Gap year được hiểu là một năm nghỉ ngơi của học sinh sau 12 năm đèn sách, làm tất cả những gì mình muốn để khám phá bản thân trước khi bước vào quãng đường đại học. Ở Việt Nam, các bạn trẻ không chỉ gap year sau 12 năm học phổ thông, mà có thể khi đang học đại học, hoặc đang làm việc tại công ty nhưng muốn tạm dừng, tìm trải nghiệm mới hoặc đơn giản là xác định lại niềm đam mê của mình. Gap year là một trào lưu phổ biến trong giới trẻ trên thế giới và tại Việt Nam.
Với mong muốn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để thấy cuộc đời này thật nhiều điều tốt đẹp, Nguyễn Minh Quân (Thái Bình) đã quyết tâm thi vào ngành báo chí.
Thế nhưng, do lực học bình thường nên sau khi tốt nghiệp THPT, Quân chỉ đủ điểm đỗ vào Cao đẳng Phát thanh truyền hình chứ không đủ điểm vào trường đại học nào đào tạo ngành báo chí.
Quân chấp nhận học cao đẳng với hi vọng tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo. Tuy nhiên, vào học được nửa năm Quân phát hiện ra mình chỉ thích những phần nổi của nghề như nhà báo được đi nhiều nơi, không bị gò bó thời gian ngồi văn phòng chứ không hề biết những người làm báo phải vất vả, thậm chí đối diện với những nguy hiểm để có được thông tin trước khi đưa đến bạn đọc. Đó cũng là lúc Quân nhận ra mình không phù hợp với nghề này.
“Càng học em càng thấy khả năng viết lách cũng như xâu chuỗi vấn đề của mình rất kém. Hơn nữa, khả năng giao tiếp cũng rất hạn chế và trình bày không được gãy gọn vấn đề.
Em cảm thấy rất chán nản và áp lực khi học nghề này nên sau khi nghe anh chị khóa trên chia sẻ về việc chấp nhận bỏ 1 năm để tìm kiếm sở thích của bản thân cũng như thay đổi chính mình, em đã quyết định tạm dừng học ngành báo.
Em nhận ra những thứ liên quan đến công nghệ mới thực sự là sở trường của mình. Khi em đặt bút ký vào tờ đơn xin bảo lưu kết quả học tại trường 1 năm, bố mẹ em không đồng ý nhưng em đã nghĩ rất kỹ rồi, nếu học và làm một ngành mình không yêu thích thì không thể có đam mê được”, Quân chia sẻ.
Quân quyết định gap year trải nghiệm bằng việc xin vào làm tại một quán games, sau đó thi lại vào ngành công nghệ thông tin của Học viện Kỹ thuật Mật mã. Cho dù bố mẹ nói nếu bỏ trường báo sẽ cắt hết viện trợ nhưng Quân chấp nhận tìm việc làm thêm để theo đuổi đam mê thực sự.
Cuối cùng sau những khó khăn Quân đã đỗ Học viện Kỹ thuật Mật mã và hiện là sinh viên năm thứ 3. Quân cho biết dự định sau khi ra trường sẽ xin vào làm tại công ty chuyên về thiết kế đồ họa để lấy kinh nghiệm và cọ xát. Ước mơ của Quân là mở công ty chuyên về tư vấn cũng như thiết kế đồ họa.
Cũng từng trải qua 1 năm gap year để thấu hiểu bản thân, Nguyễn Minh Phương (quê Thái Bình) cho biết từ nhỏ cô đã ước mơ thi vào khoa Mỹ thuật, ĐH Sư phạm để trở thành giáo viên dạy vẽ. Thế nhưng, năm đó Phương thiếu đúng 1 điểm để trúng tuyển vào đây.
Nghe lời động viên của bố mẹ, Phương quyết định nhập học nguyện vọng 2 vào khoa Kế toán, Đại học Thương Mại dù nó không liên quan gì đến sở thích của cô. Ở quê của Phương, việc có bằng đại học là đã lên một tầm cao mới nên sống chết gì cô cũng phải học đại học.
Sau khi học gần 1 năm Phương thấy mình quá đuối và không qua được nhiều học phần. “Em bỏ học và dùng hết số tiền tiết kiệm để đi du lịch Sài Gòn. Tình cờ, em theo một người chị vào tiệm làm nail và thấy mình thực sự mê nghề này. Em bỏ học và tham gia 4 khóa học về làm nail mặc kệ sự phản đối của bố mẹ.
Em còn nhớ mẹ em từng khóc sưng mắt nói em bỏ đại học đi học nghề vớ vẩn, bởi ở quê em thì người sơn móng tay bị cho là thuộc diện ăn chơi, nọ kia.
Đến giờ thì em không hối hận với những gì mình đã chọn khi em có một chuỗi gồm 3 cửa hàng chuyên về nail, mi và thu nhập cũng khá so với bạn bè cùng trang lứa”, Phương kể.
Theo thạc sĩ Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2, với những ai chưa tìm được lối đi giữa cuộc đời, gap year có thể là lựa chọn đúng đắn trên hành trình nỗ lực để hiểu mình, để tìm được đam mê của cuộc đời và sống ý nghĩa hơn. Thế nhưng không phải gap year lúc nào cũng đúng nên giới trẻ phải hết sức thận trọng với trào lưu này.
Hoàng Thanh