Quá khứ huy hoàng của văn học dành cho công nhân
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, những câu thơ trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận viết từ năm 1958 vẫn ngân vang đến hôm nay như khúc tráng ca ca ngợi công việc của ngư dân.
Văn học viết về người lao động từng có nhiều tác phẩm lay động lòng người như thế. Văn học từng khắc họa thành công về những người lao động ở nông trường Điện Biên trong “Mùa lạc” (Nguyễn Khải) với triết lý sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ hy sinh, gian khó; hình tượng anh kỹ sư và những người đang thầm lặng ngày đêm cống hiến cho quê hương, đất nước trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long…
Trong địa hạt viết về người công nhân, công nghiệp, trước đây cũng có tác phẩm để lại dấu ấn như: Gió tươi (Nguyễn Sơn Hà), Đêm ấy vùng than ai thức (Lý Biên Cương), Người kiểm tu (Tô Ngọc Hiến), Mở hầm (Nguyễn Dậu), Những ngày thường đã cháy lên (Xuân Cang), Đứng trước biển (Nguyễn Mạnh Tuấn)...
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng hồi tưởng thời thanh xuân của bà (những năm 1970-1980), văn học viết về người lao động nói chung, về người công nhân nói riêng rất huy hoàng. “Những tác phẩm thời ấy đánh thức cả một thế hệ” - nhà thơ nói.
Theo đánh giá của nhà thơ Hoàng Việt Hằng, từ những năm 1990 trở đi, những tác phẩm văn học đề tài công nhân dần phai nhạt trong công chúng, tác phẩm mới về đề tài này cũng rất ít. Còn nhà văn Uông Triều thì tỏ ra bối rối khi được hỏi anh ấn tượng với tác phẩm nào viết về người lao động hiện nay. Vốn là biên tập viên một tạp chí văn học, tiếp xúc với tác phẩm văn chương đương thời và liên quan nhiều đến bếp núc bản thảo, Uông Triều thừa nhận, anh nhận được rất ít tác phẩm về đề tài người công nhân.
Lý do đề tài công nhân trong văn học ngày càng vắng bóng
Trong khi đề tài về đô thị, miền núi và văn học lấy bối cảnh lịch sử đang trỗi dậy thì văn chương viết về người lao động có phần lép vế.
Nhà văn Uông Triều lý giải sự thiếu vắng tác phẩm về người công nhân qua ba lý do. Thứ nhất, đây là mảng đề tài không dễ viết, có thể người ta cho rằng, viết về lao động thì khô cứng, thiếu lãng mạn nên không hứng thú. Thứ hai, lao động là thứ đang diễn ra, cảm giác nó không phải là ký ức hay kỷ niệm, trong khi văn chương thường là viết về ký ức, đây cũng là một thách thức. Lý do thứ ba đến từ độc giả, nhu cầu xã hội về mảng đề tài này; nếu được quan tâm nhiều, mảng đề tài này sẽ có tác phẩm. Người viết trước khi đặt bút họ cần suy nghĩ về tính thực tế và khả năng “sống sót” của tác phẩm chứ không phải sẽ viết bất kỳ mảng đề tài gì.
Theo nhà văn Uông Triều, muốn có những tác phẩm hay về người lao động, về người công nhân và công nghiệp, cần có những chủ trương, định hướng của nhà nước hoặc những chuyển biến tự thân của người viết.
Còn nhà thơ Hoàng Việt Hằng thì cho rằng, văn học cần những khoảng lặng để ngẫm ngợi. Bà tin tưởng các nhà văn khi có đủ độ lắng sẽ cho ra đời tác phẩm hay về mảng đề tài này.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng cũng nhận định, những cuộc vận động sáng tác về đề tài người lao động, người công nhân như cuộc thi viết do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ là tiếng chuông đánh thức người cầm bút với một mảng đề tài không dễ viết này...,