Chùa Phúc Lâm có tên gọi từ ngày xưa, còn gọi là Phúc Lâm Tự, có nghĩa là ban phúc, phúc lành cho núi rừng
Chùa Phúc Lâm toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng và bằng phẳng dưới chân núi, chùa dựng theo hướng Tây - Nam, mặt tiền nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông, xa hơn nữa là các dãy núi trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm gắn liền với huyền thoại 99 ngọn núi cùng “đàn Phượng Hoàng đi tìm đất làm kinh đô”. Bên cạnh là núi Cô Tiên với dáng vẻ kì bí, kì ảo. Ngọn núi ở phía sau chùa Phúc Lâm cao sừng sững, người dân trong vùng vẫn quen gọi là ngọn núi cổ Rùa gắn với sự tích “Chiếc cầu da” càng làm cho quần thể ngôi chùa và thung lũng Thượng Lâm thêm màu huyện thoại.
Cũng giống như các di tích lịch sử khác, chùa Phúc Lâm cũng chịu tác động mạnh mẽ của thời gian, nên ngôi chùa xưa đã biến mất chỉ để lại những dấu tích đượm vẻ kỳ bí. Theo các nhà nghiên cứu và người quản lí nhà chùa thì khuôn viên của chùa Phúc Lâm xưa rất khang trang, lộng lẫy, nằm trên gò đất rộng khoảng 600m². Hiện nay, trên nền cũ của ngôi chùa vẫn còn bình đồ kiến trúc khởi nguyên của nó. Nền móng có hình chữ Đinh, gồm hai đơn nguyên kiến trúc là toà Tiền đường và toà Thượng điện. Chùa Phúc Lâm ngoài thờ Phật còn thờ các vị thần bản địa, gắn bó trực tiếp với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây, đây cũng là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và đặc trưng của một ngôi chùa vùng cao. Tại khuôn viên cũ của chùa Phúc Lâm, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện tổ hợp các mảnh tháp đất nung gồm: mái tháp, thân tháp, đế tháp và các mảng phù điêu trang trí kiến trúc với các chủ đề như: rồng, chim phượng hoàng, mảnh tháp có trang trí hình cánh sen cách điệu ở đế tháp. Các mảng phù điêu hình rồng mang đặc trưng tranh rồng thời Trần như: bờm chải ngược uốn cong hướng lên trên đỉnh đầu, mắt mở to, chân có 3 móng vuốt... các hiện vật được tạo dáng hình khoẻ khoắn, đường nét điêu khắc rõ ràng. Đặc biệt, một góc của tầng tháp đất nung có trang trí hình chim thần Garadu đang trong tư thế vươn mình lên, giơ 2 tay đỡ lấy mái tháp rất sống động. Dấu tích rõ rệt nhất về sự tồn tại của ngôi chùa còn đến ngày nay chính là các tảng đá xanh dùng để kê cột chùa và các phiến đá dùng để kê tượng. Dựa vào đó mà các nhà nghiên cứu đã xác định được quy mô của ngôi chùa cổ ngày xưa. Từ những nghiên cứu của các chuyên gia thì chùa mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần thế kỷ XIII - XIV, điều này chứng tỏ lịch sử khai phá lâu đời và sinh hoạt tín ngưỡng phong phú của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chùa Phúc Lâm, điểm đến tâm linh của huyện vùng cao Lâm Bình.
Các hiện vật lưu giữ tại Chùa Phúc Lâm
Pho tượng cổ Chùa Phúc Lâm
Các tảng Đá kê cột Chùa và các phiến đá để kê tượng
Di tích Chùa Phúc Lâm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Phúc Lâm trở thành Di tích quốc gia năm 2009. Đến năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện dự án công trình tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị truyền thống chùa Phúc Lâm. Theo đó, chùa được dựng bằng gỗ ở chính vị trí chính giữa toà Tam bảo của ngôi chùa xưa, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng Tông vào ngày 15 tháng giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu. Đây sẽ là một điểm đến thu hút người dân và du khách thập phương mỗi dịp tết đến xuân về, mở ra hướng phát triển mới cho du lịch của huyện vùng cao Lâm Bình.
Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện tổ chức tham quan Chùa Phúc Lâm
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/phuc-lam-o-dau-a39252.html