Một sáng tháng Mười, đi chợ sớm, tôi ngẩn ngơ khi bắt gặp những mớ rau ngổ tươi non, xanh mướt. Ngẩn ngơ, là bởi, biết bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa cũ bỗng chốc ùa về. Tôi lặng người nhớ những ngày tháng ấy. Thoắt cái, đã 20 năm rồi.
Năm 2003, cũng vào tháng Mười, chúng tôi đi thực tập ở Bạc Liêu, một miền đất lạ lẫm. Tôi là người Tây Nguyên, chưa từng biết miền Tây ở đâu, mãi cho đến khi vô Sài Gòn học đại học, mới biết. Trong chuyến thực tập năm ấy, một tháng sống ở Bạc Liêu thôi mà có biết bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu niềm thương, để khi quay về lại Sài Gòn lại là bao nhiêu nỗi nhớ, đến tận bây giờ.
Nhớ những buổi chiều đi ghe, hái trái bình bát, nhớ lần đầu tôi được biết cây dừa nước, và nhớ những bữa cơm miền Tây. Những bữa cơm ấy gần như luôn có món mà tôi mê mẩn, là rau ngổ xào. Thường là xào tỏi, hôm nào sang trọng lắm thì sẽ được cải thiện với chút thịt bò. Và dù là xào gì đi nữa, thì đó cũng là món bắt cơm và hao cơm bậc nhất. Chúng tôi đứa nào cũng ăn đến nó cành hông mới thôi, và trên mâm chẳng bao giờ còn sót lại tí gì.
Chúng tôi, đến giờ, khi nói về những ngày tháng ấy, vẫn đùa rằng, "đúng là thời sinh viên đói khổ". Mà thời ấy, ăn nhiều như thế, nhưng đứa nào cũng ốm.
Tôi nhớ, lần đầu được ăn rau ngổ, tôi đã thắc mắc với chị Trầm, là người nấu cơm cho chúng tôi, rằng, ở quê tôi, rau ngổ (rau om) chỉ để nêm canh chua thôi mà, sao ở đây người ta lại đem xào lên ăn. Tới đây tôi mới biết, 2 loại rau ngổ này khác nhau, có thể dễ dàng phân biệt, vì loại rau ngổ để xào ăn mềm hơn, xanh hơn, còn cây rau om mà quê tôi vẫn gọi là rau ngổ thì màu vàng hơn.
Sẵn, chị Trầm có chỉ cách xào rau. Chị nói, rau ngổ mua về, lặt bỏ cọng già và đem ngắt ngắn chừng 2 lóng tay vừa ăn (nếu không ngắt thì đem cắt cũng được). Đem rau rửa sạch rồi để ráo nước, chuẩn bị dầu ăn, tỏi và một cái chảo lớn. Đặt chảo lên bếp, cho tỏi vào phi thơm, cho rau vào xào, nêm chút muối, nước mắm, bột ngọt và hạt nêm vào, rau chín thì tắt bếp. Lúc này, trông cọng rau xanh mướt và được "áo" một lớp dầu bóng bẩy, thơm mùi tỏi phi, ăn có vị nhân nhẩn đắng. Nếu xào với thịt bò, thì cứ xào thịt bò vừa chín tới, cho rau vào xào rồi đổ thịt bò vào, đảo đều tay trong 30 giây rồi nêm nếm tắt bếp.
Hồi đó, lúc về Sài Gòn, đôi lần tôi tìm mua thứ rau ấy, nhưng không tìm được, rồi tôi bẵng quên đi, cho đến hôm nay.
20 năm, bây giờ tôi mới thử làm, và thưởng thức lần nữa cái món rau mang vị the, đắng đặc trưng của ngày xưa cũ.
Thu Phong