Kinh nguyệt có tính chất chu kỳ, khi cơ thể phụ nữ loại bỏ những tích tụ của lớp niêm mạc tử cung nếu không có sự mang thai xảy ra. Việc nhận biết các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt sẽ giúp phụ nữ chuẩn bị cũng như đối phó với các triệu chứng khó chịu mà cơ thể phải trải qua trong thời gian này một cách dễ dàng hơn.
1. 10 dấu hiệu sắp có kinh nguyệt như thế nào?
Phụ nữ có thể cảm nhận một số dấu hiệu trước kỳ kinh nguyệt như sau:
- Căng tức ngực: Sự thay đổi nồng độ hormone trước kỳ kinh nguyệt có thể gây đau, sưng và căng tức ở ngực, tăng nhạy cảm vùng nhũ hoa.
- Nhức đầu: Khi nồng độ estrogen bị sụt giảm trước chu kỳ kinh nguyệt, sự xáo trộn nội tiết tố đột ngột có thể gây ra các cơn đau đầu có liên quan đến chu kỳ kinh, bao gồm chứng đau nửa đầu và đau đầu căng cơ.
- Chuột rút ở bụng: Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết sắp có kinh phổ biến nhất. Đau bụng kinh hay thống kinh là những cơn đau nhói, quặn xảy ra ở vùng bụng dưới. Cơ chế đau bụng là do các lớp cơ tử cung co thắt và giãn ra xen kẽ nhau, nhằm tạo lực làm bong tróc lớp nội mạc tử cung khi không có quá trình mang thai cũng như làm tổ xảy ra, tổng xuất ra ngoài qua âm đạo.
- Đau cơ: Người phụ nữ không chỉ cảm thấy đau bụng mà cũng có thể đau cơ, dẫn đến đau nhức, mệt mỏi toàn bộ cơ thể.
- Đau vùng lưng dưới: Dấu hiệu sắp có kinh nguyệt này thường do cơn đau chuột rút ở vùng hạ vị gây ra, khiến người phụ nữ bị đau thắt lưng vào những ngày trước kỳ kinh.
- Mệt mỏi: Sự thay đổi hormone trước kỳ kinh có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết của các chất hóa học trong não, khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi hơn trước kỳ kinh nguyệt. Điều này cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, góp phần làm cơ thể mệt mỏi thêm.
- Phù: Những thay đổi trong nồng độ nội tiết tố của cơ thể có thể khiến những vùng mô liên kết lỏng lẻo gặp tình trạng giữ nước trước kỳ kinh, làm cơ thể trở nên nặng nề hơn.
- Đau khớp: Estrogen là một loại hormone giúp kiểm soát cơn đau khớp. Tuy nhiên, ngay trước kỳ kinh nguyệt, lượng estrogen trong máu sẽ giảm xuống một cách đột ngột. Điều này có thể làm tăng cơn đau tại các khớp khác nhau trong cơ thể.
- Mụn trứng cá: Một trong những dấu hiệu sắp có kinh đó là mụn trứng cá. Sự thay đổi nồng độ hormone có thể khiến bề mặt da sản xuất nhiều chất dầu hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Điều này chính là hoàn cảnh thuận lợi có thể khiến làn da nổi mụn trứng cá trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Tiêu chảy hoặc táo bón: Hệ tiêu hóa lân cận cũng có thể gặp những thay đổi khi đến kỳ kinh nguyệt, nổi bật là những thay đổi thói quen đại tiện, khiến người phụ nữ có thể bị tiêu chảy xen lẫn táo bón.
2. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm một loạt các triệu chứng bất thường về cảm xúc và thể chất mà người phụ nữ có thể gặp phải trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt. Ngoài những dấu hiệu sắp có kinh được liệt kê ở trên, cơ thể cũng có thể gặp các triệu chứng liên quan đến tâm trạng, bao gồm: Cáu gắt, khó chấp nhận, lo ngại, u sầu, phẫn nộ, tức giận, thiếu quan tâm đến việc giao tiếp với người khác hay nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ khóc.
3. Cơ chế hình thành các dấu hiệu nhận biết sắp có kinh
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, một trong hai buồng trứng hai bên hố chậu sẽ giải phóng một quả trứng. Đồng thời, niêm mạc tử cung sẽ xây dựng để chuẩn bị cho việc mang thai và làm tổ. Tuy nhiên, nếu không có sự gặp nhau giữa trứng và tinh trùng, tức sự mang thai không xảy ra, nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ giảm xuống một cách đột ngột và hiện tượng chảy máu kinh nguyệt sẽ xảy ra qua âm đạo. Sự bong tróc nội mạc tử cung gây chảy máu có thể kéo dài từ 2 - 7 ngày.
Trong khi hầu hết thời gian của chu kỳ kinh nguyệt bình thường dài khoảng 28 ngày thì một số ít phụ nữ có độ dài của chu kỳ khác nhau. Hơn nữa, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể bị thay đổi bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Thuốc tránh thai.
- Thai kỳ.
- Cho con bú.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Giảm cân.
- Tập thể dục quá sức.
Hầu hết, các bé gái có kinh lần đầu trong độ tuổi từ 8 - 15 và có thể có chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 38 ngày. Khi càng lớn tuổi, chu kỳ kinh nguyệt sẽ hoàn chỉnh dần và trở nên đều đặn hơn. Tuy vậy, chu kỳ kinh sẽ lại trở nên không đều ở độ tuổi 40, khi bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Một khi đã trải qua thời kỳ mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ chính thức kết thúc, khép lại lứa tuổi có khả năng sinh sản của mình.
4. Khi nào cần thăm khám bác sĩ trong chu kỳ kinh nguyệt?
Nếu chu kỳ kinh kéo dài hơn 7 ngày, bị đau bụng dữ dội trong những ngày hành kinh hoặc có lượng máu kinh ra quá nhiều và cần thay băng vệ sinh mỗi giờ, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ về các triệu chứng bất thường này của mình.
Ngoài ra, người phụ nữ cũng nên gọi cho bác sĩ nếu:
- Chưa có kinh trong vòng 90 ngày liên tục.
- Xuất hiện kinh nguyệt thường xuyên hơn một lần sau mỗi 21 ngày.
- Có kinh nguyệt ít hơn một lần sau mỗi 35 ngày.
Bên cạnh đó, khi chu kỳ kinh nguyệt bị trễ nải hoặc không đều có thể là dấu hiệu của những căng thẳng thể chất lẫn tinh thần hoặc một tình trạng bệnh lý nhất định. Việc thăm khám sản phụ khoa sớm để tìm ra nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều và cách điều trị sớm là việc cần thiết đối với khả năng sinh sản sau này.
5. Cách thuyên giảm các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt
Tiêu thụ một chế độ ăn uống lành mạnh ít caffeine, rượu và muối sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu của hội chứng tiền kinh nguyệt một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng cũng giúp giảm bớt các dấu hiệu sắp có kinh phiền toái này.
Tuy nhiên, khi các dấu hiệu sắp có kinh ở mức độ nặng nề, khó dung nạp và gây ảnh hưởng cuộc sống, bao gồm sinh hoạt và làm việc bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai và các loại thuốc khác tương tự như liệu pháp hormone để can thiệp giảm các triệu chứng khó chịu đó.
Tóm lại, các dấu hiệu sắp có kinh là hiện tượng thường gặp ở hầu hết các phụ nữ trưởng thành nhưng với các mức độ khác nhau, tùy vào cảm nhận từng cơ thể. Hầu hết, các dấu hiệu này gây phiền toái, ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ hiểu rõ quy luật, cơ chế và có các biện pháp chủ động phòng ngừa thì những ngày hành kinh sẽ dễ dung nạp và trôi qua nhẹ nhàng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Yourperiod.ca, healthline.com, webmd.com, medicinenet.com