Muốn bảo vệ môi trường, trước hết chúng ta cần định nghĩa được khái niệm môi trường là gì? Nhận diện rõ thành phần của môi trường sống, mức độ ảnh hưởng của môi trường đến cuộc sống của con người và sinh vật sống. Bài viết này hãy cùng định nghĩa về môi trường cũng như lý do và các nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Môi trường là gì?
Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc: “Môi trường là tổng hòa tất cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển và tồn tại của một tổ chức sinh vật. Môi trường liên quan tới các điều kiện vật lý ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, địa chất, hiểm họa) và các dịch vụ hệ sinh thái chứa đựng chúng (như carbon, các vòng dinh dưỡng và thuỷ học)”.
Ở Việt Nam, định nghĩa môi trường là gì được quy định tại khoản 1 điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như sau: “Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”.
Hiểu một cách đơn giản môi trường là tất cả những điều kiện quan trọng thiết yếu cho sự sống của con người và các sự sống khác tồn tại song song với con người, bao gồm:
- Đất.
- Nước.
- Không khí.
- Ánh sáng.
- Âm thanh.
- Lòng đất.
- Núi, rừng.
- Sông, hồ, biển.
- Sinh vật.
- Hệ sinh thái.
- Khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.
Trong đó, không khí, đất, nước, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên,… là các yếu tố tự nhiên; khu dân cư, khu sản xuất, di tích lịch sử… là yếu tố vật chất nhân tạo. Không khí, đất, nước, khu dân cư… là các yếu tố cơ bản duy trì sự sống, còn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh… có tác dụng làm cho cuộc sống của con người thêm phong phú và sinh động.
Vì sao cần bảo vệ môi trường?
Với khái niệm môi trường là gì ở trên, có thể thấy, môi trường chính là không gian sống quan trọng đối với con người và sinh vật, bảo vệ môi trường tức là đang bảo vệ con người và sự sống nói chung một cách lâu dài.
Bảo vệ môi trường hiện là nhiệm vụ cấp thiết khi các yếu tố của môi trường đang bị khai thác quá mức dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường ô nhiễm thì cuộc sống của con người và sinh vật sống sẽ chịu ảnh hưởng, thậm chí là bị đe doạ. Chẳng hạn, ô nhiễm nước gây ra hàng loạt bệnh ung thư ở người, ô nhiễm không khí là căn nguyên của bệnh đường hô hấp, đất bị ô nhiễm xâm nhập vào tầng nước ngầm khiến con người nhiễm kim loại nặng, cây cối kém phát triển,…
>>> Xem thêm: Bảo vệ môi trường khi phát triển ngành dệt nhuộm
7 nguyên tắc bảo vệ môi trường
Các nguyên tắc bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Hy vọng với những chia sẻ trên chúng ta đã nắm rõ khái niệm môi trường là gì, cũng như ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của mỗi trường đến bản thân và thế hệ sau này để chủ động bảo vệ môi trường sống mỗi ngày, mỗi giờ trong từng hành động nhỏ.
>>> Xem thêm: Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi mới nhất!