Trong các ngành nghề được đánh giá phát triển cao trong tương lai, Logistics vẫn đang xếp ở vị trí đầu bảng, không chỉ ở trong nước mà là toàn thế giới. Nếu bạn cũng đang quan tâm định hướng nghề nghiệp bền vững thì hãy cùng Ms. Uptalent tìm hiểu ngay tất tần tật về ngành Logistics và những thông tin về ngành này tại Việt Nam nhé. Nội dung bài viết bao gồm: 1- Logistics là gì? 2- Vai trò của ngành Logistics 3- Công việc ngành Logistics bao gồm? 4- Mức lương các vị trí phổ biến ngành logistics 5- Ai phù hợp làm Logistics? 5.1. Tố chất 5.2. Kỹ năng cần thiết 6- Ngành logistics học ở đâu? 6.1. Trường đào tạo 6.2. Chứng chỉ ngành Logistics ngắn hạn 7- Một số câu hỏi thường gặp 7.1. Logistics có phải là Quản lý chuỗi cung ứng (Supply chain)? 7.2. Phân biệt Logistics và Xuất Nhập Khẩu 7.3. Con gái có nên học Logistics không?
Xem thêm >>> Việc làm Logistics tại HRchannels.com
1- Logistics là gì?
Logistics là khâu trung gian đưa sản phẩm / dịch vụ từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng với tốc độ nhanh, an toàn, kịp thời, chi phí tiết kiệm và tối ưu công sức. Hoạt động Logistics tập trung vào công tác:
-
Quản lý hàng hóa: tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, lên kế hoạch sản xuất, đóng gói thành phẩm
-
Quản lý kho bãi: nhập / xuất kho, lưu trữ nguyên liệu/ thành phẩm, quản trị tồn kho
-
Quản lý vận chuyển: Xử lý đơn hàng, quản lý đội tàu, đóng container / thùng hàng, khai báo hải quan
-
Chăm sóc khách hàng, giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng….
Có nhiều tài liệu dịch Logistics là “Hậu cần”, nhưng nhìn vào những hoạt động kể trên, chúng ta thấy rằng Logistics đảm nhận vai trò lớn hơn nhiều so với việc chỉ đảm bảo cho hoạt động sau sản xuất diễn ra một cách suông sẻ, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng mà “Hậu cần” đảm nhận.
2- Vai trò của ngành Logistics
Vai trò Logistics có liên quan mật thiết đến hiệu quả kinh doanh trong nền kinh tế thế giới:
2.1. Thúc đẩy kết quả kinh doanh
Logistics hiệu quả sẽ giúp cho việc vận hành sản xuất cũng như tiêu thụ của doanh nghiệp trở nên suôn sẻ, thuận lợi, quan trọng nhất là tiết kiệm rất nhiều nguồn lực, trong đó phải kể đến chi phí sản xuất. Từ đó, tối ưu giá bán hàng hóa, thúc đẩy kết quả kinh doanh phát triển.
2.2. Kết nối doanh nghiệp và các đối tác
Mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các đối tác (nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà kho, bên vận chuyển…) được triển khai và kiểm soát một cách tự động. Tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa quy trình.
2.3. Đảm bảo nguồn hàng ổn định
Hàng hóa di chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ kịp thời, an toàn thông qua hệ thống lưu trữ, quản trị kho và quản trị vận chuyển hiện đại. Nhờ vậy, chất lượng luôn ổn định, không lo thiếu hụt nguồn cung và khắc phục tốt tình trạng tồn hàng trong kho.
2.4. Mở rộng cơ hội giao thương quốc tế
Logistics gắn kết hoạt động vận chuyển cung ứng trên toàn thế giới, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ hàng hóa cho các nhà sản xuất. Những vấn đề thủ tục, cách thức mua bán quốc tế trở nên đơn giản hơn nhờ có đội ngũ Logistics làm trung gian. >>>> Các bạn tham khảo : Logistic liệu có phải một ngành đang hot?
3- Công việc ngành Logistics bao gồm?
Nội dung công việc sẽ tùy thuộc vào chuyên môn nghiệp vụ Logistics mà nhân sự đảm nhận. Dưới đây là một số vị trí chuyên môn phổ biến:
3.1. Kinh doanh xuất nhập khẩu (Sales)
Cập nhật sản phẩm, dịch vụ, bảng giá… Logistics của doanh nghiệp
Phát triển mạng lưới khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ Logistics
Giới thiệu dịch vụ, thuyết phục khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ Logistics
Tối ưu sự hài lòng của khách hàng bằng việc theo sát, hỗ trợ, tư vấn và giải quyết vấn đề kịp thời.
Báo cáo định kỳ với quản lý trực tiếp.
3.2. Thu mua (Purchasing)
Thu nhận và phân tích yêu cầu thu mua từ các phòng ban gửi về
Khai thác hệ thống nhà cung cấp uy tín, liên tục cập nhật bảng giá và sản phẩm từ họ.
Định kỳ hoặc đột xuất khảo sát mặt bằng giá cả thị trường để so sánh và thương thảo với nhà cung cấp.
Tiến hành mua hàng, nhận hàng, kiểm hàng, vận chuyển về kho.
Lưu trữ đầy đủ số liệu, chứng từ thu mua để kịp thời thanh toán cho đối tác theo thỏa thuận
Báo cáo định kỳ cho quản lý trực tiếp.
3.3. Chứng từ xuất nhập khẩu (Documentation)
Thu thập dữ liệu, hoàn tất mọi chứng từ phục vụ quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa (hợp đồng thương mại, vận đơn, hóa đơn (Invoice), bảng kê khai chi tiết hàng (Packing List), chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng thư hun trùng (Fumigation)…)
Phối hợp cùng bộ phận khai báo thanh lý hải quan để hoàn tất thông quan hàng hóa
Cập nhật liên tục quá trình lô hàng từ lúc nhận đến khi giao, phối hợp kịp thời các bên liên quan để giải quyết vấn đề.
Sắp xếp thanh toán với đơn vị vận chuyển (hãng tàu, hãng hàng không, đại lý giao nhận…) theo thời gian quy định.
Báo cáo định kỳ cho quản lý trực tiếp.
3.4. Thanh toán quốc tế (International Payments)
Cập nhật thường xuyên nghiệp vụ thanh toán quốc tế, tập quán thanh toán quốc tế của nhiều quốc gia.
Hoàn tất bộ chứng từ thanh toán quốc tế với đầy đủ thông tin chuẩn xác theo tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia.
Triển khai quá trình thanh toán theo đúng thỏa thuận trên hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp và đối tác, cũng như giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác và hợp pháp theo quy định thanh toán quốc tế.
Theo dõi thường xuyên tiến trình thanh toán, kịp thời tác động xử lý vấn đề.
Lưu trữ, bảo mật hồ sơ theo tiêu chuẩn và theo thỏa thuận riêng với từng đối tác.
Báo cáo định kỳ với quản lý trực tiếp.
3.5. Khai thác hiện trường (Operations)
Tiếp nhận chứng từ cần thiết (từ phòng kinh doanh, phòng chứng từ) và hàng hóa liên quan theo từng lô hàng Logistics.
Kiểm tra và sắp xếp hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia.
Thực hiện các nghĩa vụ thuế, triển khai công tác thông quan hàng hóa theo thỏa thuận
Chuyển hàng lên phương tiện vận chuyển, theo sát tiến trình nhằm đảm bảo hàng hóa được an toàn, nguyên vẹn khi giao.
Báo cáo định kỳ theo yêu cầu.
3.6. Điều phối viên (Coordinator)
Nắm bắt thông tin của các bên liên quan để lên lịch vận chuyển Logistics khoa học theo thứ tự hoặc ưu tiên khi cần thiết.
Tư vấn, giải đáp thắc mắc của khách hàng về quy trình và lịch trình của từng lô hàng phụ trách.
So sánh, kiểm soát thông tin trùng khớp giữa chứng từ và hàng hóa thực tế trước khi triển khai vận chuyển.
Chủ động giải quyết nhanh mọi phát sinh trong quá trình điều phối, vận chuyển hàng hóa.
Theo dõi và ký xác nhận chi phí vận chuyển hợp lý theo thực tế của từng lô hàng
Đối chiếu thông tin với khách hàng ở điểm đến về số lượng, chất lượng hàng hóa…
Báo cáo định kỳ theo yêu cầu.
3.7. Kho vận (Warehouse)
Tổng hợp chứng từ cần thiết, sắp xếp không gian lưu kho và lên lịch trình quản trị hàng hóa trong kho.
Nắm rõ các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo quản, lưu kho, vận chuyển từng mặt hàng để có sự sắp xếp phù hợp nhất.
Triển khai lưu kho, xuất nhập hàng hóa trong kho theo kế hoạch với các phòng ban, với đối tác vận chuyển và với kho ở điểm giao/nhận.
Kiểm kê kho, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.
3.8. Khai báo hải quan (Customs Clearance)
Trực tiếp làm việc với cơ quan hải quan trong suốt quá trình thông quan hàng hóa.
Phân loại hàng, xác định mã hàng, lên tờ khai, nhập số liệu lên hệ thống phần mềm hải quan… chuẩn xác
Thanh toán chi phí khai báo thanh lý hải quan cho lô hàng theo quy định pháp luật hải quan.
Tổng hợp, soạn thảo giấy tờ cần thiết để lưu trữ, giao cho khách hàng hoặc giao cho các bộ phận Logistics khác trong tổ chức.
Tư vấn, hỗ trợ khách hàng các vấn đề về thanh lý hải quan và luật khai báo hải quan
Báo cáo định kỳ theo yêu cầu. Xem thêm >>> Dịch vụ logistics: đặc điểm, loại hình và các doanh nghiệp lớn
3.9. Chăm sóc khách hàng (Customer Service)
Thu thập thông tin lô hàng để lên kế hoạch triển khai Logistics phù hợp.
Hỗ trợ Sales làm báo giá và gửi cho khách hàng khi cần thiết.
Tiến hành đặt chỗ vận chuyển ở các tổ chức dịch vụ trong nước và quốc tế.
Gắn kết liên lạc với các đại lý giao nhận hàng hóa, đảm bảo quá trình Logistics được diễn ra thông suốt.
Cung cấp thông tin cập nhật, tư vấn và phối hợp xử lý vấn đề, giải quyết khiếu nại phát sinh
Báo cáo định kỳ theo yêu cầu
3.10. Giao nhận (Forwarder)
Đến địa điểm người gửi hàng để kiểm tra số lượng, cân hàng, lên mã vận đơn trước khi tiếp nhận hàng hóa
Xác nhận chuẩn xác thông tin phía nhận hàng (tên người nhận, địa chỉ nhận, điện thoại liên lạc…)
Sắp xếp phương tiện, phương thức vận chuyển hàng hóa phù hợp (sắp xếp xe, đội bốc xếp, lựa chọn container sạch, nhận booking của hãng tàu…)
Tiến hành vận chuyển hàng hóa đến tay người nhận, hoặc tiến hành thông quan (đối với hàng xuất khẩu) để hàng được xếp lên các phương tiện vận chuyển quốc tế.
Lưu trữ hồ sơ, chứng từ xác nhận giao hàng đạt tiêu chuẩn cho người nhận hoặc cho bên vận chuyển.
Theo dõi lô hàng, xử lý vấn đề phát sinh đảm bảo hàng giao nhận thuận lợi, an toàn.
Báo cáo định kỳ theo yêu cầu.
4- Mức lương các vị trí phổ biến ngành logistics
Mức lương của ngành Logistics tùy vào vị trí công việc và kinh nghiệm làm việc. Phổ biến một số vị trí ở cấp độ nhân viên hiện nay đang ở mức:
Vị trí công việc
Mức lương (chưa tính hoa hồng, phụ cấp…) (triệu
đồng/tháng)
Nhân viên/Chuyên viên
(Kinh nghiệm 0 - 3 năm)
Quản lý tầm trung
(Kinh nghiệm >3 - 5 năm)
Quản lý cấp cao
(Kinh nghiệm > 5 năm)
Kinh doanh xuất nhập khẩu (Sales)
7,5 - 14,6
17 - 26,2
26,3 - 42,3
Thu mua (Purchasing)
8,1 - 11,6
17,3 - 24,5
20 - 40
Chứng từ xuất nhập khẩu (Documentation)
7,3 - 15
14 - 23
20 - 50
Thanh toán quốc tế (International Payments)
8,6 - 15,6
15 - 23
27,6 - 42,5
Khai thác hiện trường (Operations)
7,1 - 12
15 - 20,5
24,6 - 47,9
Điều phối viên (Coordinator)
7,8 - 11,1
11,7 - 17,2
17 - 30
Kho vận (Warehouse)
7,5 - 12
15,5 - 30
30 - 54,7
Khai báo hải quản (Customs Clearance)
7,9 - 13,4
15,3 - 24,4
19,8 - 35
Chăm sóc khách hàng (Customer Service)
7,1 - 15
18,4 - 25,6
21,2 - 46
Giao nhận (Forwarding)
7,8 - 18
15,9 - 25
21,8 - 45
Xuất nhập khẩu là ngành dịch vụ chắc chắn sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển giao thương quốc tế nên trong ngành Logistics có mức độ an toàn về nhu cầu tuyển dụng khá cao. So với các quốc gia khác, mặt bằng lương của Việt Nam chưa cao nhưng bù lại, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực nên xét về thu nhập vẫn ở mức tốt.
Muốn hướng đến mức lương cao hơn, ngoài việc đầu tư chuyên sâu mảng nghiệp vụ mà mình đảm nhận để thăng cấp chức vụ thì bạn có thể hướng đến những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc những cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế. (Một số vị trí ngành Logistics đang tuyển dụng tại HRchannels với mức lương nghìn USD) Tham khảo >>> 12 câu hỏi phỏng vấn phổ biến ngành Logistics
5- Ai phù hợp làm Logistics?
Logistics là ngành mang tính quốc tế, cần sự liên kết phối hợp chặt chẽ với độ chuẩn xác cao, vì vậy để thành công trong ngành này thì người đảm nhận công việc cần sở hữu cao một vài tố chất, kỹ năng đặc biệt:
5.1. Tố chất
Thứ nhất, Tỉ mỉ, cẩn trọng từng chi tiết
“Sai một ly là đi một dặm”, trong logistics thì có thể đi cả nghìn dặm luôn dù là sai sót ở một chi tiết nhỏ. Đơn cử như vận đơn không khớp số lượng sẽ không lấy hàng ra cảng được, hay đặt sai số hiệu chuyến bay khiến hàng giao không đúng địa chỉ… Do đó, làm việc trong ngành Logistics cần tập trung, tỉ mỉ và cẩn thận kiểm tra nhiều lần trong quá trình phối hợp làm việc.
Thứ hai, Bình tĩnh trong mọi tình huống
Dù đã có một hệ thống vận hành theo quy trình chuẩn nhưng những tình huống phát sinh là điều luôn “sẵn sàng” xuất hiện đối với ngành này. Ví dụ:
-
Hàng trên đường chở ra kho tập kết bị mưa ướt nên không đủ số lượng đơn đặt hàng
-
Xe chở container ra cảng trễ, không kịp lên tàu, lưu container ở bãi bị phát sinh chi phí…
Một ngày sẽ phải xử lý rất nhiều lô hàng, mỗi lô mỗi vẻ, nếu không bình tĩnh đối mặt sẽ khó mà sắp xếp ổn thỏa tất cả.
Thứ ba, Khả năng chịu áp lực công việc
Logistics là một ngành dịch vụ, mà dịch vụ thì bạn biết rồi đấy luôn phải hướng đến sự hoàn hảo 24/7 để đáp ứng tốt nhất mong đợi từ khách hàng. Ngoài khung giờ làm việc không cố định (làm thêm giờ là chuyện bình thường) thì rất nhiều kỳ vọng từ phía khách hàng, cũng như ý thức trách nhiệm cá nhân trong công việc cũng đủ khiến bạn áp lực.
Thứ tư, Tuân thủ quy trình vận hành
Ngành logistics có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu trong toàn hệ thống, do vậy, nhân sự làm việc trong ngành cũng phải tuân thủ quy trình đó. Sự thay đổi hay sáng tạo không nhiều, có chăng là cách bạn linh hoạt ứng phó để đạt kết quả tốt nhất trong phần quy trình mà mình đảm nhận mà thôi.
Thứ 5, Chủ động đối mặt vấn đề
Việc giấu giếm hoặc né tránh chỉ khiến hệ lụy của vấn đề tệ hơn mà thôi. Vì vậy, làm việc trong ngành Logistics là phải chấp nhận đối mặt vấn đề. Chủ động liên lạc khách hàng để thông báo ngay khi có những sự cố phát sinh (ví dụ container không lên được tàu, vận chuyển không kịp che mưa nên hàng bị ướt…). Làm như vậy hướng giải quyết tốt nhất mới được chốt nhanh chóng. Thực tế, khách hàng xuất nhập khẩu cũng hiểu những tình huống bất khả kháng này nên sẽ tích cực hợp tác.
5.2. Kỹ năng cần thiết
Một là, Giao tiếp tuyệt vời
Ngoài việc giao tiếp với đối tác để hiểu rõ hơn về trách nhiệm và tiêu chuẩn hoàn thành công việc được yêu cầu thì kỹ năng giao tiếp còn giúp chúng ta tạo dựng nhiều mối quan hệ hỗ trợ trong công việc. Như việc xin thêm thời gian hạ container ở cảng (trường hợp container có khả năng đến cảng trễ) hay xin miễn giảm chi phí sửa lại chứng từ cho khớp số liệu.
Hai là, Giải quyết vấn đề nhanh nhạy
Vấn đề có thể phát sinh bất cứ lúc nào, ở bất cứ lô hàng nào, chúng ta khó mà dự đoán trước được. Ta chỉ có thể trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt để dù đối mặt với phát sinh gì, ta cũng có thể bình tĩnh, tỉnh táo để tiến hành từng bước giải quyết, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Ba là, Khả năng quản lý thời gian tốt
Chắc chắn rồi, một nhân sự Logistics cùng một lúc sẽ phải đảm nhận rất nhiều lô hàng, mà mỗi lô hàng lại đang ở những giai đoạn triển khai khác nhau. Áp lực thời gian, áp lực hiệu quả, chưa kể những phát sinh xen ngang nữa, không có kỹ năng quản lý tốt thời gian, bản thân sẽ dễ bị rối khi quản lý công việc.
Bốn là, Kỹ năng quản trị
Không phải là quản trị gì to tát đâu nên bạn đừng lo nhé, ở đây, Ms. Uptalent muốn đề cập đến kỹ năng nắm rõ quy trình vận hành của chuỗi Logistics mà mình đang tham gia. Như vậy, dù bạn không rành về chuyên môn ở những khâu khác nhưng khi có vấn đề cần phối hợp giải quyết, bạn sẽ biết ngay mình cần tìm đến nhân sự ở khâu nào, tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn.
6- Ngành logistics học ở đâu?
Để sở hữu tấm bằng đúng ngành Logistics, dễ dàng xin việc và có nền tảng để phát triển cao hơn, bạn có thể chọn một trong hai cách:
6.1. Trường đào tạo
Lựa chọn một khóa học dài hạn được đào tạo chính quy tại các trường cao đẳng, đại học. Thời của Ms. Uptalent, số lượng trường đào tạo Logistics rất ít và chỉ tập trung vào khối A (Toán - Lý - Hóa) nhưng giờ đây thì khác, Logistics được xem là ngành “hot” nên rất nhiều trường có hẳn chuyên khoa đào tạo riêng.
Các khối thi dành cho thí sinh muốn học ngành Logistics:
A00: Toán, Lý, Hóa
A01: Toán, Lý, Anh văn
D01: Toán, Văn, Anh văn
C00: Văn, Sử, Địa
C01: Văn, Toán, Lý
D90: Toán, Khoa học tự nhiên, Anh văn
Danh sách trường đào tạo Logistics nổi bật
Khu vực phía Bắc:
-
Đại học Kinh tế Quốc dân
-
Đại học Bách Khoa Hà Nội
-
Đại học Ngoại thương Hà Nội
-
Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
-
Đại học Thương Mại
Bạn quan tâm >>> Logistics Manager là gì? Tất tần tật công việc Logistics Manager Khu vực miền Trung
-
Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
-
Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
-
Đại học Duy Tân
-
Đại học Kiến Trúc
-
Đại học Đông Á
-
Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn
Khu vực miền Nam
-
Đại học Kinh tế TP.HCM
-
Đại học Bách Khoa TP.HCM
-
Đại học Giao thông vận tải TP.HCM
-
Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM
-
Đại học FPT
Do nhu cầu cao nên ngành Logistics gần như đều đã hiện diện ở mọi trường đào tạo đại học, cao đẳng trên cả nước (cả công lập, dân lập và tư thục). Nếu xét về tính chất công việc thì Ms. Uptalent nhận thấy những trường thiên về kỹ thuật và kinh tế vẫn hiệu quả hơn vì tại đây có sự liên kết thuận lợi tới những khoa chuyên ngành có mối liên hệ mật thiết đến nghiệp vụ Logistics, mang đến nguồn kiến thức toàn diện cho sinh viên.
6.2. Chứng chỉ ngành Logistics ngắn hạn
Trường hợp bạn muốn đổi ngành, muốn thử sức ở lĩnh vực logistics và không có thời gian để theo học những chương trình dài hạn. Bạn hoàn toàn có thể theo các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên về Logistics. Bạn tham khảo đầy đủ, chi tiết >>> Lựa chọn khóa học logistics như thế nào?
Rất nhiều nhà tuyển dụng ngành Logistics hiện nay chấp nhận ứng viên học trái ngành vào làm việc, nếu bạn có thêm chứng chỉ Logistics nữa thì lợi thế cạnh tranh càng tốt hơn. Đây là các chứng chỉ quan trọng phổ biến đối với trong ngành bạn nên biết:
-
Chứng chỉ hiệp hội các chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng (CSCMP- SCPro)
-
Chứng chỉ sản xuất và quản lý hàng tồn kho (CPIM)
-
Chứng chỉ Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA)
-
Chứng chỉ quản lý chuỗi cung ứng (CSCP)
-
Chứng chỉ Logistics, Vận tải và phân phối (CLTD)
-
Chứng chỉ quản lý nguồn cung ứng (CPSM)
>>>> Có thể bạn quan tâm: Top các công ty Logistics lớn nhất tại Việt Nam
7- Một số câu hỏi thường gặp
7.1. Logistics có phải là Quản lý chuỗi cung ứng (Supply chain)?
Logistics nhiều vai trò hơn Hậu cần, vậy Logistics có phải là chuỗi cung ứng không? Nói về chuỗi cung ứng thì đây là một hệ thống trải dài từ khâu lên kế hoạch nguồn cung, sản xuất, phân phối và chăm sóc khách hàng.
Như vậy, Logistics là một phần nằm trong Chuỗi cung ứng, nên khi nói về hai khái niệm này luôn là sự đồng hành “Logistics” và “Quản lý chuỗi cung ứng” nhằm khẳng định vai trò trọng tâm của Logistics trong hệ thống chuỗi này nhưng không phải là tất cả của chuỗi cung ứng.
7.2. Phân biệt Logistics và Xuất Nhập Khẩu như thế nào?
Nhắc đến Logistics là ta thấy nhắc nhiều về Vận đơn, Khai hải quan, Đội tàu… nên dễ khiến mọi người liên tưởng đến hoạt động Xuất nhập khẩu. Tuy nhiên đây là hai phạm trù khác nhau, khi
-
Logistics thiên về quá trình điều phối, kiểm soát hàng hóa từ nơi đi đến nơi đến. Mục tiêu đảm bảo an toàn, kịp thời và chuẩn xác cho quá trình vận chuyển.
-
Xuất nhập khẩu thiên về hoạt động mua bán giữa người mua và người bán ở những vùng lãnh thổ khác nhau. Mục tiêu tối đa lợi nhuận, mở rộng thị trường tiêu thụ và thị trường cung cấp hàng hóa.
7.3. Con gái có nên học Logistics không?
Công việc Logistics nhìn bề ngoài sẽ thấy sự di chuyển và tất bật liên tục nên nhiều bạn nữ rất thích nhưng lại ngại sức khỏe không phù hợp. Thực tế thì Logistics bao hàm rất nhiều khâu, trong đó có những khâu rất phù hợp với các bạn nữ, điển hình như Chứng từ xuất / nhập khẩu, Booking (đặt chỗ vận chuyển), Chăm sóc khách hàng, Nhân viên kinh doanh… Với tố chất tỉ mỉ, cẩn thận đặc trưng của phái nữ, bạn sẽ phát huy rất tốt năng lực ở những vị trí này, cho nên các bạn nữ học Logistics vẫn rất phù hợp nhé.
Trên đây là những thông tin hữu ích về ngành Logistics, hy vọng qua nội dung Ms. Uptalent vừa chia sẻ, bạn đọc sẽ có thêm định hướng nghề nghiệp giá trị cho bản thân và cho con cháu của mình. Nếu các bạn cần thêm thông tin gì về ngành Logistics hay những ngành nghề khác, vui lòng liên lạc với Ms. Uptalent thông qua hộp thư tư vấn tại trang web. Rất hân hạnh khi được kết nối cùng mọi người.
Hy vọng qua những gì Uptalent chia sẻ trong bài viết này, các bạn hiểu vàcó định hướng tốt nhất để có một sự nghiệp thành công trong ngành này.
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam Nguồn ảnh: internet