I. Vì sao nên tạo web bán hàng trên Facebook?
1.1. Mở rộng quy mô bán hàng
Lợi ích đầu tiên của việc tạo shop trên Facebook chính là để mở rộng quy mô bán hàng. Bên cạnh website doanh nghiệp, web bán hàng Facebook đóng vai trò như một kênh bán hàng thứ hai, góp phần nâng cao sự hiện diện của thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội và tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Từ đó, người dùng sẽ có cái nhìn bao quát về doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp.
1.2. Tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ
Hiện nay, Facebook là mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Meta, Facebook có 3,03 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, con số này đạt gần 76 triệu người, tương đương 70% dân số. Vì vậy, Facebook chính là nền tảng lý tưởng để doanh nghiệp tiếp cận lượng lớn khách hàng, không chỉ trong nước mà còn vươn ra cả quốc tế.
1.3. Tăng tính chuyên nghiệp và uy tín cho doanh nghiệp
Một trang web Facebook được đầu tư bài bản, chỉn chu sẽ giúp doanh nghiệp thể hiện sự chuyên nghiệp trong mắt khách hàng. Qua đó, họ có thể hình dung rõ nét về thương hiệu, từ phong cách thiết kế cho đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một trang Facebook chuyên nghiệp không chỉ giúp đơn vị kinh doanh tạo dựng hình ảnh uy tín mà còn khẳng định vị thế trên thị trường.
Trang Facebook chuyên nghiệp sẽ giúp nâng cao uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng.
1.4. Tiết kiệm chi phí marketing
So với những hình thức quảng cáo truyền thống, việc xây dựng trang web bán hàng trên Facebook giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí marketing đáng kể. Với ngân sách quảng cáo linh hoạt, tổ chức có thể tiếp cận đúng đối tượng mà không cần chi quá nhiều tiền cho các chiến dịch quảng cáo bên ngoài. Bên cạnh đó, việc duy trì và cập nhật nội dung trên fanpage cũng đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn so với các kênh bán hàng khác.
1.5. Xây dựng cộng đồng
Fanpage là cầu nối giúp doanh nghiệp tương tác thường xuyên với khách hàng thông qua các bài đăng, video, livestream hay các chương trình khuyến mãi. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể dễ dàng liên hệ để chia sẻ thắc mắc và nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để nhà bán hàng tạo dựng một cộng đồng khách hàng trung thành, giúp lan tỏa thương hiệu một cách tự nhiên thông qua lượt chia sẻ, bình luận và đánh giá từ người dùng.
1.6. Thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng
Một trong những ưu điểm lớn của Facebook là khả năng cung cấp dữ liệu phong phú về hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Thông qua trang Facebook, doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi và phân tích dữ liệu để xác định được những sản phẩm nào đang bán chạy, những chiến lược quảng cáo nào hiệu quả nhất, từ đó đưa ra những điều chỉnh chiến lược kịp thời và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Dữ liệu khách hàng trên Facebook là cơ sở để doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh.
II. Điều kiện để tạo web bán hàng trên Facebook là gì?
Để bắt đầu xây dựng trang web bán hàng trên Facebook, điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần sở hữu một tài khoản Facebook cá nhân. Tài khoản cá nhân sẽ là nền tảng để bạn tạo và quản lý Fanpage bán hàng của mình. Nếu chưa có tài khoản, bạn có thể dễ dàng đăng ký một tài khoản mới chỉ với vài bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Truy cập vào trang web facebook.com hoặc mở ứng dụng Facebook trên điện thoại.
- Bước 2: Sau đó, bạn ấn vào “Tạo tài khoản mới” và điền các thông tin được yêu cầu như: tên, email hoặc số điện thoại di động, mật khẩu, ngày sinh và giới tính của bạn.
- Bước 3: Nhấp vào nút “Đăng ký”. Sau đó, bạn chỉ cần xác nhận email hoặc số điện thoại di động của mình là hoàn tất.
Bạn cần điền đầy đủ thông tin để tạo tài khoản Facebook.
III. Hướng dẫn cách tạo 1 trang web bán hàng trên Facebook cho người mới bắt đầu
3.1. Tạo trang
Bước đầu tiên để tạo shop trên Facebook là đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân như đã đăng ký ở mục II. Sau khi đăng nhập, hãy tìm đến mục “Trang” trên thanh công cụ bên trái. Tại đây, bạn sẽ thấy danh sách các trang mà mình đang quản lý. Để tạo một trang mới, hãy nhấn vào nút “Tạo trang” ở dưới cùng.
Nhấn vào Tạo Trang mới ở cuối thanh công cụ để bắt đầu tạo trang.
3.2. Lựa chọn danh mục
Đây là bước quan trọng trong cách tạo 1 trang web bán hàng trên Facebook. Bởi vì khi bạn lựa chọn đúng loại danh mục, công cụ phân tích của Facebook sẽ lọc và đề xuất đúng tệp khách hàng tiềm năng cho Fanpage của bạn.
Sau khi nhấn nút “Tạo trang”, bạn sẽ được đưa đến một danh sách các loại hình fanpage khác nhau. Có các tùy chọn như: “Doanh nghiệp địa phương hoặc địa điểm”, “Công ty, Tổ chức hoặc Học viện”, “Nghệ sĩ, Ban nhạc hoặc Người của công chúng”, “Giải trí”, “Ý tưởng hoặc Cộng đồng”….Với mục đích tạo trang web để bán hàng, bạn có thể click vào “Doanh nghiệp địa phương hoặc địa điểm”, sau đó chọn nhóm sản phẩm mà mình kinh doanh.
Bạn cần lựa chọn danh mục và nhóm sản phẩm phù hợp.
3.3. Thiết lập thông tin doanh nghiệp
Ở bước này, bạn sẽ tiến hành điền đầy đủ thông tin về trang web Facebook của mình, bao gồm:
- Tên trang web bán hàng: Tên trang cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và thể hiện được cá tính riêng của doanh nghiệp. Nếu bạn đặt một cái tên quá khó hiểu hay cầu kỳ sẽ khiến khách hàng khó để tìm kiếm và tìm kiếm và nhận diện thương hiệu của bạn. Do đó, hãy nghiên cứu thật kỹ và đặt tên chuẩn ngay từ đầu nhé.
- Hạng mục: Đây là phần thể hiện rõ loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh của bạn. Bạn có thể chọn tối đa 3 hạng mục để phân loại shop một cách chi tiết hơn, giúp trang web bán hàng tiếp cận chính xác đối tượng khách hàng tiềm năng.
- Thông tin trang: Bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ như địa chỉ, số điện thoại, giờ làm việc, website doanh nghiệp (nếu có) để khách hàng có thể dễ dàng liên hệ khi cần. Việc điền đầy đủ thông tin sẽ giúp trang Facebook có độ tin cậy cao hơn.
- Liên kết trang: Đây là phần nhiều chủ shop thường hay bỏ quên. Liên kết trang chính là đường link mà khách hàng sẽ truy cập vào được trang bán hàng của bạn. Nó thường có dạng www.facebook.com/tenshop. Haravan khuyên bạn nên thiết lập yếu tố này, nếu không Facebook sẽ đặt mặc định địa chỉ trang của bạn là một dãy số bất kì. Như thế sẽ làm thiếu đi tính chuyên nghiệp của trang web.
Chủ shop nên đặt tên trang gắn liền với thương hiệu hoặc sản phẩm, dịch vụ của mình.
3.4. Đặt ảnh đại diện và ảnh bìa
Bước tiếp theo trong cách tạo shop trên Facebook là chọn ảnh đại diện và ảnh bìa, cụ thể như sau:
- Ảnh đại diện: Hãy chọn một hình ảnh đại diện rõ nét, đơn giản và thể hiện được đặc trưng của thương hiệu. Tránh sử dụng những hình ảnh quá nhỏ, bị vỡ hoặc quá nhiều chi tiết. Kích thước ảnh đại diện tiêu chuẩn trên Facebook là 300x300 pixel. Bạn có thể sử dụng logo của doanh nghiệp hoặc hình ảnh sản phẩm chủ đạo.
- Ảnh bìa: Ảnh bìa là một không gian rộng lớn để bạn thể hiện sự sáng tạo và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Bạn có thể sử dụng ảnh bìa để truyền tải thông điệp, khuyến mãi hoặc đơn giản chỉ là tạo một ấn tượng thị giác đẹp mắt. Kích thước ảnh bìa tiêu chuẩn là 1105x410 pixel. Hãy đảm bảo rằng ảnh bìa của bạn có độ phân giải cao, màu sắc hài hòa và bố cục cân đối.
Một lời khuyên của Haravan là bạn có thể tự thiết kế ảnh bìa và ảnh đại diện bằng các công cụ thiết kế đồ họa đơn giản hoặc thuê dịch vụ thiết kế chuyên nghiệp để có được những hình ảnh ấn tượng nhất. Đừng quên thêm một vài dòng slogan ngắn gọn, ấn tượng và dễ nhớ để thu hút sự chú ý của khách hàng nhé.
Việc cập nhật ảnh đại diện và ảnh bìa sẽ làm tăng độ tin cậy cho trang Facebook bán hàng.
3.5. Điền mô tả trang
Phần mô tả trang giống như một lời chào đầu tiên mà bạn gửi đến khách hàng. Hãy tận dụng tối đa khoảng trống này để giới thiệu ngắn gọn, súc tích về doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Bạn có thể điền ngắn gọn nhưng súc tích để khách hàng biết được page này bán mặt hàng gì, nói về chủ đề gì khi vào xem trang bán hàng của bạn.
3.6. Thêm các nút liên hệ cần thiết
Hiện nay, đối với các trang web bán hàng trên Facebook, bạn đã có thể thêm vào các nút để hỗ trợ cho hoạt động buôn bán trở nên hiệu quả hơn, chẳng hạn như “Gọi điện thoại”, “Nhắn tin”, “Theo dõi”,… Chủ shop có thể thiết lập các tính năng này để khách hàng có thể kết nối và liên hệ với bạn dễ dàng hơn.
3.7. Hoàn tất các bước trong cách tạo 1 trang web bán hàng trên Facebook
Bước cuối cùng trong cách tạo 1 trang web bán hàng trên Facebook là bạn ấn “Lưu” để hoàn tất việc thiết lập trang web. Lúc này, trang Facebook đã được tạo thành công và sẵn sàng đi vào hoạt động. Bạn có thể kêu gọi bạn bè nhấn thích và theo dõi trang, đồng thời bắt đầu đăng các bài viết đầu tiên để tăng tương tác.
Sau khi hoàn tất thiết lập, bạn đã có thể bắt đầu đăng bài viết đầu tiên.
IV. Cần đăng gì sau khi tạo thành công trang web Facebook bán hàng?
Sau khi hoàn thành cách lập trang web bán hàng trên Facebook, việc còn lại bạn cần quan tâm đó là đăng bài và tăng tương tác cho trang. Thông thường, mọi người sẽ muốn ngay lập tức đăng các bài để bán hàng hoặc quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, việc làm này rất không hiệu quả. Facebook là một mạng xã hội, nơi mọi người kết nối và chia sẻ. Việc chỉ tập trung vào bán hàng sẽ khiến trang của bạn trở nên nhàm chán và kém hấp dẫn.
Bên cạnh đó, ở thời điểm mới tạo web bán hàng trên Facebook, trang sẽ chưa có nhiều người truy cập hoặc tương tác, chưa có khách hàng cũng như không có ai tin tưởng để đặt mua sản phẩm từ shop. Do đó, hãy tập trung vào việc đăng tải nội dung chất lượng, giải trí vui nhộn hoặc các bài chia sẻ thông tin, kiến thức hữu ích có liên quan đến sản phẩm mà bạn đang kinh doanh để xây dựng lòng tin và tạo ra sự kết nối sâu sắc với người dùng. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng được một cộng đồng khách hàng trung thành và sẵn sàng ủng hộ sản phẩm trong tương lai.
Để tối ưu các bài đăng trên trang web bán hàng Facebook một cách hiệu quả, bạn có thể chia tỷ lệ các bài đăng như sau:
- 60% thông tin hữu ích: Chia sẻ những thông tin hữu ích có liên quan đến sản phẩm mà bạn kinh doanh, ví dụ như các bài viết hướng dẫn sử dụng sản phẩm, mẹo vặt, kiến thức chuyên môn,...
- 20% nội dung bán hàng: Đăng tải các bài viết chia sẻ thông tin, hình ảnh, video sản phẩm một cách sinh động, kèm theo chi tiết về tính năng, ưu điểm và chương trình khuyến mãi.
- 10% nội dung giải trí: Chia sẻ những câu chuyện hài hước, video vui nhộn, meme liên quan đến sản phẩm hoặc ngành hàng để tạo không khí vui vẻ và gần gũi.
- 5% feedback khách hàng: Chia sẻ những đánh giá, phản hồi tích cực của khách hàng để tăng tính minh bạch và độ tin cậy cho sản phẩm.
- 5% sự kiện, chương trình: Thông báo về các sự kiện, chương trình của doanh nghiệp hoặc các bài đăng về tin tức, thời sự liên quan.
Trang Facebook cần cung cấp những thông tin hữu ích để xây dựng niềm tin với khách hàng.
Xem thêm:
- Cách đánh giá hiệu quả của fanpage bán hàng một cách nhanh chóng.
- Các tips thu hút tương tác trên Fanpage hiệu quả.