Tất tần tật về kinh nghiệm du lịch Maldives theo kiểu bụi

Trước chuyến đi đã có rất nhiều ý tưởng được lên cho kỳ nghỉ honeymoon của hai chúng tôi, trong nước thì định đi Phú Quốc, nước ngoài thì nghĩ đến Koh Rong, Hongkong. Rồi cuối cùng thế nào lại quyết định đi Maldives, có lẽ vì máu quá lại nhìn thấy nhiều ảnh đẹp trên mạng, mà nơi này lại không yêu cầu Visa nữa chứ.

Tham khảo một số thông tin trên mạng, xác định rằng tổng chi phí cho cả hai người ít nhất phải là 40 triệu đồng. Tuy vậy thì cũng có rất nhiều lựa chọn về chi phí tuỳ thuộc vào việc đi như thế nào, ăn ở ra sao, ở các đảo thông thường ở Maldives hay ở Resort,… Sau khi đã khảo sát kỹ thì mình quyết định là phải ở Resort vì một là đáng đi trăng mật có một lần trong đời, hai là chỉ ở Resort mới có những Villa (bungalow) trên biển đẹp và hầu hết những bãi biển đẹp với bờ cát trắng dài mịn, nước trong xanh ngắt thì họ quy hoạch để xây Resort hết rồi, và tất nhiên chi phí cũng sẽ cao hơn.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Maldives mới nhất đầy đủ nhất

Cập nhật tháng 4/2022: Hiện tại Maldives vẫn mở cửa đón khách du lịch như bình thường và không phải thực hiện cách ly. Khách chỉ cần tiêm đủ 2 mũi là được nhập cảnh không cần test PCR. Vui lòng liên hệ TRAVELPX để được tư vấn cụ thể về thủ tục và các gói du lịch Maldives: Gửi tin nhắn yêu cầu

Tổng quan về du lịch Maldives - thiên đường hạ giới

Vị trí địa lý

Maldives hay Quần đảo Maldives (phiên âm tiếng Việt: Man-đi-vơ; phát âm tiếng Anh: /ˈmɔlˌdaɪvz/), tên chính thức Cộng hòa Maldives, là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Maldives nằm ở phía nam quần đảo Lakshadweep thuộc Ấn Độ, phía tây nam Sri Lanka. Hai mươi sáu đảo san hô của Maldives bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng 200 đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống, chẳng thế mà người ta gọi Maldives là một quốc đảo.

Nếu nhìn trên bản đồ các bạn sẽ thấy Maldives là tập hợp của rất nhiều hòn đảo rất nhỏ khá cách xa nhau và hơi mờ vì độ cao so với mực nước biển khá thấp. Ở Maldives có hai dạng đảo: Một là đảo thông thường có dân thường sinh sống như thủ đô Male hay các đảo mà dân du lịch bụi hay đi là Maafushi, Guraidhoo, Fulidhoo; Hai là các đảo Resort chỉ dành riêng cho khách du lịch.

Kinh tế - chính trị - văn hoá:

Du lịch và đánh cá là hai yếu tố then chốt của nền kinh tế Maldives, các lĩnh vực vận tải biển, ngân hàng và chế tạng đang phát triển ở tốc độ khá cao. Trong số các quốc gia Nam Á, Maldives có mức GDP trên đầu người đứng thứ hai ở mức 3.900 USD (số liệu năm 2002), dân số khoảng 300.000 người (năm 2005).

Chính trị Maldives hoạt động theo khuôn khổ một nền cộng hòa tổng thống, theo đó Tổng thống là người đứng đầu chính phủ. Ngôn ngữ chính thức và phổ thông là Dhivehi, một ngôn ngữ Indo-European có một số điểm tương đồng với Elu, ngôn ngữ Sinhalese cổ. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong thương mại và dần trở thành một ngôn ngữ trung gian trong giảng dạy tại các trường học của chính phủ. Sau giai đoạn lịch sử Phật giáo, người dân Maldives đã cải theo phái Hồi giáo Sunni vào giữa thế kỷ 12. Hồi giáo là tôn giáo chính thức của toàn bộ dân cư, vì các công dân bị buộc phải gia nhập đạo này (theo wikipedia).

Đồng tiền của Maldives là đồng Rufiyaa (MVR), tuy vậy bạn có thể sử dụng USD trên đảo nếu không muốn đổi tiền sang Rufiyaa. Tỷ giá quy đổi: 1 USD đổi được 15,3 đồng Rufiyaa và 1 Rufiyaa đổi được khoảng 1.454 VND (T11.2015).

Kinh nghiệm du lịch Maldives

Thực ra thì với dân du lịch bụi việc “bén bảng” đến thiên đường đắt đỏ này mới chỉ hình thành từ 5-6 năm trở lại đây và đang ngày càng phổ biến. Những năm gần đây rất nhiều khách sạn, guesthouse được xây dựng trên các hòn đảo của người bản địa, thay vì chủ yếu là những resort siêu sang nằm biệt lập ở những hòn đảo nhỏ khác. Chính vì thế giá cả phòng nghỉ, đồ ăn thức uống cũng như các dịch vụ khác đã ngày càng hạ (tất nhiên là vẫn thuộc dạng đắt so với các nơi khác). Vé máy bay từ Việt Nam đi trước đây toàn từ 15-20tr/người khứ hồi, thì bây giờ chỉ tầm 10-12tr bạn đã đến được Maldives rồi.

Visa Maldives

Maldives miễn visa hoàn toàn cho người Việt Nam, bạn chỉ cần đi đến cửa khẩu sân bay, điền thông tin vào form nhập cảnh là hải quan họ sẽ đóng dấu cho bạn (không cần show booking khách sạn luôn). Trên dấu ở hộ chiếu sẽ có chữ Employment prohibited để phân biệt mình là khách du lịch Maldives và không phải là dân lao động qua làm việc ở đây.

Bay đến và đi lại ở Maldives

Từ Việt Nam vẫn chưa có đường bay thẳng tới Maldives, vì vậy bạn cần phải bay sang một nước thứ 3 trước khi đến đây. Có khá nhiều lựa chọn cho bạn như bay của hãng Tiger Airways (transit ở Sing), Air Asia (transit ở Kuala Lumpur) hay Sri Lanka (transit ở Colombo).

Tìm vé máy bay rẻ đi Maldives

Ban đầu tôi định bay bằng Tiger Airways (transit ở Singapore), nhưng xem lịch trình thì vấn đề transit khá phức tạp (mất một ngày ở Sing mà giá cả ở đây thì đắt), nhập cảnh thì hên xui nên tôi chuyển sang đi Air Asia, transit ở Kuala Lumpur. Mất phải một đến hai ngày để chốt lịch trình vì tôi cần cân đối thời gian nghỉ phù hợp với công việc, cuối cùng tôi mua được vé với tổng chi phí là 16,5 triệu cho hai người đã bao gồm ký gửi hành lý bốn lượt 20kg mỗi lượt. Nếu không mua hành lý ký gửi và chọn vé rẻ nhất thì giá chỉ tầm 14 triệu thôi.

Phương tiện đi lại ở Maldives

Khi bay đến Maldives thì bạn sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Ibrahim Nasir nằm trên một hòn đảo nhỏ chỉ vừa cho sân bay này, sau đó muốn di chuyển qua thủ đô Male (đọc là Ma Lé) hoặc các đảo gần đó phải đi bằng phà công cộng mất tầm 10 phút. Do Maldives là tập hợp của rất nhiều đảo nhỏ, mỗi đảo thường chỉ tầm vài km vuông nên đi lại ở đây chủ yếu bằng tàu thuyền. Có 3 phương tiện chính:

Nếu nhu cầu của bạn sang Maldives du lịch bụi và chỉ đi các đảo công cộng có dân sinh sống thì không cần quan tâm lắm đến 2 phương tiện là speedboat và seaplane mà chỉ cần xem xét đến phà công cộng, cùng lắm nếu như gặp trường hợp cấp bách đi lại mà không có lịch phà chạy bạn có thể thuê riêng một chiếc speedboat, giá nếu đi theo nhóm cũng không phải là đắt. Trường hợp bạn có ý định nghỉ ở resort bạn mới cần cân nhắc xem đi speedboat hay seaplane, cái này thì còn tuỳ vào resort đó có dịch vụ đưa đón nào.

Bạn nên đổi một ít tiền lẻ qua Rufiyaa vì khi bạn mua một số món đồ linh tinh hay mua vé phà có giá dưới 1 USD thì người dân họ sẽ làm tròn là 1 USD và không trả lại tiền thối cho bạn, đổi tiền thì bạn có thể dễ dàng đổi ngay tại quầy vé bến phà với tỷ giá rất tốt. Việc di chuyển giữa các đảo có người dân sinh sống được thực hiện bởi phà công cộng chạy liên tục hàng ngày trừ thứ 6 (ngày nghỉ cuối tuần của người Maldivian là thứ 6 và thứ 7) và bạn có thể theo dõi giờ chạy trong tuần ở đây: http://www.mtcc.com.mv/.

Kinh nghiệm khi đi phà công cộng ở Maldives là để đi qua các đảo xa thì bạn cần xem rất kỹ lịch phà hàng ngày vì thường chỉ có 1-2 chuyến/ngày cố định từ Male đi các đảo đó. Còn các đảo gần Male như Hulumale hay Villingili thì có phà chạy liên tục 10 phút/chuyến 24/24h nên không cần để ý lắm. Trong chuyến đi của tôi tôi có ghé qua các đảo ở đây là: Male, Maafushi và Guraidhoo. Giá vé phà:

Ngoài các tuyến cố định thì giữa các đảo còn có phà chạy hàng ngày nữa nhưng không cố định lắm, bạn nên hỏi trước thông tin với chủ Guesthouse mà bạn ở.

Nếu đi theo nhóm bạn có thể thuê riêng một chiếc speedboat cho cả nhóm, giá thì tầm USD 150-180/lượt đi từ Male đến Maafushi. Ở Maafushi bạn có thể đi riêng lẻ bằng speedboat về Male bất cứ lúc nào với giá $20/người/lượt.

Lịch trình và kinh nghiệm chọn Khách sạn, Resort

Tất cả kế hoạch từ chọn ngày giờ, khách sạn và đi lại đều phụ thuộc vào việc có tìm được resort hay không, ở resort nào giá bao nhiêu và di chuyển đến như thế nào.

Các đặc điểm về Resort ở Maldives

Đó là những Resort nằm trên các đảo tư nhân mà chủ họ thuê dài hạn từ chính phủ. Diện tích các đảo này khá nhỏ và hầu hết là chỉ đủ để xây dựng một resort nằm trên đó mà thôi, không có dân thường sinh sống. Đi đến các Resort này từ Male hoặc sân bay bạn phải sử dụng Seaplane (máy bay cỡ nhỏ) hoặc speedboat transfer (tàu cao tốc) được sắp xếp từ chính các Resort đó. Giá phòng phụ thuộc vào độ sang trọng của Resort còn phí transfer phụ thuộc vào độ dài quãng đường đến Resort. Thường thì dịch vụ Transfer của các resort là bắt buộc vì họ không cho phép tàu bên ngoài đậu ở cầu cảng của họ, có một số resort thì họ vẫn cho phép và thường bạn cần phải liên lạc trước để hỏi thông tin. Bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách ở các đảo thông thường rồi đi Daily tour đến resort, nhưng nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn cảm giác ở Resort thì nên đặt phòng và ở khoảng 2 đêm ở đó.

Cuối cùng tôi đã tìm được Olhuveli Resort thoả mãn mục đích: giá ở ổn so với những Resort khác, và sắp xếp được cách đi lại vì vị trí của Resort này nằm khá gần với 2 đảo mà tôi định đi là Maafushi và Guraidhoo. Sun Siyam Olhuveli (4 sao) với hệ thống Villa (hay nói theo cách dân dã ở Việt Nam là “nhà chòi”) ở giữa biển đẹp không thể tin nổi, giá phòng cho 2 đêm là 458$ (đã bao gồm thuế phí) chưa bao gồm ăn, ăn mỗi bữa đắt lắm nha 50$/người. Tôi sẽ đi phà công cộng đến đảo Guraidhoo ở gần resort, ở guesthouse 1 đêm và nhờ họ (trao đổi trước qua email) đưa đến Olhuveli với giá rất tốt là 50$/người khứ hồi. Tránh xa cái giá di chuyển của resort là 277$/người/.

Link đặt phòng Olhuveli Resort trên Booking.com.

Ký sự Guraidhoo Maldives - Nhiếp ảnh và Phượt
Đảo Guraidhoo
Đảo Maafushi
Đảo Maafushi

Tìm resort và chọn phương tiện đi lại giá rẻ

Việc chốt được phương thức di chuyển cũng khá dài tập, tôi lên kế hoạch cho chuyến đi thực tế là từ cách đó 2 tháng. Ngày nào cũng lên coi vé xem hôm nay có những chặng nào đi Maldives, giá có rẻ không, resort thì nghiền ngẫm mỗi tối từ trên Booking, Youtube. Một tháng trước chuyến đi chúng tôi mới quyết định chốt đi đến đất nước vạn đảo này, bởi nhìn thấy giá vé không quá cao chấp nhận được, mà cả hai cũng rất máu me rồi.

Ban đầu tôi có trao đổi với một số blogger nước ngoài thì họ khẳng định là Olhuveli không để ý việc khách hàng sử dụng speedboat của resort hay không. Nhưng tôi vẫn chưa tin tưởng lắm và đã thử đặt qua Booking.com, sau đó email trực tiếp đến Resort, một mặt hỏi thông tin thông qua Booking.com. Chờ đợi khoảng 1 tuần vẫn không có phản hồi từ cả Booking lẫn Resort, thế là tôi yêu cầu Booking.com gọi điện trực tiếp cho Olhuveli bởi lịch lễ cưới của tôi đã khá gần và tôi không thể bị động chờ đợi được nữa.

Olhuveli Resort Maldives
Olhuveli Resort Maldives (mặt hơi phê tí)!

Cuối cùng vào một ngày xấu trời tôi nhận được một cú điện thoại đầu dây từ Singapore, mà lại giọng một bạn nữ nói tiếng Việt. Thì ra là nhân viên của Booking.com, cô bé nói với tôi rằng thông tin họ nhận được từ phía Booking là resort họ không cho phép tôi tự di chuyển, nếu tự di chuyển thì họ vẫn tính phí 277$/người phí transfer (bắt buộc). Tôi nghe biết vậy thôi, nghĩ là không dùng qua Booking được rồi, không nản lòng, tôi lại email tiếp cho resort và nói rằng tôi sẽ đặt phòng trực tiếp qua trang web của họ mà không qua Booking, và lần này thì họ email lại trả lời rằng họ cho phép tôi tự di chuyển đến Resort. Thật là bất ngờ, nghe tin này tôi thấy thở phào nhẹ nhõm, cái đích mình muốn sắp thực hiện được rồi…

Việc đặt trực tiếp qua website của Olhuveli khiến tôi mất đi quyền lợi giảm 10% giá phòng so với Booking (vì tôi là thành viên Genius của booking) nhưng so với việc giảm được phí di chuyển thì không đáng là bao. Bên cạnh việc email hỏi thông tin về việc transfer đến resort, tôi cũng đồng thời tìm guesthouse ở Guraidhoo để nhờ họ có thể đưa tôi đến resort bằng speedboat với giá tốt không. Sau khi hỏi gần như toàn bộ các chủ guesthouse trên đảo thì cuối cùng cũng tìm được người đưa chúng tôi đến resort, đó là guesthouse Royal Inn Guraidhoo, họ rất nhiệt tình trao đổi và cung cấp thông tin cho tôi.

Olhuveli Resort nhìn từ trên cao (Ảnh: Olhuveli Resort & Spa):

Lịch trình cụ thể và trải nghiệm du lịch bụi Maldives

Sau khi đã chốt được việc tìm resort, tôi tiếp tục lên kế hoạch cho việc nghỉ và đi lại ở những nơi khác ở Maldives. Khách sạn ở các đảo local như Maafushi, Guraidhoo hay Fulidhoo có giá giao động trong khoảng từ $30-60, với một phòng tiêu chuẩn như vậy bạn sẽ nhận được các tiện nghi như đồ uống chào mừng, phòng tiêu chuẩn với phòng tắm có nước nóng, đẹp, sạch sẽ và có điều hoà, wifi mạnh. Ngoài ra còn rất nhiều những thứ đồ dùng khác để đảm bảo bạn có cảm giác như ở nhà như nước sôi, máy sấy, két an toàn và bao bữa sáng.

Nên ở Maldives bao nhiêu ngày là đủ? Thực ra thì tuỳ vào điều kiện tài chính của từng người, cơ bản nhất theo tôi là tầm 5-7 ngày, bạn có thể dành 1-2 ngày ở Resort còn lại ở các đảo dân bản địa, hoặc có thể không ở resort mà đi daytrip đến đó. Ai muốn chỉ đến để nghỉ dưỡng thì ở cả tuần trên resort luôn.

Lịch trình cụ thể của tôi như sau

Ngày 1: Hà Nội - Kuala Lumpur - Male

Do chuyến bay của tôi đáp xuống Thủ đô Malé vào buổi tối nên tôi phải ngủ ở đây một đêm ở Khách sạn SeaHouse Maldives TopDeck Hotel nằm ở đảo Villingili. Để đến đây bạn cần bắt chuyến phà từ sân bay qua Male (7 mvr/người/lượt), sau đó bắt taxi (~1USD) qua bến bên kia của Male bắt phà đi sang Villingili (3 mvr/người/lượt) mất 10 phút. Khách sạn này nằm ngay bến phà Villingili. Ban đầu thì cảm giác khá oải vì phải di chuyển nhiều nhưng về sau thì không cảm thấy hối hận vì đảo này cũng rất đẹp, khách sạn dịch vụ ổn và buffet sáng rất ngon. Giá phòng thì gần như thuộc dạng thấp so với những khách sạn khác ở gần Male city (~$50 cả thuế phí bao gồm ăn sáng).

Ngày 2 - Maafushi - Guraidhoo:

10h sáng tôi bắt phà công cộng đi từ Male - Maafushi, đi Sand bank chụp choẹt và lang thang ở đây một buổi đến chiều tối tôi lại đi phà qua đảo Guraidhoo. Guesthouse tôi ở trên đảo là Royal Inn Guraidhoo, ông chủ ở đây rất mến khách và đầu bếp riêng nấu rất ngon. Giá phòng là $35/đêm cả thuế phí, thuộc hàng rẻ nhất ở Maldives. Ở đảo Maafushi bạn có thể cân nhắc đặt phòng ở Guesthouse Water Breeze , đây là guesthouse được đánh giá rất cao về độ tiện nghi và chất lượng phục vụ, đặc biệt có rất nhiều người Việt Nam cũng như dân du lịch bụi nước ngoài đề xuất.

Ngày 3-4 - Olhuveli Resort:

Chủ Guesthouse sẽ đưa tôi đến resort bằng speedboat của họ, tôi ở Resort Olhuveli trong 2 đêm.

Ngày 5 - Guraidhoo:

Check-out resort và quay trở lại Royal Inn Guraidhoo, đi snorkeling, câu cá ngắm hoàng hôn, tối ngủ lại ở đây 1 đêm.

Ngày 6: Male - Kuala Lumpur

Bắt phà quay trở lại Male, lang thang ở đây đến chiều tối rồi ra sân bay đón chuyến bay trở lại Kuala Lumpur - Malaysia.

Các kinh nghiệm khác về du lịch Maldives

Mùa du lịch Maldives

Mùa du lịch thấp điểm ở Maldives là từ tháng 4 đến tháng 9, khi đó là mùa mưa ở đây, các dịch vụ thời điểm đó giá cả mọi thứ như giá phòng khách sạn, resort hay đồ ăn cũng rẻ hơn so với mùa cao điểm, hay như dịch vụ Speedboat transfer ở các resort họ cũng có niêm yết riêng cho từng mùa. Các tháng còn lại trong năm thời tiết rất tốt để đi du lịch đến Maldives.

Hầu hết hàng hoá dịch vụ ở Maldives bạn đều phải trả thêm 11% tiền phí dịch vụ, 12% tiền thuế và $6 tiền phí môi trường/người (riêng phí môi trường áp dụng từ 01/11/2015). Giá cả ở đây đều cao do đất nước không tự sản xuất được, nên nếu bạn có ý định mua quà cho người thân thì nên mua ở các sân bay transit như KLIA, Colombo hay Changi. Tuy giá cả dịch vụ cao nhưng chắc chắn bạn sẽ hài lòng với những gì mình nhận được, bởi chất lượng dịch vụ là vô cùng tốt, họ chuẩn bị, tiếp đón bạn như vua, luôn ân cần hỏi thăm, tìm hiểu thông tin để giúp đỡ bạn mọi lúc mọi nơi. Đúng là một thiên đường thực sự.

Các đảo local - Đảo địa phương

Mỗi một đảo có người dân thường sinh sống mà bạn đặt chân đến sẽ là những trải nghiệm rất khác nhau. Đảo Maafushi là một đảo dành riêng cho du lịch với rất nhiều Guesthouse, các hoạt động vui chơi, bạn có thể tìm thấy một số quán ăn cũng như quầy bán đồ lưu niệm. Đảo Guraidhoo thì ngược lại, bãi biển hơi xấu nhưng rất yên tĩnh và không có nhiều guesthouse, mặc dù người dân ở đây cũng đang cố gắng làm cho nó sôi động hơn. Đảo Fulidhoo thì lại chủ yếu là người dân và ít khách du lịch, kiếm đồ ăn ở đây cũng rất khó khăn, một phần bởi vì người dân trên đảo không mấy người có thể nói được tiếng Anh.

Vấn đề tôn giáo

Maldives là quốc gia đạo Hồi nên bạn sẽ không được mặc đồ hở hang hay bikini ở những khu vực công cộng. Chỉ có ở các resort riêng hay ở Maafushi có một điểm gần bãi biển họ quây vào và bạn có thể tự do mặc bikini ở đây. Ngoài ra họ cũng cấm các đồ uống có cồn như bia rượu, tất nhiên điều này được miễn trừ ở các đảo tư nhân, resort, thậm chí bạn vẫn có thể tìm được tí cồn ở ngay đảo Maafushi nếu biết “nói nhỏ” với các Excursion shop, dân địa phương,v..v..

Về mua sim ở Maldives: Ở Maldives bạn có thể dễ dàng mua một chiếc sim với giá rất rẻ là $2 ở ngay sân bay hoặc các cửa hàng ở Male hay ở đảo Maafushi, Guraidhoo, nhưng không có tiền trong tài khoản. Để nghe gọi bạn phải top-up (nạp tiền), có nhiều gói cước kèm 3G (dung lượng hơn 1GB) để bạn lựa chọn nhưng nhìn chung là khá đắt, tầm ít nhất khoảng $10 trở lên/lần. Nếu bạn xác định không quá lâu thì cũng không cần thiết phải mua sim làm gì vì hầu hết các khách sạn, resort đều có wifi miễn phí để bạn truy cập internet hoặc gọi điện, liên lạc về nhà qua các cuộc gọi internet.

Cách ăn uống rẻ ở Maldives

Đồ ăn ở Maldives không có nhiều sự đặc biệt, chủ yếu là đồ hải sản và giá cũng rất cao (thường từ $5-10/bữa/người). Do là đảo du lịch nên họ phục vụ cả đồ Tây cũng như đồ ăn Đạo Hồi, có thể kể ra như bánh mỳ, trứng ốp la, cơm hải sản (rice, fish and chips, tuna fried rice),…, và Maafushi vẫn là nơi có nhiều lựa chọn nhất về ăn uống. Thông thường khách sạn sẽ bao bữa sáng cho bạn, để tiết kiệm bạn nên mang chút đồ đi và tự nấu, và ăn ngoài 1bữa/ngày sẽ giảm được kha khá, nhất là khi ở trong resort với chi phí một bữa buffet/người từ $50 trở lên.

Các lựa chọn ăn uống khi đặt phòng resort

Việc ăn uống khi đến resort là chúng ta phải phó thác hết cho họ rồi vì đảo này là tách biệt với các đảo lân cận, khi tìm và lựa chọn các gói đặt phòng thường sẽ có một số cân nhắc như sau:

Các hoạt động ở Maldives

Ở các Guesthouse, khách sạn hay resort đều có các tour như Snorkeling (lặn xem san hô, đảo rùa,..), đi chơi Sandbank (là những mô đất nhỏ nằm giữa biển phủ bởi cát trắng mịn) hay Daily tour đi các resort (giá thì vô cùng, thường chi phí đi lại từ Maafushi là $25/người với nhóm 4 người, giá vé vào cửa riêng và ăn uống trên resort cũng riêng rẽ). Giá tour trên đảo Maafushi thường rẻ nhất so với các đảo local khác, và giá ở các resort luôn là đắt nhất. Các tour đó tất cả bạn nên thương lượng với người dân ở đó (trừ resort họ có giá cố định và khá đắt) sẽ có giá tốt đến bất ngờ đấy, đặc biệt nếu đi theo nhóm đông từ 4 người trở lên thì giá sẽ rẻ hơn rất nhiều. Có thể list ra đây các hoạt động trên đảo hay resort mà bạn cân nhắc tham gia:

Chi phí tổng quan du lịch bụi Maldives (2 người)

Chi phí tổng quan:

1. Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Kuala Lumpur - Male: 800 USD2. Khách sạn: 1 đêm Villingili, 2 đêm Guraidhoo: 120 USD; Resort: 458 USD/2 đêm3. Đi lại ở Maldives: Đi phà công cộng ~ $20; phí transfer Guraidhoo - Olhuveli: $70.4. Ăn chơi: Sandbank $30/2 người (ban đầu họ đòi $35/người đấy), Câu cá, snorkeling: $100, còn lại ăn uống và các tour khác thì tuỳ theo nhu cầu riêng của từng người. Ví dụ như bạn có thể đi nhiều tour Snorkeling hơn, ăn uống thoải mái sẽ mất chi phí nhiều hơn (ăn uống ở đây đắt mà, nhất là ở Resort là $50/người/bữa).

Tổng các chi phí cố định: ~$1.600/2 người/6 ngày 5 đêm

Bài viết cũng đã đủ dài nhưng chắc chắn rằng chưa thể cover được hết các vấn đề về du lịch Maldives, bạn nào có thắc mắc gì xin comment ở phía dưới nhé tôi sẽ giải đáp. Thông tin chi tiết hơn tôi có tường thuật lại qua các bài viết về trải nghiệm 5 ngày du lịch Maldives.

Link nội dung: https://wikigerman.edu.vn/kinh-nghiem-du-lich-maldives-a34325.html