Theo TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính là hai lĩnh vực có sự tương tác rất lớn.
Đó cũng là lý do khiến nhiều thí sinh lúng túng không biết nên chọn ngành Công nghệ thông tin hay ngành Khoa học máy tính.
TS. Huyền đã đưa ra những thông tin để phân biệt hai ngành này cũng như cơ hội nghề nghiệp của từng lĩnh vực.
TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)Theo TS Huyền, trên thực tế, các chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính sẽ giúp sinh viên hiểu rõ máy tính hoạt động như thế nào, trên cơ sở đó ứng dụng trong việc phân tích, thiết kế, cài đặt các hệ thống phần mềm. Trong khi đó, hầu hết các chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin sẽ tập trung trang bị cho sinh viên khả năng sử dụng các công cụ phần cứng và phần mềm để xây dựng giải pháp đáp ứng nhu cầu lưu trữ và xử lý thông tin cho các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể hơn, TS Huyền cho biết, các chương trình đào tạo Khoa học máy tính cung cấp các kiến thức toán học cho khoa học máy tính, kiến trúc máy tính và hệ thống máy tính, thuật toán, tổ chức dữ liệu và lập trình. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu các kiến thức công nghệ để triển khai xây dựng phần mềm. Tuy nhiên, ngoài định hướng xây dựng phần mềm, Khoa học máy tính còn có định hướng chuyên sâu về lý thuyết như lý thuyết thuật toán, tối ưu hoá, học máy…
Còn các chương trình đào tạo Công nghệ thông tin có các học phần chuyên sâu về thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu, mạng máy tính và truyền thông, bảo đảm an ninh hệ thống máy tính. Mặc dù công việc chính của chuyên gia công nghệ thông tin không phải là lập trình, nhưng họ cũng không thể thiếu được các kiến thức toán học và lập trình cơ bản.
Tóm lại, theo TS Huyền, các khung chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin thường chung nhau nhiều nội dung cơ bản và cả một số học phần lựa chọn. Nội dung khác nhau chủ yếu tập trung ở mức độ chuyên sâu về thuật toán và lập trình hay các công nghệ lưu trữ, truyền thông và xử lý thông tin.
“Các lĩnh vực chuyên sâu trong các chương trình đào tạo liên quan tới Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin rất đa dạng. Thí sinh có nhiều lựa chọn, từ những ngành truyền thống như Hệ thống thông tin, Truyền thông và mạng máy tính, Toán Tin, tới những ngành mới như An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu.
Việc chọn ngành về Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính nên dựa vào năng lực sở trường của thí sinh. Có những bạn thấy Khoa học máy tính dường như khó hơn vì nhiều vấn đề lý thuyết. Trong khi đó, có những bạn thấy rất khó khăn khi phải thường xuyên thích ứng và làm chủ các công nghệ mới, hay phải giao tiếp với khách hàng để hiểu nhu cầu và cung cấp giải pháp”, TS Huyền cho hay.
Cơ hội việc làm cho sinh viên
TS. Nguyễn Thị Minh Huyền cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thường không có sự phân biệt sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến Khoa học máy tính hay Công nghệ thông tin.
Từ nhiều năm nay, thị trường công nghệ thông tin có rất nhiều vị trí công việc liên quan tới khoa học máy tính như lập trình web, lập trình trên thiết bị di động, lập trình nhúng, phân tích, thiết kế hệ thống phần mềm, bên cạnh các vị trí chuyên gia công nghệ thông tin như quản trị dự án, quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị mạng, phụ trách phân tích an ninh hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật, …
Thống kê dự báo năm 2022, thị trường Công nghệ thông tin vẫn thiếu khoảng 150.000 nhân lực trong tổng nhu cầu 530.000 nhân lực. Hơn nữa, theo Dự thảo Chiến lược quốc gia về vấn đề công ty công nghệ số, Việt Nam đề ra mục tiêu tới năm 2030 đạt 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số.
“Những con số này thể hiện cơ hội cực kỳ lớn dành cho sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan tới Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số của đất nước.
Trong tương lai, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu thị trường sẽ thắt chặt hơn sự phân loại về trình độ cho các ngành này. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng sẽ chú ý tới các kỹ năng mềm cũng như khả năng thích ứng nhanh với sự đổi mới liên tục của công nghệ. Đặc biệt, một số lĩnh vực chuyên sâu như Trí tuệ nhân tạo và Học máy, Khoa học dữ liệu, An ninh mạng hay Điện toán đám mây được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao”, TS Huyền thông tin.
>>> Mời quý phụ huynh và học sinh tra cứu điểm chuẩn đại học năm 2021
Thúy Nga