Đền Borobudur nằm ở trung tâm đảo Java, phía bắc thành phố Yogyakarta. Borobudur được xây dựng trong thời gian từ năm 778 tới năm 850, dưới triều đại Sailendra. Công trình kiến trúc vĩ đại này cao 34,5 mét, chiếm một diện tích rộng hơn 8.000 mét vuông và được dựng lên từ hơn 2 triệu mét khối đá. Cho tới nay, vẫn chưa có ai hiểu được bằng cách nào con người lại có thể hoàn thành một công trình kiến trúc vĩ đại như vậy vào thời kỳ đó, khi mà kỹ thuật xây dựng còn rất thô sơ. Thậm chí, ngày nay cũng ít có quốc gia nào đủ sức làm một công trình to lớn đến vậy.
Sau khi xây dựng xong, đền Borobudur chỉ được sử dụng trong khoảng 100 năm, sau đó nó bị tro núi lửa chôn vùi và bị bỏ quên từ thế kỷ thứ X, lúc vương triều Ấn giáo trị vì tại Java và đạo Hồi thâm nhập mạnh vào hòn đảo này.
Đền Borobudur được viên toàn quyền người Anh ở Indonesia, ông Stamford Raffles khám phá ra vào năm 1814. Sau đó, công việc khai quật bắt đầu được tiến hành vào năm 1815.
Sau khi Indonesia được đế quốc Hà Lan trao trả độc lập vào năm 1949, đến năm 1955, chính phủ Indonesia đã được UNESCO giúp đỡ về mặt tài chính cũng như kỹ thuật để khôi phục khu di tích lịch sử quý giá này. Một dự án trùng tu toàn diện khu đền Borobudur đã bắt đầu được tiến hành vào năm 1973 và hoàn thành năm 1983, với chi phí lên tới hơn 20 triệu USD. Lễ khánh thành chính thức và mở cửa khu đền diễn ra vào tháng 3 năm 1983.
Đền Borobudur có hình dáng giống như một chiếc kim tự tháp. Nhiều người còn cho rằng đền giống với một bông sen khổng lồ sắp nở. Từ trên cao nhìn xuống, Borobudur có hai phần chính: phần tròn ở phía trên gồm tháp trung tâm, hình quả chuông, và 3 tầng tròn rộng đồng tâm bao quanh. Phần vuông phía dưới gồm 7 tầng. Như vậy, đền có tổng cộng 10 tầng, tượng trưng cho những giai đoạn con người phải trải qua trước khi đi tới chỗ tự hoàn thiện.
Đền Borobudur không chỉ là một công trình kiến trúc cổ vĩ đại và có giá trị nhất của Indonesia, mà còn là một trong những di sản văn hóa quý của nhân loại. Hằng năm, đền Borobudur thu hút vô số Phật tử và du khách vào tháng 5, khi lễ Phật Đản được tổ chức trọng thể tại đây. Còn vào những ngày thường, nó vẫn thường xuyên đón các đoàn du khách cùng các Phật tử từ khắp nơi trong và ngoài nước đến hành hương. Bất cứ ai đặt chân tới Borobudur đều muốn được lần bước theo các bậc đá để chinh phục đỉnh tháp. Dọc đường, họ sẽ có cơ hội để ngắm nhìn hàng ngàn bức phù điêu chạm nổi mô tả về cuộc sống của con người và cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Lên tới 3 tầng tròn trên cùng, toàn bộ 72 quả chuông với tượng Phật được chạm khắc tinh xảo ngồi bên trong được hiện ra. Ai cũng tìm cách thò tay qua những ô trống hình mắt cáo để sờ được vào tượng Phật. Họ tin rằng điều đó sẽ đem lại sự may mắn cho mình và gia đình.
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/den-thap-bo-ro-bu-dua-a40324.html