Thận trái của bà P. có chồi, chảy máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm, có xâm lấn cơ thắt lưng, cần cắt bỏ toàn bộ thận để ngăn di căn.
Tưởng nang thận hóa ung thư thận
6 tháng trước, bà P.Q.P. (54 tuổi, Bạc Liêu) đến bệnh viện gần nhà khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ siêu âm bụng nhận thấy thận trái của bà có một khối nang. Nghĩ là nang đơn giản, lành tính, bác sĩ hẹn bà 6 tháng sau quay lại tái khám.
Đúng lịch hẹn, 6 tháng sau, bà P. quay lại bệnh viện siêu âm, phát hiện nang thận trái chảy máu, có chồi bên trong, nghi ác tính nên giới thiệu bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám chuyên sâu.
Đọc kết quả siêu âm trước đó của bà P., thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Trúc, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho bà chụp cắt lớp vi tính (CT) có tiêm thuốc cản quang nhằm chẩn đoán ung thư thận rõ ràng, chính xác hơn.
Kết quả CT xác định, khối u ở thận trái của bà là dạng ung thư tế bào thận, có xâm lấn cơ thắt lưng, kích thước 6cm. Khối u nằm ở rốn thận, nơi tập trung động mạch và tĩnh mạch thận, không thể bảo tồn thận. Do đó, sau khi hội chẩn với bác sĩ khoa Ung bướu và khoa Tiết niệu, bác sĩ Trúc chỉ định mổ mở cắt toàn bộ thận trái.
Bác sĩ Trúc cho biết thêm riêng với ung thư thận, nếu trên CT hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) đã xác định rõ ràng là u ác tính như trường hợp bà P., có thể bỏ qua bước sinh thiết. Trong trường hợp này, sinh thiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ như gây chảy máu, sinh thiết không đúng vào vùng ung thư, thu thập không đủ mẫu, gây viêm thận mạn tính… khiến kết quả sinh thiết không đủ độ tin cậy.
Ngoài ra, trên ảnh chụp CT nhận thấy chức năng cả hai thận của người bệnh đều tốt. Người bệnh không mắc các bệnh nền có nguy cơ suy thận cao như tiểu đường hay cao huyết áp. Do đó, cũng không cần làm xét nghiệm xạ hình thận (xét nghiệm đánh giá chức năng thận trước phẫu thuật cắt thận).
Sau hơn 60 phút, các bác sĩ khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đã tách phần thận trái dính cơ thắt lưng, sau đó, cắt và lấy toàn bộ quả thận và khối u ung thư ra khỏi cơ thể người bệnh. Kích thước khối u gần tương đương với kích thước quả thận của người bệnh.
Theo bác sĩ Trúc, từ thực tế phẫu thuật, nhận thấy ung thư thận ở giai đoạn sớm, không có hạch, chỉ dính với cơ thắt lưng chứ chưa xâm lấn. Vì vậy, người bệnh chỉ cần theo dõi sức khỏe định kỳ, chưa cần can thiệp thêm hóa trị.
3 ngày sau phẫu thuật, bà P. phục hồi nhanh, ít đau, chức năng thận phục hồi tốt, được xuất viện.
Bác sĩ Trúc cho biết do chức năng thận phải của bà P. còn tốt nên sau phẫu thuật cắt thận trái, thận phải sẽ tăng công suất hoạt động để bù đắp cho thận trái, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bà trong tương lai. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, dược phẩm nào để tránh gây hại cho thận.
Ung thư phổ biến thứ 3 trong hệ tiết niệu
Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN), thống kê năm 2022 có 434.840 ca mắc mới ung thư thận và gần 155.953 trường hợp tử vong. Ung thư thận là ung thư phổ biến thứ 3 trong các loại ung thư hệ tiết niệu, chỉ xếp sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang.
Cùng thời điểm tại Việt Nam, GLOBOCAN ghi nhận ung thư thận là ung thư tiết niệu thường gặp thứ hai, chỉ sau ung thư tuyến tiền liệt, với 2.246 ca mắc mới và 1.112 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân gây ung thư thận hiện chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành ung thư thận gồm: thói quen hút thuốc lá, thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại; người thừa cân - béo phì; người bệnh tăng huyết áp, suy thận mạn đang lọc máu; có người thân mắc ung thư thận; lạm dụng các loại thuốc giảm đau; mắc một số bệnh di truyền nhưng ít gặp như bệnh Von Hippel-Lindau (rối loạn thần kinh da di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi các khối u lành tính và ác tính ở nhiều cơ quan).
Bác sĩ Trúc cho biết ung thư thận thường không gây triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện nhờ các chẩn đoán hình ảnh khi kiểm tra sức khỏe, tương tự trường hợp bà P. Một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu đau hông lưng, tiểu ra máu… Nếu người bệnh có thêm triệu chứng đau nhức xương hoặc ho dai dẳng, khả năng cao ung thư đã di căn.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư thận được ưu tiên. Trường hợp khối u còn nhỏ, chưa di căn, có thể chỉ cần cắt một phần thận. Tuy nhiên, với khối u lớn và nằm gần các mạch máu chính của thận như trường hợp bà P., bác sĩ buộc cắt toàn bộ quả thận.
Nếu ung thư thận đã bước sang giai đoạn di căn, ngoài phẫu thuật cắt toàn bộ thận và khối u, người bệnh cần điều trị bổ sung như xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch.
Bác sĩ Trúc khuyên mọi người, nhất là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như đã nêu trên, cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện ung thư thận và điều trị phù hợp.