Nếu đến với Miền Bắc thấm đẫm cái lạnh của mùa đông, miền Trung mặn mà với cái nắng và gió, thì miền Tây lại dịu ngọt với những vườn cây trái trĩu ngọt, xum xuê, những dòng sông uốn lượn, những cánh đồng trải cánh cò bay. Không cần đi đâu xa, du khách hãy một lần về với miền Tây để cảm nhận về cuộc sống cũng như con người nơi đây.
“Miền Tây” hay còn có tên gọi khác là đồng bằng sông Cửu Long gồm có 13 tỉnh thành phố.Về đây du khách sẽ được đến với sông nước miệt vườn, môi trường sinh thái và sự trải nghiệm nét văn hóa lúa nước đặc sắc. Sông nước là đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với kênh rạch chằng chịt.
Du khách có thể tìm thấy những giây phút thư giãn, bình lặng ở chốn thanh bình này. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân tới mảnh đất màu mỡ này được thiên nhiên ưu ái với những cù lao đẹp nằm giữa dòng Mêkông, tôi như được cuốn hút bởi những người con gái miền Tây, mặc chiếc áo bà ba với làn da trắng hồng, giọng hát ngọt ngào và trong trẻo mê đắm lòng người. Xuôi theo dòng sông Tiền, đầu tiên du khách sẽ cảm nhận và được hòa mình vào thiên nhiên đất trời với màu xanh tươi mát của những vườn cây, làn nước trong lành của những con kênh rạch. Đến với Tiền Giang, du khách có thể trải qua những cảm giác êm đềm, mát mẻ khi được len lỏi trong những vườn trái cây, hay trên những chiếc đò trôi lững lờ giữa dòng nước mênh mông, bao la và thưởng thức những món ăn đặc trưng: cá lóc nướng trui, cháo rắn, mật ong nhãn, trà gừng, trái cây tươi mọng và thưởng thức đờn ca tài tử của vùng đất Nam Bộ - một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đến đây, du khách chỉ cần đi thuyền dạo xuôi sông Tiền, thả lòng mình theo dòng nước thiên nhiên, được ghé thăm các Cù Lao Long, Lân, Quy, Phụng. Hoặc du khách có thể tản bộ dưới những tán cây xanh um, mát rượi, tự tay hái trái ngon, tìm hiểu quy trình sản xuất kẹo dừa, thưởng thức món ăn đậm đà chất nam bộ hay đi đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa hai hàng dừa nước, đi xe ngựa dạo quanh vườn trái cây. Những ai muốn tự mình khám phá và chinh phục thiên nhiên thì nơi đây quả là một nơi lý tưởng nhất. Du khách còn được tìm hiểu về sự tích “Ông đạo dừa” và tham quan sân chầu với chín con rồng, một điều đặc biệt nhất là trong chín con rồng này chỉ có duy nhất một con rồng đực , đến đây du khách nhận biết được điểm đặc biệt này quả là vô cùng thú vị. Được đi qua cầu khỉ, tham quan trại cá sấu, câu cá thư giãn…
Ở đây du khách cũng có thể tự mình thuê một chiếc xe đạp từ 1- 2h giá cũng vừa phải từ 30- 40 ngàn/giờ để tự mình khám phá và còn nhiều trò chơi hấp dẫn và thú vị khác nữa. Miền Tây có những con nước lớn tràn bờ, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Cũng chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước, đó là chợ nổi. Sức hút của chợ nổi đối với du khách chính là giữ gìn, phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước. Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm.
Ai đến Tiền Giang chưa ghé chợ nổi Cái Bè thì như là chưa tới, Chợ được họp trên một khúc sông, và họp từ 2 giờ đến 8 giờ sáng với nhiều thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng, cũng như các ghe thuyền từ các miệt vườn xa xôi đến đây mua và bán hàng. Muốn cảm nhận nét văn hóa chợ nổi này du khách phải dậy từ rất sớm, đi trên dòng sông uốn khúc, tiếng thuyền chạy, tiếng gió vi vu như rít vào tai mang lại cho chúng ta một cảm giác thú vị và khó quên. Một không khí ồn ào,nhộn nhịp với những cây bẹo hàng được thương lái treo lên để cho du khách nhận biết được thuyền chài đó bán vật phẩm gì. Tới đây du khách có thể mua những trái cây tươi ngon về làm quà cho người thân hoặc bạn bè.
Thật vậy, đất trời miền Tây thoáng đãng mênh mông một vùng sông nước. Con người miền Tây cũng vì thế mà rộng rãi, chan hòa, đầy lòng hiếu khách. Ai đã từng một lần đến với miền Tây, chắc chắn sẽ không thể nào quên được cảnh sắc và những món ăn đậm hương vị dân dã của một miền đồng quê, sông nước như: Cá lóc nướng trui, canh chua cá linh bông điên điển,chuột đồng,… Dù vậy nhưng khẩu vị vùng miền có đôi chút khác biệt, người miền Tây thường ăn ngọt, vì vậy khi du khách thưởng thức đặc sản có người thích thú cảm giác ngon miệng nhưng cũng có những du khách không hợp khẩu vị với nó. Mọi người trong chúng ta hãy một lần đặt chân tới đây để cùng trải nghiệm và cảm nhận!
Hồ Thị Trúc