Nếu một ngày bạn vô tình nhìn thấy một người bất giác có những hành động y như lời nói của một người khác, dù lời nói đó không hề có tính bắt buộc hay sai khiến, thì bạn đang được chứng kiến trường hợp của người bị liệu. Vậy bị liệu là như thế nào? Cùng VOH đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây.
“Bị liệu” là gì?
Theo định nghĩa của ngành tâm thần học, “bị liệu” (hay nói liệu, nói nhịu) là một trạng thái của tâm thức, biểu hiện ra bên ngoài bằng sự kích động mạnh và không điều khiển được cảm xúc.
Trong y học gọi “bị liệu" là một dạng ám thị. “Ám thị" ở đây được dùng để chỉ sự biến đổi hành vi của một người, sau khi nhận được thông báo từ tâm trí gửi tới. Mức độ biến đổi này phụ thuộc vào tâm trí cũng như thế chất của người đó. Cho nên mức độ “bị liệu” ở mỗi người có thể nặng - nhẹ khác nhau.
Các chuyên gia đánh giá, những người bị liệu thường là những người “yếu bóng vía”, tức là những người hay bị mất bình tĩnh, sợ hãi trước một hoặc nhiều vấn đề nào đó.
Người bị liệu là người như thế nào?
Có rất nhiều câu chuyện về người bị liệu “dỡ khóc dỡ cười” diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện đầu tiên nói về một người phụ nữ tên H., quê Trà Vinh lên TPHCM phụ việc cho một tiệm phở.
Một sáng nọ, khi H. đang bưng tô phở ra cho khách - là một cặp vợ chồng trẻ cùng người con trai - thì đúng ngay lúc người đàn ông lớn tiếng nói người con trai: ‘rớt, rớt…”, khi thấy cậu bé đang dùng đũa khều lọ tương ớt.
Chỉ có thế mà tô phở trên tay chị H. bỗng nhiên rơi xuống đất văng tung tóe lên giày, quần áo của khách. Báo hại người chủ quán phải hết lời xin lỗi, bảo: “Nó bị bệnh, “nói liệu”. Ngặt nỗi nó là cháu tui nên đuổi thì không đành...”.
Một câu chuyện khác kể về một cô gái dẫn người mẹ đến một phòng khám để khám bệnh. Theo lời cô gái, mẹ cô mắc chứng “nói liệu”. Vì điều này mà bà cụ lúc nào cũng bị lũ trẻ hàng xóm chọc phá, chẳng hạn khi thấy bà cụ đứng trước nhà, chúng đồng loạt la lớn “đái, đái”, và thế là bà cụ… tè luôn ra quần. Hoặc khi chúng la “bước, bước” thì bà cụ bỗng nhiên đi chân cao chân thấp.
Ngoài ra, còn có câu chuyện về một người đàn ông ở Bình Chánh (TPHCM), có đứa con gái bị nói liệu. Thế nhưng, thay vì đưa con đến bệnh viện khám, người đàn ông này lại mời thầy về cúng vì cho rằng đứa bé bị “ma ám”. Kết quả, con gái anh bị phỏng hàng chục vết do thầy cúng dí nhang vào người bé để trừ tà, còn “nói liệu” thì vẫn là “nói liệu”!
“Nói liệu” là bệnh hay tâm linh?
Với những người chưa từng tìm hiểu về nguyên nhân và cơ chế của “nói liệu” thì họ coi đây là căn bệnh tâm linh. Theo họ, người nói liệu có thể đã bị ám, thậm chí là bị bùa ngải, vì họ cho rằng một người chỉ cần nghe người khác nói “té, té” chẳng hạn thì lập tức ngã lăn xuống đất là một chuyện kỳ bí và ma mị.
Thế nhưng, “liệu” vốn chỉ là phản xạ có điều kiện do một hành động của quá khứ đã in đậm trong ký ức gây nên. Hiểu đơn giản, đây là những hành động phản xạ lại khi nghe thấy những lời nói quen thuộc. Những lời nói này giống như những ám thị kích thích bộ não phải hành động ngay lập tức.
Chẳng hạn, một người khi còn nhỏ bị phạt đứng khiến việc đó in sâu trong tiềm thức họ. Lớn lên, nếu người này nhân cách yếu thì khi đột ngột nghe ai đó nói lớn “đứng lên” thì rất có thể họ sẽ đứng lên ngay dù rằng lời nói đó không dành cho họ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Italia và Hy Lạp, được công bố trên tạp chí Di truyền con người (xuất bản ở Mỹ), cho thấy nhiễm sắc thể (NST) số 2 và số 7 có liên quan đến bệnh ám thị, đặc biệt NST số 7 đóng vai trò quan trọng trong chứng rối loạn ngôn ngữ. Ngoài ra, một số chi tiết của NST số 16 và 17 cũng có liên quan đến căn bệnh này, nhưng ít gây ảnh hưởng hơn.
Xem thêm: Hiện tượng hồi quang phản chiếu là gì? Bí ẩn chưa được giải mã trước khi chết của con người Deja vu là gì? Những thông tin thú vị về hiện tượng deja vu Vô cảm là gì? Tại sao con người ngày càng trở nên vô cảm?
Đừng nhầm lẫn “bị liệu” và bệnh tâm thần
“Nói liệu” cũng không phải là bệnh tâm thần, mặc dù nó là một dạng ám thị tương tự như bệnh Hysteria - rối loạn tâm thần phân ly - nhưng nó có một số đặc tính khác với Hysteria.
Hysteria đôi khi gây ra hiệu ứng dây chuyền mà vài trường hợp trong lớp học, hàng loạt nữ sinh bị ngất xỉu, còn với “nói liệu” thì không.
Ngoài ra, người mắc chứng Hysteria có thể giãy giụa, la hét, đập phá đồ vật nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và nhận biết được mọi thứ xung quanh. Với “nói liệu”, những hành động thường bộc phát một cách không tự chủ, tuy nhiên, đa phần các hành vi của người bị liệu mồm chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn giản như ngồi, đi, chạy, ngã… Còn với những trường hợp cầm dao c.hém người, phóng h.ỏa, đốt nhà… thì hầu như chưa từng xuất hiện.
"Bị liệu" có chữa được không?
Trước đây, người ta đã dùng phương pháp thôi miên để điều trị chứng nói liệu. Tuy nhiên, sau này các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách chữa bị liệu bằng phương pháp thôi miên chỉ làm cho bệnh tật càng thêm trầm trọng.
Lý do được ra là việc thôi miên và chỉnh sửa ý thức người bị liệu chỉ là một cách “ru ngủ” tạm thời. Khi cơn buồn ngủ qua đi, họ sẽ càng thêm lệ thuộc vào những thông điệp mà họ nhận được.
Vì thế, với những người mắc chứng bị nói liệu, phương pháp điều trị tốt nhất là vẫn là gia đình. Bằng các bài tập đơn giản được lặp đi lặp lại sẽ giúp người bệnh tăng mạnh mẽ về nhân cách, từ đó não bộ dần dần hình thành được thói quen kiểm soát những “mệnh lệnh” bất thình lình!
Tóm lại, “bị liệu” không phải bệnh, cũng không gây nguy hiểm cho cộng đồng ngoại trừ cho chính bản thân người nói liệu. Họ là những người hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, do đó hãy cảm thông với người bị liệu, đừng đem họ ra làm trò đùa để mua vui, bởi nó có thể gây ra những nỗi ám ảnh lâu dài.
Cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.