitexco Financial Tower tự hào là biểu tượng kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế và thế hệ trẻ năng động. Tác phẩm nghệ thuật kiến trúc duyên dáng này là điển hình minh chứng cho sự hợp lực hợp tác quốc tế.
Tòa tháp được thiết kế và trang bị như điểm đến đẳng cấp ấn tượng nhất dành cho các doanh nghiệp và là khởi nguồn của những cảm hứng bất tận. Tòa tháp được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc.
3. Tổ hợp Nhà Tre, Vĩnh Phúc
Bamboo Dailai Complex giành huy chương vàng ở hạng mục công trình nghỉ dưỡng, và giải thưởng “Công trình của năm” do Hội kiến trúc sư châu Á trao tặng năm 2014.
Tổ hợp công trình này bao gồm nhà hàng Bamboo Wings và nhà hội nghị Đại Lải, tọa lạc trong một khu nghỉ mát ở Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 50km. Nhà hàng được khởi công xây dựng vào năm 2009. Đây là nơi phục vụ ăn uống cho du khách và tổ chức sự kiện. Nhà hội nghị Đại Lải được xây dựng ba năm sau đó. Cả hai công trình đều do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế.
Đây là một trong những công trình đầu tiên tại Việt Nam nhận được giải thưởng quốc tế, đánh dấu bước phát triển lớn để khẳng định hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Điều đặc biệt của hai công trình là sử dụng tre, luồng làm vật liệu chủ yếu. Nhờ đó, không gian ở đây hài hòa với thiên nhiên, du khách có cảm giác gần gũi, thân thuộc.
4. Cầu Vàng, Đà Nẵng
Cầu Vàng tại Việt Nam không bắc qua dòng sông nào, nhưng vẫn gây ấn tượng với đôi bàn tay khổng lồ rêu phong nâng đỡ lối đi giống như một dải lụa vàng, giữa mây trời Đà Nẵng. Cầu tọa lạc trên đỉnh Bà Nà đã tạo hiệu ứng lớn ngay khi vừa đưa vào hoạt động hồi tháng 7. Mặt cầu rộng 12,8m, dài gần 150m, gồm 8 nhịp, nhịp dài nhất là 21,2m.
Cuối tháng 8, tra cứu google từ khóa “Golden Bridge Ba Na Hills” cho ra gần 160 triệu kết quả trong 0,95 giây. Trong khi đó, tìm kiếm tên công trình kiến trúc du lịch nổi tiếng “Eiffel Tower” - biểu tượng của thủ đô Paris đạt 80 triệu kết quả trong 0,65 giây. Như vậy, Cầu Vàng đã trở thành hiện tượng của du lịch Việt Nam khi “vượt biên” ra thế giới.
Suốt tháng 7, hình ảnh và video clip Cầu Vàng được đăng tải trên hàng nghìn trang thông tấn, mạng xã hội, diễn đàn, website… quốc tế. Tờ Guardian của Anh đã vinh danh Cầu Vàng trong “top 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới”. Ít ngày sau, trang Independent với 58 triệu độc giả theo dõi hàng ngày công bố Cầu Vàng vào top 10 cây cầu “đẹp đến mức khó tin”. Rất nhiều tờ báo uy tín trên thế giới như BBC, AFP, Reuters, CNN, Archdaily... cũng đã dành lời khen ngợi công trình.
5. Cáp treo Hòn Thơm, Phú Quốc
Ngày 4/2/2018, Tập đoàn Sun Group đã khai trương hệ thống cáp treo Hòn Thơm trong quần thể vui chơi giải trí biển Sun World Hon Thom Nature Park. Công trình có tổng chiều dài hơn 7.899m, nối từ thị trấn An Thới qua các đảo Hòn Rỏi, Hòn Dừa tới Hòn Thơm, được Tổ chức Guinness chứng nhận cáp treo dài nhất thế giới.
Toàn bộ hệ thống cáp treo có hai nhà ga, 6 trụ cáp, trong đó trụ lớn nhất T4 có chiều cao 174 m. Với thiết kế gồm 69 cabin, mỗi cabin có sức chứa 30 khách, vận hành ở vận tốc tối đa đạt 8,5 m/s, cáp treo Hòn Thơm rút ngắn thời gian di chuyển của du khách từ An Thới tới Hòn Thơm xuống còn 15 phút thay vì 30 phút di chuyển bằng cano trên biển. Trên các cabin đều có wifi, hệ thống điện chiếu sáng ban đêm. Trải nghiệm cáp treo, khách du lịch sẽ thấy vẻ đẹp hùng vĩ của trời và biển trong cụm đảo An Thới, Nam Phú Quốc.
6. Cầu Rồng, Đà Nẵng
Được xem là biểu tượng và là niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng, cầu Rồng là một trong những cây cầu độc đáo bắc qua sông Hàn, là một địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch tham quan.
Cầu Rồng dài 666m rộng 37,5m với 6 làn xe chạy với thiết kế hình rồng ấn tượng. Công trình được thông xe ngày 29/3/2013, kinh phí xây cầu gần 1.500 tỷ đồng. Vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần hoặc những dịp đặc biệt, “Rồng” có thể phun ra nước và lửa. Công trình này từng được vinh danh quốc tế bằng Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc (EEA) của Hội đồng Các công ty kỹ thuật Mỹ (ACEC) 2014. EEA là giải thưởng danh giá thế giới, được ví như “giải Oscar của ngành kỹ thuật”.
7. Pullman Vũng Tàu
Đây là hình ảnh Trung tâm Hội nghị triển lãm Quốc tế và khách sạn 5 sao Pullman Vũng Tàu tọa lạc tại số 15 Thi Sách, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu đi vào hoạt động từ tháng 8/2015.
Theo thiết kế, hình khối chủ đạo của công trình được mô phỏng và cách điệu từ các đợt sóng để làm nổi bật hình ảnh một công trình hiện đại của thành phố biển. Bao gồm 3 khối nhà, có các phòng đa năng, phục vụ các phòng đa năng, phục vụ các hoạt động trong nhà, triển lãm, cổ động hoặc trình diễn sản phẩm quy mô lớn.
8. Ngôi nhà Điên (Biệt Thự Hằng Nga) ở Đà Lạt
Công trình này do Kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế và đã từng chịu nhiều sự chỉ trích của dư luận bởi sự phá cách trong kiến trúc. Tuy nhiên, với một cái nhìn khác, công trình này lại lọt top những ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới do Archdaily công bố.
Chính sự độc và lạ này khiến nó trở thành công trình nổi tiếng được thế giới biết đến. Được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và cách xây dựng giống những hình dáng của một thân cây cổ thụ, tác giả muốn tạo ra một cái nhìn khác về kiến trúc, vừa độc đáo vừa khoa học.
Tổng hợp theo Kienviet.net
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/cac-cong-trinh-kien-truc-noi-tieng-a40478.html