Đến miệt sông nước Cửu Long, chiều chiều thường nghe câu hát dân gian cất lên từ chái bếp nhà ai đó: "Rau ngổ đem um với lươn/ Cạn chung nước mắt quê hương(1) cay nồng!".
Ở vùng đất này lươn thường hay sống nơi ao, đìa lạn, cạn nước có nhiều rơm rác mục rửa nước đen. Thường người ta thả câu kiều, hay đặt trúm để bắt lươn.
Lươn cỡ cườm tay đem về làm sạch nhớt bằng cách vuột với tro bếp hoặc hỗn hợp muối, giấm. Kế đến cắt cổ rút bỏ ruột, rửa sạch lại rồi để nguyên con cho ráo nước.
Rau ngổ mọc hoang (ảnh tác giả).Rau ngổ là một loại rau mọc hoang ở các ao, đìa cạn xâm xấp nước. Cọng và lá màu xanh trắng. Hái đọt rau ngổ về lặt bỏ lá, giữ lại phần cọng rồi rửa sạch.
Rau ngổ có vị hơi đắng, dân gian miệt Cửu Long thường dùng để xào mỡ, nấu canh chua hay nhúng kèm với các rau rừng khác để ăn với mắm kho. Lươn um rau ngổ là món ăn đầy sáng tạo của bình dân xứ này.
Dùng dao bén khứa nhẹ những dọc chéo trên mình lươn rồi ướp đường, muối, bột ngọt, tiêu xay, cho thấm.
Lấy cái thố sành hoặc nồi đất trải cọng rau ngổ phía dưới, cuộn tròn con lươn đặt lên. Để tạo thêm màu vàng cho đẹp mắt nhiều khi người ta còn dùng nghệ tươi đầm nát vắt lấy nước cho thêm vào. Chế nước dừa tươi cho xâm xấp, nêm thêm gia vị lần nữa, đậy nắp lại bắc lên bếp nấu nhỏ lửa. Khi lươn sôi và chín lại cho thêm nước cốt dừa khô đã vắt sẵn vào.
Trong lúc chờ lươn chín và mềm, người ta làm nước chấm. Nước cốt dừa đã vắt chừa lại một phần rồi cho tượng hột xay nhuyễn vào đánh đều, nêm thêm đường, bột ngọt bắc lên bếp nấu cho đến khi nước sánh lại nhắc xuống thêm ít sả bằm nhuyễn, ớt và đậu phộng rang đâm nhỏ.
Độ chừng lươn đã mềm thì nhắc xuống, rắc lên phía trên mặt ít rau ngò ôm xắt nhuyễn với vài lát ớt. Lươn um rau ngổ thường ăn với bún hoặc cơm nóng vừa nấu chín.
Tô Lươn um rau ngổ (ảnh tác giả).Màu vàng của lươn, nghệ, ớt đỏ, rau xanh, nước cốt dừa, cơm, bún trắng, nước chấm nâu đen hòa thành vị ngọt, béo của lươn, nước cốt dừa, đậu phộng kết hợp với vị nhẫn đắng đặc trưng của rau ngổ, cay nồng của ớt làm cho bữa ăn dân dã ngon lành đến mê say hồn người thưởng thức.
(1) Dân gian miền Tây Nam bộ gọi rượu đế là nước mắt quê hương.
Theo HAI MIỆT VƯỜN/Dân Việt
Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/luon-um-rau-ngo-a36545.html