Tuổi 22 chênh vênh và bất định, tôi chẳng biết mình là ai và tôi sẽ đi về đâu. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều băn khoăn trăn trở với vô vàn những nỗi lo, tôi buồn bã, tôi tự ti, tôi hoang mang và tôi không ngừng so sánh bản thân với những bạn bè cùng trang lứa, với những người đã thành công xung quanh tôi. Càng so sánh, tôi lại càng cảm thấy tuyệt vọng, và rồi tôi biết mình đã rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng một phần tư cuộc đời, nó như một con quái vật sẵn sàng nuốt chửng bất cứ ai lại gần và bước qua nó. Đối với những cô cậu học sinh, sinh viên những năm 18, 19, 20 tuổi, cơn khủng hoảng này chẳng khác gì một bộ phim kinh dị mà các cô cậu hào hứng vì sắp được xem. Đối với những người ở độ tuổi 22 trở đi, khi mà chúng ta đã rời xa ghế nhà trường, thoát xác để thành người trưởng thành thì cơn khủng hoảng này nó như một con quái vật hung giữ đang đứng chặn ngay trước mặt chúng ta với những tiếng gầm gào rợn người chỉ đợi nuốt chửng hết sự tự tin, sự mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, lột sạch những hoài bão, những ước mơ và niềm tin, chỉ chừa lại cho ta nỗi sợ, nỗi hoang mang, sự tự ti tột cùng, một tấm bằng đại học trơ trụi và một thân xác tàn tạ. Chúng ta của lúc này không còn non nớt như những chú sâu chỉ biết ăn lá trên một cái cây để sống qua ngày, cũng chẳng phải là những chú bướm đã tự tin bay lượn khắp mọi nơi để hưởng thụ hoa thơm quả ngọt. Chúng ta của lúc này là những chú bướm non, đang ngọ nguậy trong cái kén nhỏ để đào lỗ thoát ra ngoài, chúng ta hoang mang vì không biết thế giới ngoài kia ra sao, chúng ta không biết mình có thể bay không vì ta chưa bao giờ bay, chúng ta không biết mình có đủ hai cánh để bay hay không vì chúng ta chưa thấu hiểu chính mình, chưa nhìn ra mình là ai cũng như điểm yếu điểm mạnh của bản thân. Chúng ta sợ hãi vì ngoài kia có rất nhiều mạng nhện, nhỡ chúng ta bay ra ngoài kia rồi bị vướng vào mạng nhện thì sao, ai sẽ giúp chúng ta, rồi ta lại tự nhủ với chính mình “Ôi, thế giới ngoài kia thật đáng sợ”. Đến một lúc nào đó, khi chúng ta bước vào độ tuổi 40,50. Chúng ta của lúc đó đã đi qua hơn nửa cuộc đời mình, đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, chúng ta bắt đầu nhìn lại những năm tháng tuổi đôi mươi, chúng ta khẽ mỉm cười “À, thì ra khủng hoảng một phần tư cuộc đời cũng chỉ có vậy thôi”.
Tất cả những thử thách trong cuộc đời, tất cả những cơn khủng hoảng chúng ta phải đi qua, tất cả những vấp ngã, những đổ vỡ, chúng đều là những bước ngoặt trong cuộc đời của chúng ta. Chúng đến để giúp ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, thấu hiểu bản thân hơn và điều quan trọng là chúng giúp ta lột bỏ được những suy nghĩ non nớt, ấu trĩ của tuổi đôi mươi. Ai rồi cũng phải lớn thôi, ai rồi cũng có lúc phải đi một mình; mỗi độ tuổi, mỗi thời kỳ đều có những giai đoạn khủng hoảng của riêng nó, đừng trốn chạy, cũng đừng sợ hãi, hãy mạnh mẽ đối diện với nó, đừng xem nó là một vấn đề gì đó khủng khiếp, nó đơn giản chỉ là một bài kiểm tra giữa kỳ, bạn chỉ cần ôn bài thật kỹ làm bài thật tốt và bạn sẽ vượt qua thôi. Chẳng có điều gì là tồn tại mãi mãi cả, bạn biết đấy, mọi chuyện đều sẽ ổn thôi mà, chúng ta cùng cố gắng lên nào.
Tôi là một sinh viên đại học mới ra trường, tôi đang vật lộn trong cơn khủng hoảng của tuổi 22, bạn có đang giống tôi không?
Vào những ngày tháng cuối cùng ngồi trên giảng đường đại học, khi mà tôi đã hoàn thành bài luận văn của mình, khi mà tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hết tất cả những văn bằng, chứng chỉ và còn mỗi việc đợi ngày xét tốt nghiệp. Cảm giác của tôi lúc đó lạ lắm, tôi không cảm thấy vui vì tôi sắp tốt nghiệp, tôi cảm thấy trống rỗng, tôi lo sợ vì quãng đường sau này mình phải tự đi rồi, không còn thầy cô chỉ bảo, không còn bố mẹ chu cấp bao bọc, không còn những người bạn thân thiết ở bên.
Tôi của năm 22 tuổi phải cố gắng tìm một công việc để ổn định cuộc sống, không thể nào làm công việc part-time như thời sinh viên mãi được. Tôi bắt đầu nộp hồ sơ khắp nơi, nhưng đâu đâu người ta cũng yêu cầu 1 năm kinh nghiệm, 2 năm kinh nghiệm. Nhìn lại chính mình, tôi chợt nhận ra, mình chẳng có gì cả ngoài mấy công việc làm thêm làng nhàng thời đại học, cùng tấm bằng loại khá tôi có trong tay. Bằng đại học không phải là tất cả và có lẽ tôi phải bắt đầu lại từ đầu.
Tôi của năm 22 tuổi không biết mình nên làm gì, không biết bắt đầu từ đâu, tôi nên ở lại thành phố hay về quê lập nghiệp, rồi cả chuyện nhà cửa nữa, không thể nào sống ở những căn phòng thuê cho đến hết đời. Tôi có nhiều suy nghĩ, mong muốn và tham vọng, nhưng cố gắng chẳng được bao nhiêu.
Tôi của năm 22 tuổi dễ dàng nổi nóng, cáu gắt và sẵn sàng bỏ trốn khi ai đó hỏi tôi: “Cháu ra trường chưa? Nay đang làm công việc gì rồi? Bao giờ lấy chồng?” Tôi sợ lắm, sợ những câu hỏi đó, vì chính bản thân tôi còn chưa có câu trả lời.
Tuổi 22 chênh vênh và vô định với vô vàn những nỗi lo về công việc, tiền bạc, gia đình, nhà cửa, bạn bè và cả tình yêu nữa. Nếu có ai đó ngoài kia cũng giống như tôi, cũng đang loay hoay với cuộc sống của mình, tôi chỉ muốn nhắn với bạn rằng “Bạn không hề cô đơn”
Học xong đại học chẳng phải là hết học, chúng ta lại vẫn phải tiếp tục đi học, học nữa học mãi, và chẳng biết bao giờ chúng ta mới có thể tốt nghiệp ngôi trường mang tên “Trường Đời”. Ngôi trường này vừa lạ cũng vừa quen. Lạ ở chỗ ai cũng có thể trở thành giáo viên của chúng ta, lạ ở chỗ điểm số của chúng ta dựa trên mức thu nhập mà chúng ta đạt được, lạ ở chỗ bạn bè của ta chẳng thể ngồi cùng bàn, cùng lớp, cùng vui đùa và học cùng giáo viên với ta, lạ ở chỗ ta thấy cô đơn lạc lõng hơn bao giờ hết. Còn quen thì sao nhỉ? Nó có nghĩa là ta đã nghe rất nhiều về ngôi trường này, nhưng đến tận bây giờ khi được trải nghiệm ta mới hiểu thấu. Và tuổi 22 nó gần như là một mốc thời gian chung mà chúng ta bắt đầu bước vào Trường Đời, cũng là giai đoạn chuyển giao khiến chúng ta khủng hoảng và đánh mất nhiều thứ nhất.
Tuổi 22 là cái độ tuổi lưng chừng, chúng ta chẳng phải người lớn cũng chẳng phải trẻ con, mọi quyết định của chúng ta đưa ra đều dựa trên cảm tính, có thể đúng, có thể sai, có thể chúng ta thành công hoặc thất bại. Nhưng dù sao đi chăng nữa chúng ta vẫn phải tự quyết định cuộc đời mình, vấp ngã ở đâu đứng lên ở đấy, sai ở đâu sửa ở đấy, và rồi tất cả chúng ta cũng sẽ trưởng thành thôi.
Tuổi 22 là khi bạn hỏi đứa bạn thân nhất của mình “Ra trường cậu định làm gì? Có định hướng gì chưa? Tớ cảm thấy mông lung quá!” và người bạn đấy sẽ trả lời rằng “Tớ cũng như cậu, tớ cũng đang hoang mang, tớ không biết tớ thích cái gì nữa, có lẽ tớ sẽ chọn đại một công việc nào đấy và làm tạm thời đã, đến đâu hay đến đấy”
Ở cái độ tuổi này, có lẽ nhiều người trong chúng ta đều có chung một cảm giác đó là hoang mang, mơ hồ về tương lai, chúng ta không biết bắt đầu từ đâu, không biết một năm nữa, hai năm nữa hay ba năm nữa chúng ta sẽ trở thành ai và chúng ta sẽ làm công việc gì?
Tuổi 22 là một độ tuổi vô cùng nhạy cảm, mỗi khi có ai đó nhắc tới chuyện công việc, chúng ta sẽ lại càng trở nên lo lắng hơn. Mỗi khi nghe tin ai đó tìm được một công việc tốt hay một người bạn nào đó đạt được chút thành tựu, lòng chúng ta lại càng như lửa đốt, bồn chồn, bất an suốt ngày này qua ngày khác. Chúng ta bắt đầu rải CV khắp mọi mặt trận và thầm hy vọng may mắn mỉm cười với ta.
Tuổi 22 là một bước ngoặt lớn của cuộc đời chúng ta, chúng ta làm việc trong một môi trường mới, gặp gỡ những người bạn mới và cũng dần mất đi vô số những người bạn thân thiết thời học sinh, sinh viên. Bạn bè của chúng ta, có người về quê lập nghiệp, có người đi du học, có người ra bắc vào nam, mỗi người có một con đường riêng của mình và rất khó để có thể gặp nhau. Tuổi 22 cũng là giây phút chúng ta nhận ra bản thân phải mạnh mẽ hơn rất nhiều bởi giờ đây chúng ta chỉ có một mình đơn độc chiến đấu.
Tuổi 22, chúng ta cô đơn lắm, có tâm sự chẳng biết chia sẻ cùng ai, nhiều lúc muốn khóc òa lên, nhiều lúc muốn bỏ hết tất cả chạy về nhà để được ba mẹ yêu thương chăm sóc. Nhưng rồi chúng ta vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, mỉm cười và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
Tuổi 22 cũng là cái ngưỡng rất khó vượt qua của những mối tình thanh xuân. Có tiếc nuối, có đau lòng nhưng vẫn phải lựa chọn rời xa nhau. Bởi tương lai phía trước mù mịt và xa xôi quá, bởi ai trong chúng ta cũng có con đường riêng của mình nên không thể nào để nắm tay nhau bước tiếp được nữa.
Tuổi 22 chênh vênh và bất định, nhưng bạn đừng đừng lo lắng cũng đừng bỏ cuộc, vì còn có tôi ở đây mà, chúng ta cùng nhau vượt qua nhé!
Đừng để khủng hoảng tuổi 22 nhấn chìm khát vọng của chúng ta, chúng ta còn rất trẻ, chúng ta còn rất nhiều năng lượng, con đường phía trước còn rất dài, chúng ta có rất nhiều thứ để khám phá và học hỏi. Khủng hoảng rồi cũng sẽ qua thôi, ai cũng sẽ làm được. chắc chắn là như thế. Và việc của chúng ta bây giờ là ngừng lo âu, tập trung vào phát triển bản thân mình, đặt những mục tiêu nho nhỏ mỗi ngày, học hỏi mỗi ngày từng chút từng chút một, để mở đường tiến về tương lai phía trước. Nếu như bạn còn băn khoăn không biết làm thế nào để có thể vực dậy bản thân trong giai đoạn này, thì dưới đây là một số bài học mà tôi đúc kết được từ những người anh người chị đi trước, cũng như bản thân tôi tự trải nghiệm và nhận được rất nhiều lợi ích từ nó.
Đầu tiên, hãy ngừng so sánh bản thân, tốt hơn hết là bạn hãy tạm ngưng sử dụng mạng xã hội từ 3 đến 6 tháng trong khoảng thời gian này. Bạn biết tại sao không? Những người anh người chị của chúng ta, những thế hệ đi trước, khi mà công nghệ còn chưa phát triển, họ cũng có so sánh bản thân đấy, nhưng mà cái sự so sánh ấy nó chỉ xảy ra trong những buổi họp lớp, trong những lần chạm mặt bất ngờ, họ có thể né tránh nó bằng việc lánh đi, không tham gia họp lớp hoặc là từ chối một cuộc hẹn nào đó. Chúng ta thì khác, chúng ta sống trong một thời kỳ công nghệ phát triển, cái thời kỳ mà chúng ta dành thời gian lên mạng xã hội còn nhiều hơn cả thời gian chúng ta ngủ cộng với thời gian chúng ta gặp gỡ trò chuyện với bạn bè. Và một điều dĩ nhiên là sự so sánh diễn ra một cách thường xuyên và liên tục. Bạn sẽ bắt gặp bạn bè của mình chụp những bức hình đi ăn, đi chơi rất vui vẻ. Bạn sẽ nhìn thấy những đoạn tin ngắn mà bạn bè mình chia sẻ như “Hôm nay vừa nhận lương”, “Cuối cùng đã hoàn thành xong công việc, xõa thôi”, “Có ai rảnh đi xem phim với tui hông nè”. Đại loại là như thế, tất cả những thứ đẹp đẽ, tươi vui của bạn bè bày ra trước mắt bạn, bạn nghĩ rằng mọi người đều có cuộc sống rất tốt, bạn A có công việc lương cao, bạn B có anh người yêu tâm lý, bạn C vừa được đi du lịch, ...và bạn bắt đầu so sánh, bạn cảm thấy mình vô dụng vì chỉ có công việc làng nhàng, lương thấp. Trong khi bạn đang chật vật lo lắng tiền ăn, tiền phòng từng ngày thì bạn của bạn lại đi du lịch đâu đó, bạn cảm thấy chán nản, buồn bã, thậm chí chán ghét bản thân mình. Bạn đâu biết rằng ai cũng có góc khuất của riêng mình, ngoài kia cũng còn có vô số người giống như bạn, tất cả mọi người đều sẽ khoe những thứ đẹp đẽ lên mạng xã hội và chẳng ai dại dột tới mức lên mạng và bày ra những thứ không hay của mình như tôi đang nợ ngập đầu, deadline ngập mặt, tôi vừa bị anh người yêu đá, sếp tôi mắng tôi và đồng nghiệp thì ganh ghét tôi cả. Rồi bạn đem so sánh những thứ tốt đẹp của người ta với những thứ xấu xí nhất của mình thật là khập khiễng dẫn đến tự mình làm mình đau. Bạn dành thời gian quý báu của mình để dõi theo cuộc đời của người khác, bạn đem cái xấu của mình so sánh với cái đẹp của người khác, có đáng không. Có một câu nói đó là “Mắt không nhìn thấy, thì tim sẽ không đau” vậy nên hãy dừng lại đi, dừng so sánh và nếu có thể hãy tạm rời xa mạng xã hội trong giai đoạn này. Nếu trường hợp công việc của bạn cần dùng mạng xã hội, vậy hãy thử bỏ hết theo dõi bạn bè của mình đi, đó cũng là một điều rất tốt cho bạn.
Điều thứ hai, bạn hãy tìm cho mình một người cố vấn, người đó nên là người nhiều tuổi hơn bạn, người đi trước và có nhiều trải nghiệm hơn bạn hoặc sẽ tốt hơn nữa nếu người đó là một người thành công và đã từng trải qua một thời khủng hoảng. Một người cố vấn như vậy sẽ có cái nhìn tích cực và sẽ cho bạn những lời khuyên giá trị, giúp bạn an tâm hơn. Khi bạn bày tỏ những tâm sự, nỗi lòng của mình, với cương vị là một người từng trải, họ sẽ lắng nghe bạn một cách chân thành, họ sẽ bình tĩnh, mỉm cười và nói với bạn rằng “Đó chỉ là chuyện nhỏ thôi, ai rồi cũng sẽ phải trải qua, anh/chị cũng đã một thời như thế, và em thấy đấy giờ anh/chị đã thành công”. Khi bạn chia sẻ với họ, bản thân bạn sẽ có thêm được nhiều động lực và niềm tin hơn, vì họ là những nhân chứng sống cho việc tất cả chúng ta đều có thể vượt qua khủng hoảng và thành công. Trong những giai đoạn như thế này, thực ra việc tâm sự với bạn bè đồng trang lứa không phải là một điều tốt. Bởi vì đồng trang lứa, đa phần sẽ có cùng những trải nghiệm giống nhau nên việc tâm sự với nhau nó chỉ làm cho nỗi lo sợ hoang mang tăng lên hoặc là khiến chúng ta dậm chân tại chỗ mà thôi. Chưa kể, khi một người bạn của bạn đạt được một thành tựu nào đó và họ khoe với bạn, trong khi bạn chưa có gì cả thì lúc đấy cảm giác của bạn còn thảm hại hơn; bạn sẽ lo lắng, sốt ruột hơn gấp nhiều lần. Vậy nên bạn hãy lựa chọn một người cố vấn phù hợp, đó có thể là mẹ của bạn, ba của bạn, một người anh, người chị đi trước hoặc là giáo viên đã từng dạy bạn ở trường đại học.
Điều thứ ba, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi quá, hãy tạm thời ngừng lại, rời xa cái nhộn nhịp, vồn vã của phố thị một thời gian, đừng gồng mình chống chọi với mọi thứ, sẽ kiệt sức đấy. Bạn có thể trở về quê, về bên gia đình, bên vòng tay của ba mẹ, ở đó có những người thân của bạn, có anh, có chị, có em trai, em gái những người luôn yêu thương và ủng hộ bạn. Mẹ sẽ vỗ về bạn bằng những câu nói ấm áp như “Không sao đâu con, dù con là ai, con có đi xa đến đâu, ba mẹ vẫn luôn ở đây, vẫn luôn bên con”. Mẹ sẽ nấu cho bạn món thịt kho hay món canh chua mà bạn thích ăn nhất. Bạn biết đấy, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta trong những năm tháng chênh vênh nhất, là nơi đầy ắp tình yêu thương vỗ về ta, cho ta động lực để bước tiếp trên con đường phía trước.
Điều thứ tư, cũng là một điều vô cùng quan trọng. Đó là trong giai đoạn này, bạn đừng nhìn vào những gì người khác đạt được nữa, hãy tập trung vào chính mình, chính cuộc sống và tương lai của bạn. Bạn sẽ hoang mang nếu bạn chẳng làm gì cả, vậy nên, từ giây phút này hãy bắt đầu hành động đi, hãy đặt ra mục tiêu mỗi ngày, hãy xác định một công việc mà bạn yêu thích và bắt đầu theo đuổi nó. Ngay khi bắt đầu, bạn phải chấp nhận rằng sẽ rất là khó khăn, bởi có thể bạn chưa có kinh nghiệm và bắt buộc phải học lại từ những điều cơ bản nhất, sẽ có những cái nó khiến bạn nản lòng nhưng hãy chấp nhận nó như một bài thi để bạn có thể vượt cấp. Nếu bạn không chấp nhận, không hoàn thành nó, thì bạn mãi mãi chỉ đứng ở đó mà thôi. Chúng ta là những đứa trẻ mới bước chân ra từ cánh cửa đại học, và việc chúng ta theo đuổi công việc mơ ước cũng giống như việc chúng ta phải làm một bài thi vậy. Một bài thi có 5 câu hỏi, và bắt buộc chúng ta phải hoàn thành 5 câu hỏi đó, có người sẽ bỏ cuộc vì 5 câu hỏi đó quá khó đối với họ, có người sẽ cố gắng hết mình, ôn lại bài, học hỏi thêm để từng bước trả lời cho 5 câu hỏi đó. Và sự thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người có đủ nỗ lực, cố gắng hay không. Ví dụ, bạn muốn trở thành một MC và người bạn ngưỡng mộ là MC Trấn Thành. Và khi bạn đã xác định theo đuổi nghề MC thì bài thi đầu tiên bạn cần phải vượt qua là:
Bạn phải có vốn kiến thức rộng về tất các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ….
Bạn cần phải có sự nhạy bén, ứng phó linh hoạt với những tình huống bất ngờ trên sân khấu, …
Bạn phải có khả năng kiểm soát và điều khiển cảm xúc của mình, …
Bạn phải biết cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, phải có phong cách riêng, …
Bạn phải có một giọng nói tốt, truyền cảm, …
Sau khi đọc xong đề bài, bạn nhận ra mình chẳng có một chút kiến thức gì về những câu hỏi trong đề bài và bạn tự hoài nghi chính mình “Liệu tôi có phù hợp với ngành này không? Tôi chưa từng đứng trước đám đông, tôi không có một giọng nói tốt, tôi không có kiến thức sâu rộng”. Nhưng bạn đâu biết rằng MC Trấn Thành để thành công và nổi tiếng như ngày hôm nay, anh ấy cũng đã phải bắt đầu từ những vai diễn nho nhỏ, mờ nhạt trong những vở hài kịch để từng bước trả lời cho từng câu hỏi trong bài thi và đạt được thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Tất mọi quyết định đều phụ thuộc cả vào bạn, muốn thành công bạn phải bắt đầu từ những bước chân nhỏ và phải chấp nhận những thử thách để đạt được nó. Còn nếu không, bạn có thể bỏ cuộc, rẽ sang một hướng khác hoặc ngồi đó nhìn người khác đoạt đi ước mơ của bạn.
Chúng ta đều sẽ vượt qua thôi, mong rằng tương lai phía trước của cả bạn và tôi đều tươi đẹp.
Tác Giả: Hồ Thị Thùy
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100027581410414
-
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.