Năm 2024, ngày Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7, ngày 24.2 dương lịch. Người xưa có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", cho thấy ý nghĩa quan trọng của ngày này trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng của người Việt.
Theo truyền thống, mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng thường làm to hơn so với các ngày Rằm khác trong năm. Tùy vào điều kiện, mỗi gia đình có thể làm mâm lễ mặn, lễ chay hoặc cả hai.
Theo nghệ nhân ẩm thực dân gian Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội), việc bày biện mâm cúng Rằm tháng Giêng không quá khắt khe. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, phong tục vùng miền mà làm mâm lễ to hay nhỏ khác nhau, quan trọng là ở sự tỉ mỉ, thành tâm của người chuẩn bị.
Lễ cúng Rằm tháng Giêng chẳng cần mâm cao cỗ đầy. Thay vào đó, phải làm sao cho chỉn chu, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, đặc biệt với các gia đình trẻ ít người.
Cùng tham khảo một số thực đơn cúng Rằm tháng Giêng dưới đây:
Mâm cỗ chay:
- Hoa quả
- Chè xôi
- Các món đậu
- Bánh trôi nước
- Rau củ quả luộc hoặc xào
- Nấm chiên
- Canh rau củ quả hầm
Ngoài ra, người dân có thể mua thêm một số món chay giả mặn làm sẵn như: gà chay, giò chả chay, nem chay... Đặc biệt, bánh trôi nước là món không thể thiếu trong mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng, với ý nghĩa cầu mong cả năm được hanh thông, trôi chảy.
Mâm cỗ mặn:
- Gà luộc
- Xôi gấc
- Bánh trôi nước
- Các món chiên: nem rán, tôm, chim quay...
- Các món xào: thịt bò xào cần tỏi, rau củ xào, lợn xào, sườn xào chua ngọt, hải sản xào...
- Các món canh: canh bóng thập cẩm, canh măng miến, canh thịt, canh móng giò, canh khoai tây...
- Các món nộm: dưa hành muối chua, nộm bò khô, nộm dưa chuột, nộm gà xé phay...
Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, người xưa thường cúng Rằm tháng Giêng theo mâm cỗ 4 bát 4 đĩa, 4 bát 6 đĩa hay 8 bát 8 đĩa. Các nguyên liệu làm món ăn cũng có thể linh hoạt, tùy điều kiện của từng gia đình, nhưng từ cách chuẩn bị, chế biến đến bày biện phải thật cẩn thận, công phu, thể hiện cái tâm của người nấu.